24/11/2024

TP.HCM lại lo tắc đường

TP.HCM lại lo tắc đường

Sau những ngày tháng đường phố thông thoáng chưa từng có, ùn tắc giao thông lại nhăm nhe bủa vây TP.HCM.

 

 

Đường phố hầm hập trở lại

Tổ chức đám cưới vào ngày giữa tuần đầu tháng 5, anh Hoàng Phi (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) chắc mẩm xe hoa sẽ xuất phát đúng lịch trình đã chuẩn bị vì không lo kẹt xe.

Theo kế hoạch, chú rể sẽ đón dâu tại chung cư Dragon Hill (H.Nhà Bè) lúc 9 giờ, di chuyển về nhà trai tại đường Vạn Kiếp (Q.Bình Thạnh) mất 45 phút, sau đó làm lễ rồi qua nhà hàng đãi khách ở Q.3 vào lúc 11 giờ. Thế nhưng, toàn bộ hành trình đón dâu của anh Hoàng Phi đã bị “cháy giáo án”, mọi thủ tục trễ hơn 1 giờ đồng hồ do lượng xe trên đường đông ngoài dự kiến.

TP.HCM lại lo tắc đường - ảnh 1
Kẹt xe đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM  NHẬT THỊNH

9 giờ 30 phút, xe hoa cùng 2 chiếc ô tô 16 chỗ chở quan viên 2 họ mới nhích được tới đoạn Nguyễn Văn Linh giao Nguyễn Hữu Thọ. Đường không tới nỗi tắc nhưng ùn ứ, xe nhích từng chút khiến mọi người càng thêm mệt mỏi. Qua khỏi đoạn này, con đường có phần thông thoáng hơn nhưng tới chân cầu Kênh Tẻ, tình trạng dòng xe nối đuôi nhau lại tiếp diễn.

“Tưởng đi giờ này bớt kẹt xe, ai dè vẫn đông. Chờ mãi vẫn chưa thoát được qua Q.7. Tình hình này phải hẹn mọi người ở nhà trễ thêm chút, bố trí người ra nhà hàng sớm để đón khách trước vậy”, ba chú rể sốt ruột. Trong suốt quá trình từ Nhà Bè về tới Bình Thạnh, mỗi lần xe di chuyển qua một tuyến đường như đường Cách Mạng Tháng 8, vòng xoay 3/2… lại có người lẩm nhẩm bảo nhau: “Đi vào đường này thì chết. Tắc lắm!”. Đến nỗi, mẹ cô dâu nghe chuyện một hồi phải cảm thán: “Nói vậy, hóa ra TP.HCM đường nào cũng tắc hết!”.

Theo tổng kết của Ban An toàn giao thông (UBND TP.HCM), do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19 thực hiện giãn cách xã hội, người dân hạn chế ra đường nên lưu lượng phương tiện lưu thông giảm, tình hình giao thông trên địa bàn TP trong năm 2021 tương đối thông thoáng. Nhờ vậy, ngành giao thông TP cũng lập kỷ lục về các chỉ số tai nạn giao thông với tỷ lệ kéo giảm trên cả 3 mặt về số vụ, số người chết và số người bị thương xuống sâu nhất trong lịch sử.

Tuy vậy, với mục tiêu Ban An toàn giao thông đặt ra trong năm 2022 sẽ tiếp tục kéo giảm từ 5 – 10% các chỉ tiêu về tai nạn giao thông, hầu hết các đơn vị, ban ngành đều kêu: “Khó!”.

Cũng thường xuyên di chuyển qua cầu Kênh Tẻ để đi làm ở Q.3, chị M.Phương (ngụ Q.7) cho biết giai đoạn TP.HCM giãn cách vì dịch bệnh là lần đầu tiên trong suốt gần 1 thập kỷ sống ở khu vực này, chị thấy cầu Kênh Tẻ thông thoáng vào giờ cao điểm. Sau khi TP.HCM mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế, lượng xe vẫn chưa tăng nhiều, đi lại vẫn dễ dàng. Chỉ đến sau Tết Nguyên đán, tình trạng xe cộ bủa vây cây cầu vào buổi sáng và cuối giờ chiều ở hướng ngược lại kéo dài từ nút giao Hoàng Diệu – Khánh Hội bắt đầu tái diễn.

“Sau tết, mọi người trở lại TP.HCM nhiều hơn nên chắc chắn phương tiện sẽ đông hơn. Lúc dịch thì mọi người bảo nhau thèm nhìn thấy TP.HCM kẹt xe. Giờ ùn tắc trở lại rồi, lại cùng nhau than mệt tiếp thôi chứ biết sao giờ”, chị Phương cười.

Ghi nhận tại một số điểm đen ùn tắc tại TP.HCM trước đại dịch như đường Điện Biên Phủ, Cộng Hòa, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Trường Chinh, Điện Biên Phủ, Lê Văn Việt đoạn gần Đình Phong Phú (TP.Thủ Đức)… lượng phương tiện đã tăng cao trở lại vào những khung giờ cao điểm sáng và chiều. Trên các tuyến đường cửa ngõ, cao tốc hay quốc lộ hướng về Vũng Tàu và các tỉnh miền Tây, tình trạng ùn tắc nghiêm trọng dịp cuối tuần bắt đầu xuất hiện với tuần suất dày hơn, thường xuyên hơn.

TP.HCM lại lo tắc đường - ảnh 2
Kẹt xe trên đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình, TP.HCM)  NHẬT THỊNH

Không thể kỳ vọng phép màu

Nhận định kẹt xe là biểu hiện của sức sống kinh tế, TS Nguyễn Hữu Nguyên, thuộc Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN, cho rằng khi đường phố trở lại đông đúc, phương tiện di chuyển trở lại nhiều, đồng nghĩa với kinh tế TP đang hồi phục mạnh mẽ trở lại. Tuy nhiên, nếu so với giai đoạn cao điểm ùn tắc – khi các hoạt động kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế diễn ra bình thường – thì số lượng phương tiện hiện đã dịu đi rất nhiều. Điều này thể hiện rõ bằng khảo sát đơn giản tại một số siêu thị hoặc khu chợ truyền thống, vòng ngoài buôn bán khá đông đúc, tấp nập nhưng trong lòng chợ còn rỗng, chứng tỏ dân số và mật độ phương tiện chưa phục hồi như trước khi có dịch.

Những dự án hạ tầng quan trọng, sau khi hoàn thành chắc chắn sẽ góp phần giải tỏa nút thắt giao thông của TP. Đồng thời, thúc đẩy giao thương kết nối liên vùng, tăng khai thác quỹ đất, phát triển các dịch vụ logistics… mang đến cho TP.HCM cơ hội để đột phá hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế trong giai đoạn tới.

Ông Phan Công Bằng

“Hiện nay giao thông vẫn chưa tới mức ùn tắc kinh khủng. Thời gian tới, khi tất cả các ngành kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế… phục hồi hoàn toàn, người dân từ quê quay trở lại, TP lập thêm các công ty, khu công nghiệp, thu hút thêm người lao động từ khắp nơi đổ về thì ùn tắc chắc chắn sẽ lại tái diễn như trước khi có dịch. Nguyên nhân, những yếu tố cơ bản nhất của quá tải giao thông như diện tích đường, số lượng phương tiện cá nhân và giao thông công cộng (GTCC) vẫn chưa thay đổi”, ông Nguyên dự báo.

Thực tế, tranh thủ khi tình hình giao thông chưa trở lại “gay cấn”, thời gian qua Sở GTVT TP.HCM đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng diện tích đường cho giao thông và tổ chức lại hoạt động giao thông theo chiều hướng tăng cường phương tiện GTCC.

Đơn cử, loạt dự án hạ tầng trọng điểm như cầu Thủ Thiêm 2 giải tỏa ùn tắc khu vực trung tâm TP, đường song hành đại lộ Võ Văn Kiệt giải quyết tình trạng ùn ứ, mất an toàn tại giao lộ Võ Văn Kiệt – Ký Con, mở rộng đại lộ Nguyễn Văn Linh… đã được tăng tốc triển khai, đưa vào phục vụ nhu cầu đi lại của người dân TP. Ở các quận, huyện vùng ven, hơn 5 km đường Đặng Thúc Vịnh (tỉnh lộ 9, H.Hóc Môn) từ nút giao Tô Ký đến Lê Văn Khương sau khi được mở rộng lên 30 m đã góp phần rất lớn nâng cao năng lực giao thông, góp phần giảm tình trạng ngập nước, cải thiện môi trường, chỉnh trang mỹ quan đô thị khu vực này…

Ngoài ra, TP.HCM cũng đã đẩy rất mạnh các hoạt động nhằm đưa nhiều loại hình phương tiện GTCC đến gần hơn với người dân, như thí điểm hệ thống xe đạp công cộng, tăng cường xe buýt tại sân bay, khai trương tuyến buýt điện thông minh… Hầu hết các loại hình dịch vụ này đều nhận được sự đón nhận vượt mức kỳ vọng của người dân TP.

Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, những giải pháp mới đều tham gia vào việc làm dịu đi tình trạng quá tải giao thông của TP.HCM nhưng mức độ tác động nhỏ, chưa đủ để thay đổi căn bản tình hình giao thông đô thị. Cụ thể, tỷ lệ đường giành cho giao thông vẫn đang ở mức rất thấp so với nhu cầu. Mạng lưới xe buýt hiện ngay cả khi khôi phục hoàn toàn cũng chưa thể đáp ứng thêm nhu cầu đi lại của người dân, giống như khi trước dịch. Các hình thức GTCC mới chỉ đang dừng ở bước đầu tiên, giai đoạn để người dân tiếp cận, làm quen. Việc làm sao để họ từ làm quen chuyển thành lựa chọn, thay đổi dần thói quen đi lại, là cả một bài toán khó.

“Sau thời kỳ này, giao thông TP.HCM sẽ có cải thiện nhưng không rõ rệt. Tuy nhiên, phải xác định giải quyết giao thông ở một đô thị, không bao giờ có thể tham vọng chuyển đổi nhanh chóng. Cần quá trình tịnh tiến đi cùng các chương trình được thực hiện bài bản ở trung hạn và dài hạn, bồi đắp thêm các giải pháp để tình hình dần dần được cải thiện”, TS Nguyên lưu ý.

TP.HCM lại lo tắc đường - ảnh 3
Kẹt xe trên đường 3 Tháng 2 (Q.10, TP.HCM)  CAO AN BIÊN

Lấp khoảng trống hạ tầng

Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đánh giá thành quả năm vừa qua một phần nhờ 4 tháng giãn cách, tai nạn kéo giảm theo cơ học tự nhiên và đã tới mức chạm đáy. Năm 2022, khi tình hình kinh tế, xã hội đã trở lại bình thường mới, cần đánh giá thực tế để xem xét điều chỉnh lại mục tiêu sao cho khả thi.

Theo ông Phan Văn Mãi, nhân việc phục hồi sau giãn cách, ngành giao thông cần phân tích, mổ xẻ từng nguyên nhân để phát huy những điểm tích cực, đồng thời rút kinh nghiệm chỉ rõ những bất cập để tổ chức lại việc điều tiết, đảm bảo trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông. Trong năm 2022, TP sẽ tập trung nguồn lực để hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng kịp nhu cầu. Đây là một trong những giải pháp căn cơ để giải quyết bài toán ùn tắc giao thông của TP.

Trả lời Thanh Niên, ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, thông tin thêm: Từ nay đến quý 4, Sở GTVT cùng các ban, ngành liên quan tập trung hoàn thiện thủ tục để khởi công thêm một số công trình trọng điểm. Trong đó, nhóm dự án tháo gỡ ách tắc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất có vốn đầu tư lớn nhất và nhận nhiều sự quan tâm của người dân TP. Công trình có thể khởi công sớm nhất là đường nối đường Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa (Q.Tân Bình). Với tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỉ đồng, đây là dự án giao thông trọng điểm của TP.HCM giai đoạn 2020 – 2023 nhằm phục vụ việc kết nối giao thông của Nhà ga T3 – Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông khu vực sân bay và các khu vực lân cận.

TP.HCM lại lo tắc đường - ảnh 4

Nút giao An Phú (TP.Thủ Đức) cũng là một trong những công trình được trông đợi nhất trong năm 2022, bởi đây là nơi giao nhau giữa 3 trục giao thông lớn gồm cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, đại lộ Mai Chí Thọ và đường Lương Định Của, nhưng thường xuyên ùn tắc, nhất là vào dịp cuối tuần và lễ tết. Ngoài ra, dự án mở rộng QL50 cũng được TP bố trí vốn ngân sách để triển khai trong năm 2022. Khi hoàn thành vào năm 2024, tuyến đường sẽ giúp người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận tiện, giải quyết áp lực giao thông khu vực cửa ngõ phía nam TP.HCM.

Dự án đặc biệt quan trọng kết nối liên vùng là dự án xây dựng đường Vành đai 3 cũng đang được tập trung triển khai, quyết tâm hoàn thành cơ bản trong giai đoạn từ nay đến 2025.

HÀ MAI

TNO