Vẫn ra được 12 cuốn sổ đỏ vụ hàng trăm người chốt đất gây “bão mạng”
Vẫn ra được 12 cuốn sổ đỏ vụ hàng trăm người chốt đất gây “bão mạng”
Liên quan đến vụ chốt đất gây “bão mạng” ở nông thôn Quảng Trị hồi tháng 3, nguồn tin của Thanh Niên cho biết từ 3 lô đất ban đầu chủ đất vẫn ra được 12 cuốn sổ đỏ để giao cho “các nhà đầu tư”.
Ngày 7.5, nguồn tin của Thanh Niên cho hay, nhóm chủ đất trong vụ tổ chức màn “chốt đất” xảy ra ở khu đất ở thôn Hà Xá (xã Triệu Ái, H.Triệu Phong) từng gây “bão mạng” ở Quảng Trị hồi tháng 3 đã làm được 12 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Vụ chốt đất gây ồn ào. THANH LỘC |
Đây là 1 thông tin hết sức bất ngờ với nhiều người, bởi khi thời điểm xuất hiện clip “chốt đất” hồi đầu tháng 3, dư luận và chính quyền địa phương đều tỏ ra không đồng tình.
Tại thời điểm đó, trả lời báo chí, cả chính quyền xã Triệu Ái và H.Triệu Phong đều cho rằng 12 lô đất bị tự ý cắm cọc phân lô nằm trong 3 mảnh đất được cấp sổ đỏ từ lâu và đã bán cho những người khác; khu vực được “chốt đất” chưa được quy hoạch điểm dân cư do vậy, việc một đơn vị hay cá nhân nào đó tự ý cắm cọc, phân lô là sai quy định.
Sáng 7.5, PV Thanh Niên đã có liên hệ với ông Phan Văn Linh, Chủ tịch UBND H.Triệu Phong ban đầu cho biết “chắc là chưa đâu, tách thửa là có quy định chứ đâu phải dễ tách đâu”. Nhưng sau đó, ông Linh cũng nói thêm rằng: “Nếu đúng thì họ làm được. Trước đây mình nói là chuyện cò đất, đến tập trung ở đó nhiều, làm sốt đất, gây mất an ninh trật tự, còn nếu họ đúng thì phải cấp cho họ”, ông Linh nói.
Dù thế, ông Linh cũng đề nghị PV liên hệ thêm với Phòng Tài nguyên- Môi trường H.Triệu Phong để làm rõ thêm. Tuy nhiên, PV đã nhiều lần liên lạc bằng điện thoại với ông Võ Ngọc Ảnh, Trưởng phòng Tài nguyên- Môi trường H.Triệu Phong thì không được phản hồi.
Trong khi đó, trả lời Thanh Niên, một cán bộ chuyên về lĩnh vực quản lý đất đai ở Quảng Trị cho biết dù vụ việc nêu trên đúng là ồn ào, nhưng nếu chiếu theo quy định hiện hành của T.Ư và của tỉnh thì không thể cấm người ta tách từ 3 sổ đỏ thành 12 sổ đỏ được.
Khu vực đất được đấu giá, phân lô. THANH LỘC |
Về tính pháp lý, luật sư Lê Cao (Công ty Luật FDVN, Đoàn luật sư TP Đà Nẵng) cho biết, theo quy định của Luật đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn thì các hộ gia đình, cá nhân có đất trồng cây lâu năm, đất vườn vẫn có quyền xin được tách thành các thửa đất nhỏ hơn, miễn là các thửa đất này đảm bảo diện tích tối thiểu được tách thửa của mỗi địa phương.
Luật đất đai cũng chưa quy định rõ điều kiện nào cụ thể cho việc tách thửa đất ở, đất nông nghiệp khác nhau ra sao cụ thể mà trao quyền cho các địa phương dẫn đến hiện trạng mỗi nơi quy định một kiểu khác nhau. Đây cũng là khởi nguồn cho tình trạng lạm dụng việc phân lô, tách thửa đất nông nghiệp rồi chuyển mục đích sử dụng trái phép diễn ra ngày một nhiều.
Chính vì thế, ông Cao cho rằng sắp tới Luật đất đai sửa đổi cần luật hóa các quy định về điều kiện tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất thống nhất trong cả nước để dù quy định trao quyền cho các địa phương nhưng vẫn đảm bảo sự đồng bộ trong các quy định, tránh tình trạng ngay cả chính sách bên dưới cũng bị thao túng bởi các nhóm lợi ích.
“Thao túng thị trường bất động sản mà được làm trong sai trái luật pháp thì dễ xử lý. Nhưng việc lợi dụng chính các quy định của địa phương để thao túng thì rất khó để xử lý và hệ quả thì rất nặng nề”, ông Cao nhận định.
THANH LỘC
TNO