24/11/2024

Săn đất nghỉ dưỡng – thực không như mộng – Kỳ 1: Săn đất cho… ngày về vườn

Săn đất nghỉ dưỡng – thực không như mộng – Kỳ 1: Săn đất cho… ngày về vườn

Người nhiều tiền lên vùng núi, ra miền biển kiếm miếng đất rộng xây nhà, hưởng không khí trong lành. Người không dư dả gì cũng cố săn miếng đất núi, đất ruộng nho nhỏ để mong ngày… nghỉ dưỡng. Nhưng thực nhiều khi khác xa với mộng.

 

 

Săn đất nghỉ dưỡng - thực không như mộng - Kỳ 1: Săn đất cho... ngày về vườn - Ảnh 1.

Nhiều người hiện nay mua đất nghỉ dưỡng vẫn thích vùng đất mát mẻ Lâm Đồng nhưng phải chú ý yếu tố pháp lý được đảm bảo – Ảnh Q.M.

“Ông bà lấy tiền dành dụm mua miếng đất nghỉ dưỡng cho sướng thân. Muốn gần Sài Gòn, đi lại tiện thì mua ở Long An, Tiền Giang. Còn xa hơn thì lên Lâm Đồng hưởng mát mẻ, ra Bình Thuận hít thở gió biển. Sống được bao mà cứ phải giữ giữ, dành dành cho khổ”.

Ông Nguyễn Trọng Nhân, một kế toán trưởng công ty sắp nghỉ hưu ở huyện Bình Chánh (TP.HCM), kể chuyện người trong cuộc đi săn đất.

 

Rạc người tìm đất “nghỉ dưỡng”

Ông Nhân và vợ là người Thái Bình, vào Nam học hành và lập nghiệp từ năm 1981. Hơn 40 năm ở đây, họ gầy dựng được tại huyện Bình Chánh căn nhà trên nền đất rộng gần 250m2 mua từ năm 2003. Hai người con vừa lập gia đình và thu nhập không đủ ra riêng nên đầu năm 2021 ông Nhân quyết định bán nhà để chia ba phần cho hai đứa con và vợ chồng sắp tuổi hưu.

“Con cái còn trẻ nên lấy tiền cha mẹ cho và vay mượn thêm để mua lại nhà khác. Dù nhà nhỏ hơn nhưng chúng tính nhà đất sẽ còn lên giá nhiều. Chúng tôi thì sắp hưu rồi nên mua chung cư cho tiện” – ông Nhân tâm sự vợ chồng đã mua căn chung cư ở phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân với giá 2,6 tỉ đồng.

Còn dư chút tiền chia phần từ bán nhà cộng với khoản dành dụm lâu nay được tất cả gần 3 tỉ đồng, vợ chồng ông tạm gửi ngân hàng để tính toán cho kỹ vì đây là “khoản phòng thân” cuối cùng của họ.

Đầu năm 2021, vợ chồng ông Nhân đi Cai Lậy (Tiền Giang) chơi, thăm người bạn. Hai ngày cuối tuần về quê, họ chỉ nghe toàn chuyện “đất đai sốt đùng đùng còn hơn người nhiễm virus covid-19”. Người bạn khuyên ông Nhân nên lấy tiền dành dụm mua đất, “nếu không muốn làm nhà đầu tư đất đai, mua đi bán lại kiếm lời nhanh thì cứ chọn miếng đất đẹp để làm nhà nghỉ dưỡng tuổi già”.

Ý khuyên sau trúng bụng dạ vợ chồng ông Nhân. Con cái trưởng thành, lo xong nhà cửa riêng, vợ chồng ông chỉ năm nữa cầm sổ hưu nên không còn “máu đầu tư chụp giật”. Họ quyết định lấy số tiền dành dụm để săn tìm đất nghỉ dưỡng, chờ ngày về hưu thì… về vườn. Ban đầu họ cũng ưng đất vườn Cái Bè, Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) quanh năm xanh tươi, nhưng nghe lời khuyên nên đi xem thêm một số nơi khác rồi hãy quyết định “ra tiền”.

Thế là suốt mấy tháng, cứ cuối tuần là họ lại đi “coi đất để mai mốt về vườn”. Từ Tiền Giang, họ về Đức Hòa (Long An) gần Sài Gòn hơn. Tuy nhiên, số tiền họ có chỉ 3 tỉ đồng nên không thể mua được đất rộng mà đẹp ở Long An liền kề Sài Gòn này nữa vào cuối năm 2021.

Theo mối mai các “cò” đất, họ lại đi tiếp lên Tây Ninh, tới cả gần núi Bà Đen để tìm “đất thiêng mà ở”. Gần như đã chọn xong miếng đất ruộng 1.000m2 “có thể lên một phần thổ cư” thì họ nghe các “cò” đất ở nơi khác “thổi lỗ tai” chê vùng đất này nóng, nghỉ dưỡng không sướng.

Một lần nữa, vợ chồng ông Nhân lại ngược lên núi Lâm Đồng theo mối mai của các “cò” đất. Đã ưng mắt miếng đất 1.000m2 “xanh đẹp” gần Madagui (huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng) và chỉ cách quốc lộ 20 chưa tới 3,5km thì họ lại tiếp tục nghe tư vấn đã lên hướng núi này thì nên qua đèo Bảo Lộc.

Các “cò” đất vùng Bảo Lộc tư vấn qua đèo Bảo Lộc hướng lên Đà Lạt, thế đất cao hơn nên không khí quanh năm mát mẻ, thích hợp nghỉ dưỡng, thậm chí có thể làm homestay kiếm tiền du khách.

“Nói thật, vợ chồng tôi đi hết nơi này đến nơi khác, tới Madagui thì thấy ngán, mệt rồi. Định mua luôn ở Đạ Huoai cho xong nhưng đám “cò” nói có lý. Lâm Đồng mà qua đèo Bảo Lộc thì nhiệt độ thấp hơn bên đây đèo”, ông Nhân kể. Thế là vợ chồng gần 60 tuổi lại mất thêm nhiều cuối tuần nữa để xem thế đất view núi đến đất view suối, view sông, đồi trà… ở Bảo Lộc, Bảo Lâm, Lâm Hà.

Săn đất nghỉ dưỡng - thực không như mộng - Kỳ 1: Săn đất cho... ngày về vườn - Ảnh 2.

Quảng cáo đất làm trang trại, nghỉ dưỡng trên khắp trang mạng

Tôi phải thế chấp chính căn nhà đang ở quận 6 để vay thêm tiền mua 1.500m2 đất gần Đà Lạt. Giờ có bán miếng đất đó chắc cũng không còn lời mấy vì suốt mấy năm phải trả lãi ngân hàng.

Bà Lý Thị Tâm

 

Mua đất hết sạch tiền dành dụm

Đường Sài Gòn lên đó không xa nhưng xe khách đi cũng mất gần cả ngày khiến vợ chồng già phờ phạc. Mãi đầu tháng 3-2022, họ mới “chấm” được miếng đất 850m2 ở xã Lộc Thành (huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng) với giá 2,8 tỉ, coi như “sạch sẽ” khoản tiền phòng thân tuổi già.

Đó là chưa kể họ mất gần 4 tháng đi xem đất khắp nơi rạc cả người và tốn nhiều chi phí. “Đất nhìn thế núi Đại Bình thì thật đẹp, nhưng thật sự tôi cũng chưa biết khi nào… về vườn được, mà đi cũng xa quá, có khi ngồi mất cả 7 tiếng xe khách” – bà Trần Thị Nga, vợ ông Nhân, tâm sự.

Vợ chồng ông Nhân có hai người bạn cùng đi xem đất nghỉ dưỡng. Cuối cùng, một người bỏ cuộc, quyết chỉ ở thành phố lớn cho gần quán ăn ngon và… bệnh viện. Một người khác thì đi xa hơn, lên đến tận Lâm Hà, mong hưởng chút lạnh gần Đà Lạt. Tuy nhiên, cũng như ông Nhân, số tiền dành dụm được gần 2,5 tỉ đồng của họ đã “chôn” hết vào miếng đất nhiều “cỏ hoa” 500m2 và thật sự chưa biết bao giờ họ có tiền để xây nhà cho ngày… về vườn trồng hoa.

Hiện nay, ngoài dòng người ở thành phố đổ về các tỉnh mua đất chờ lên giá để bán lại kiếm lời, có những người săn tìm đất quê với mục đích nghỉ dưỡng. Người hướng ra biển, người về đồng nhưng có lẽ đang được chọn lựa nhiều nhất là hướng lên núi cao, những nơi còn tương đối mát mẻ và chưa đông đúc dân cư.

Nguyễn Văn Mạnh, một môi giới đất đai gần 15 năm thâm niên ở vùng Lâm Đồng, kể: “Hầu hết khách hàng của tôi là dân Sài Gòn lên, gần đây có thêm dân Biên Hòa, Đồng Nai và ít người Hà Nội vào. Ngoài những tay lướt đất kiếm lời, nhiều người nói mục đích tìm miếng đất đẹp để ngày nào đó rời thành phố lên nghỉ dưỡng. Không chỉ những doanh nhân mua đất rộng, mà cả những người có vẻ ít tiền cũng cố lên mua cái nền vài trăm mét vuông nho nhỏ để tính chuyện nghỉ dưỡng”.

Trong khi môi giới Mạnh thừa nhận nhiều khách nói mua đất nghỉ dưỡng nhưng mãi vẫn chỉ thấy nền đất đầy cỏ dại, thì nhiều người cũng nói cứ săn đất để đó, ngày nào về vườn tính sau. Bà Lý Thị Tâm (57 tuổi, ở khu Bình Phú, quận 6, TP.HCM), người đã cố mua được miếng đất 1.500m2 đẹp cách trung tâm TP Đà Lạt chưa tới 25km và phải vay nợ thêm tiền ngân hàng, kể: “5 năm trước, tôi cũng rảo từ Long An ra Bình Thuận, Nha Trang rồi mới lên Lâm Đồng để chọn mua gần Đà Lạt vì chỉ nơi này có khí hậu mát mẻ duy nhất ở miền Nam. Lúc đó tính cất nhà ở dưỡng già nhưng giờ gần 70 tuổi rồi vẫn chưa lên nổi …”.

Bà Tâm có người em trai cũng hào hứng mua miếng đất 1.500m2 liền thửa với chị nhưng cũng 5 năm chỉ để cho cỏ mọc dại. Đường lên ở “hưởng sương gió lạnh” miền núi thì mịt mù, nhưng đường họ tính toán bán lại kiếm lời thì có vẻ rất gần…

 

Có tiền mua đất nhưng không tiền xây nhà

“Lúc ra tiền mua miếng đất rẫy điều rộng 1 mẫu, giá gần 2 tỉ ở huyện Bù Đăng, Bình Phước, cũng có người khuyên tôi chỉ nên tính toán mua đầu tư kiếm lời chứ nghỉ dưỡng gì được mà nghỉ dưỡng. Nhưng tôi vẫn tính mua đất để lên ở dưỡng già vì mình từng làm ruộng vườn nên nghĩ thích hợp”, ông Bùi Văn Hoành (ở đường Tỉnh lộ 10, quận Bình Tân, TP.HCM) kể chuyện.

Gần 20 năm trước, ông Hoành bán rất rẻ gần chục mẫu ruộng ở Đức Hòa để lên với con ở TP.HCM. Giờ ông lại muốn bán nhà để quay về vườn. “Nhưng nhà bầy con 5 đứa thì 3 đứa chưa có nhà riêng. Tôi có bán nhà thì cũng phải chia các con, chẳng còn được bao nhiêu” – ông Hoành kể và cho biết mẫu đất ông mua ở Bình Phước là số tiền dành dụm, còn tiền cất nhà nghỉ dưỡng thì “chưa biết đào đâu ra”.

(Còn tiếp)

 

MẠNH DŨNG – Q.M.
TTO