27/12/2024

Nhiều câu hỏi ‘nóng’ về đăng ký nguyện vọng xét tuyển

Nhiều câu hỏi ‘nóng’ về đăng ký nguyện vọng xét tuyển

Từ sáng sớm 8-5, hàng ngàn phụ huynh và học sinh đã có mặt tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội để tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2022.

 

 

Nhiều câu hỏi nóng về đăng ký nguyện vọng xét tuyển - Ảnh 1.

Ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2022 diễn ra ngày 8-5 thu hút hàng ngàn phụ huynh, học sinh tham dự – Ảnh: NAM TRẦN

Ngày hội năm nay có quy mô lớn nhất trong nhiều năm gần đây, với gần 200 gian tư vấn của gần 100 trường đại học và cao đẳng.

Ngày hội do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH), Sở GD-ĐT Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức, với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.

 

Hoạt động thường niên có ý nghĩa

Đó là đánh giá của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, trong phát biểu khai mạc ngày hội. “Ở mỗi chương trình, Ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp cùng báo Tuổi Trẻ luôn có lãnh đạo, cán bộ giàu kinh nghiệm của Vụ Giáo dục đại học tham dự để giải đáp thắc mắc cho học sinh, phụ huynh.

Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của thí sinh, phụ huynh cũng là cơ sở thông tin để Bộ GD-ĐT cân nhắc điều chỉnh quy chế phù hợp với thực tế, tạo điều kiện thuận lợi và công bằng nhất cho thí sinh cũng như cơ sở đào tạo” – Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.

Ông Sơn đánh giá thành công trong công tác tuyển sinh hằng năm là nhờ các trường có nhiều cố gắng trong công tác truyền thông thông tin được cụ thể hơn đến với thí sinh, các phương thức tuyển sinh giữ ổn định cũng như nhờ sự góp phần của công tác tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp hằng năm cho học sinh.

“Với ý nghĩa đó, Bộ GD-ĐT luôn coi tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp là hoạt động thường niên để giúp học sinh chọn ngành, chọn trường. Tại Hà Nội, mỗi năm có khoảng trên 10.000 học sinh và các bậc phụ huynh được chia sẻ, hỗ trợ vào trước các mùa thi và tuyển sinh đại học, cao đẳng” – ông Sơn nói.

Trong phát biểu công bố khai mạc ngày hội, nhà báo Lê Thế Chữ – tổng biên tập báo Tuổi Trẻ – bày tỏ mong muốn với sự đồng hành, chia sẻ của báo Tuổi Trẻ và các đơn vị phối hợp, các em học sinh sẽ vững tâm hơn và chuẩn bị tốt hơn để bước qua thử thách sắp tới.

Ông Lê Thế Chữ cũng chia sẻ về một sự đồng hành khác được báo Tuổi Trẻ kiên trì thực hiện trong nhiều năm qua: học bổng “Tiếp sức đến trường”. “Báo Tuổi Trẻ trao học bổng “Tiếp sức đến trường” dành cho tân sinh viên khó khăn với mỗi suất từ 10 – 15 triệu đồng trong nhiều năm qua.

Đây là học bổng từ đóng góp của bạn đọc báo Tuổi Trẻ với mong muốn không để bất kỳ tân sinh viên nào bỏ học vì khó khăn về kinh tế. Do đó bạn nào đậu đại học nhưng hoàn cảnh quá khó khăn thì hãy gọi báo Tuổi Trẻ để được hỗ trợ” – ông Lê Thế Chữ khẳng định.

 

Nóng câu hỏi về “nguyện vọng”

Phiên tư vấn chung diễn ra ngay sau lễ khai mạc rất khác biệt so với các năm trước khi những câu hỏi nóng lại nghiêng về vấn đề rất kỹ thuật, liên quan tới đăng ký nguyện vọng của thí sinh.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), đã lặp lại nội dung giải thích của mình nhiều lần nhưng vẫn có phụ huynh, học sinh tiếp tục hỏi về cách đăng ký nguyện vọng và cách xếp ưu tiên nguyện vọng. Thậm chí khái niệm thế nào là nguyện vọng xét tuyển nhiều người cũng hiểu chưa rõ.

Sự quan tâm của phụ huynh và thí sinh tập trung vào điều chỉnh kỹ thuật của Bộ GD-ĐT ở khâu xét tuyển đại học năm nay. Theo quy định, Bộ GD-ĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo và thí sinh phải nhập dữ liệu lên hệ thống chung để chạy “lọc ảo”. Quá trình chạy “lọc ảo” sẽ chỉ cho phép mỗi thí sinh (theo mã định danh cá nhân) chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng được xếp ưu tiên cao nhất.

Vì thế cho dù thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển vào 5 – 10 ngành/trường thì cũng sẽ chỉ được trúng tuyển vào 1 nơi. Và để đảm bảo thí sinh trúng tuyển vào nguyện vọng mình yêu thích nhất, phù hợp nhất thì thí sinh cần cân nhắc đặt lên trước các nguyện vọng đó theo thứ tự từ 1 đến hết.

“Thí sinh có thể đăng ký nhiều nguyện vọng vào 1 trường và nhiều trường, nhưng chỉ khi đăng ký trên hệ thống của Bộ GD-ĐT thì việc xếp ưu tiên các nguyện vọng mới có ý nghĩa. Vì thế bên cạnh việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các ngành của các trường khác nhau theo yêu cầu của các trường, thí sinh phải nhập dữ liệu đăng ký của tất cả các nguyện vọng lên hệ thống của Bộ GD-ĐT theo thứ tự ưu tiên. Việc xếp thứ tự ưu tiên chỉ thể hiện duy nhất trên hệ thống này” – PGS.TS Nguyễn Thu Thủy khẳng định.

 

“Cửa hẹp”

Nhiều thí sinh ở các vùng nông thôn có mặt tại ngày hội băn khoăn khi các trường có xu thế dành ít chỉ tiêu tuyển sinh cho phương thức truyền thống (sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT). “Thí sinh nông thôn ít có điều kiện học tốt tiếng Anh, khó khăn để đạt điểm cao ở các kỳ thi đánh giá tư duy, đánh giá năng lực cho nên “cửa hẹp” để vào đại học” – một học sinh đặt vấn đề.

Về điều này, bà Nguyễn Thu Thủy khẳng định hiện nay 100% trường vẫn sử dụng phương thức truyền thống này, trong đó có nhiều trường dành chỉ tiêu cao cho phương thức này. “Chúng tôi đã nghiên cứu, chỉ tiêu tuyển sinh chỉ giảm đi do dịch chuyển từ phương thức xét điểm thi tốt nghiệp sang xét học bạ” – bà Thủy nói.

Theo thông tin mới nhất từ TS Lê Mỹ Phong, phó cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), tính đến ngày 8-5 đã có trên 688.000 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT trực tuyến thành công. Trong đó có 537.000 thí sinh sử dụng kết quả thi vừa để xét tốt nghiệp vừa để xét tuyển đại học, chiếm gần 79%.

 

5 phương thức xét tuyển gốc

Khái niệm “xét tuyển kết hợp” cũng được nhiều phụ huynh và học sinh đặt câu hỏi. Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, giám đốc Trung tâm khảo thí – ĐH Quốc gia Hà Nội, Bộ GD-ĐT thống kê có 20 phương thức xét tuyển nhưng thực chất chỉ có 5 phương thức gốc: tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD-ĐT; sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, tư duy; chứng chỉ tiếng Anh quốc tế; học bạ; kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Các trường có thể kết hợp các phương thức gốc trên với nhau để tạo nên nhiều “nhánh”. Nhưng thí sinh chỉ cần quan tâm và chuẩn bị đáp ứng tốt nhất có thể với các phương thức gốc trên, trong đó cái gì là sở trường của mình thì đầu tư nhiều hơn cho nó để ưu tiên sử dụng khi đăng ký nguyện vọng.

 

Chọn ngành phù hợp

Các chuyên gia tư vấn cho rằng thí sinh cần chọn ngành trước, sau đó mới xem ngành đó được đào tạo ở các cơ sở nào. Mỗi cơ sở có thể có những điểm mạnh khác nhau để thí sinh chọn. Sau khi chọn ngành/trường, thí sinh mới xem nó được xét tuyển bằng các phương thức nào và chọn phương thức mà mình có lợi thế nhất.

“Không có trường nào mở ngành đào tạo mà xã hội không cần. Vì thế, các em hãy yên tâm là lĩnh vực nào cũng có cơ hội việc làm. Vấn đề chỉ là ngành nghề đó có phù hợp với các em hay không” – bà Nguyễn Thu Thủy chia sẻ.

 

Nhiều hoạt động vui nhộn, bổ ích

– Trải nghiệm dập lửa cứu hỏa

Tại gian tư vấn của Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy, các bạn học sinh được trải nghiệm trực tiếp cách xử lý bình gas bị cháy, tìm hiểu về xe máy chữa cháy…

“Đây là lần đầu tiên em được trải nghiệm công việc chữa cháy. Em thấy việc đưa mô hình này đến ngày hội tư vấn tuyển sinh rất thiết thực và ý nghĩa, giúp em có được những trải nghiệm thực tế, từ đó có thêm kinh nghiệm trong việc chữa cháy khi gặp tình huống cháy xảy ra” – Lê Xuân Lộc (học sinh Trường THPT Mỹ Đức B, Hà Nội) nói.

IMG_0669aaa 1(Read-Only)

Nhiều bạn trẻ được trực tiếp trải nghiệm cách chữa cháy ngay tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2022 – Ảnh: DANH TRỌNG

– Thi toán logic 15 phút

Tại khu tư vấn của Trường ĐH FPT Hà Nội, với “nhận diện thương hiệu” là màu cam rực rỡ, nhiều hoạt động sôi động diễn ra. Thí sinh được thử sức với thi toán logic. Những đề thi làm trong 15 phút vừa luyện khả năng tư duy, vừa luyện kỹ năng tính nhẩm siêu tốc được nhiều thí sinh yêu thích.

Nhiều game vui được sinh viên trường “F” mang đến ngày hội như chơi phi tiêu để “săn tìm mục tiêu mong muốn nhất”, tiết mục mời thí sinh song ca cùng sinh viên FPT…

– Những trưng bày độc đáo

Tại các gian tư vấn, nhiều sản phẩm trưng bày thu hút sự quan tâm của thí sinh. Trường ĐH Thủy lợi mang đến mô hình máy bay chiến đấu Su-37, nhà rửa xe máy tự động. Trong khi Trường CĐ Cơ điện Hà Nội vẫn tiếp tục trình diễn sản phẩm robot, các mô hình lắp ráp ôtô vốn đang là thế mạnh trong đào tạo nghề của trường này.

Tại gian tư vấn của Trường ĐH Greenwich Việt Nam, học sinh được trải nghiệm tham quan trường bằng kính thực tế ảo…

Những thí sinh yêu thích giáo dục STEM có thể xem khu trưng bày nhiều sản phẩm STEM của giảng viên và sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, đồng thời tham dự tour tham quan phòng lab, thư viện của ngôi trường nằm trong top các trường có thế mạnh nghiên cứu khoa học.

DANH TRỌNG – VĨNH HÀ

VĨNH HÀ
TTO