24/11/2024

Nhật và các đảo quốc lo lắng về hiệp ước an ninh giữa Trung Quốc – Solomon

Nhật và các đảo quốc lo lắng về hiệp ước an ninh giữa Trung Quốc – Solomon

Phát biểu hôm 8-5 khi kết thúc chuyến công du tới Fiji và Palau, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi cho biết 3 nước có cùng mối quan ngại về hiệp ước an ninh mà Trung Quốc ký gần đây với Quần đảo Solomon.

 

 

Nhật và các đảo quốc lo lắng về hiệp ước an ninh giữa Trung Quốc - Solomon - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi (phải) gặp Tổng thống Surangel Whipps của Palau tại Palau vào ngày 8-5 – Ảnh: KYODO

Theo Hãng tin Kyodo, phát biểu trong một cuộc họp báo trực tuyến từ Palau, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi nói rằng hiệp ước an ninh giữa Trung Quốc – Solomon có thể “tác động đáng kể” đến an ninh của Thái Bình Dương.

“Nhật Bản lo ngại thỏa thuận liên quan đến hợp tác an ninh giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon có thể tác động đáng kể đến môi trường an ninh của khu vực này. Các đảo quốc Thái Bình Dương này (Fiji và Palau) cũng cho thấy quan điểm tương tự” – ông Hayashi nói hôm 8-5.

Ông Hayashi tuyên bố Nhật Bản sẽ tăng cường hợp tác với Mỹ, Úc và New Zealand để đảm bảo sự ổn định và thịnh vượng trong khu vực.

Ông Hayashi đưa ra bình luận nói trên sau cuộc hội đàm với Tổng thống Palau Surangel Whipps ở Palau. Hôm 7-5, Ngoại trưởng Nhật Bản cũng đã gặp Thủ tướng Fiji Voreqe Bainimarama tại thủ đô Suva của Fiji.

Theo Hãng tin Kyodo, chuyến công du của ông Hayashi diễn ra trong bối cảnh hiệp ước an ninh giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon khiến các đảo quốc nhỏ khác ở Thái Bình Dương trở nên cảnh giác hơn trước sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực.

Việc Trung Quốc và Solomon ký hiệp ước an ninh vào tháng 4 đã làm “nóng” Thái Bình Dương. Bản dự thảo thỏa thuận an ninh bị rò rỉ của họ có các điều khoản cho phép binh sĩ và cảnh sát Trung Quốc tới Solomon cũng như cho phép tàu Trung Quốc tiếp tế hậu cần tại đây. Đến nay, Trung Quốc và Solomon vẫn chưa chính thức công bố nội dung chi tiết của thỏa thuận này.

Theo báo Financial Times, nếu hải quân Trung Quốc có được chỗ đứng ở đảo quốc Solomon, họ có thể chặn các tuyến đường tiếp cận hàng hải tới Úc, cả về mặt thương mại và quân sự.

Gần đây Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong khẳng định hiệp ước an ninh Trung Quốc – Solomon “công khai, minh bạch, và không nhắm vào các bên thứ ba”.

Bất chấp ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương, Palau vẫn duy trì quan hệ ngoại giao với vùng lãnh thổ Đài Loan.

Trong khi đó, Fiji thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh vào năm 1975, trở thành đảo quốc Thái Bình Dương đầu tiên làm như vậy.

Năm 2019, Quần đảo Solomon và Kiribati đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan, chuyển sang thiết lập quan hệ với Bắc Kinh.

BÌNH AN
TTO