26/12/2024

Cuộc đua chiến đấu cơ tàng hình trong khu vực

Cuộc đua chiến đấu cơ tàng hình trong khu vực

Trong khi Trung Quốc đang mở rộng hoạt động của chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình, nhiều nước khác trong khu vực cũng thúc đẩy triển khai loại chiến đấu cơ tương tự.

 

 

Đầu tháng 5, Cơ quan Khảo cứu quốc hội Mỹ vừa công bố báo cáo mới về chương trình chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình F-35.

Cuộc đua chiến đấu cơ tàng hình trong khu vực - ảnh 1
Chiến đấu cơ tàng hình J-20 của Trung Quốc trong một lần xuất hiện vào tháng 1.2022   CHINAMIL.COM.CN

Nhiều nước nhập cuộc

Theo báo cáo trên, Nhật Bản, Hàn Quốc cùng với Singapore là những quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Á sở hữu “đồ chơi khủng” F-35.

Trong đó, Nhật Bản tiếp nhận tổng cộng 147 chiếc F-35 gồm 105 chiếc thuộc phiên bản F-35A và 42 chiếc F-35B. Đến nay, nước này đã vận hành hàng chục chiếc F-35A sau khi được giao hàng những chiếc đầu tiên từ năm 2017. Không chỉ biên chế F-35A cho lực lượng phòng vệ trên không, Nhật Bản còn đang xúc tiến trang bị F-35B cho Lực lượng phòng vệ biển (JMSDF). Với khả năng cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng, phiên bản F-35B đã được Mỹ triển khai cho một số loại tàu đổ bộ tấn công có thiết kế như một tàu sân bay cỡ nhỏ.

Tháng 10.2021, 2 chiến đấu cơ F-35B của thủy quân lục chiến Mỹ đã cất và hạ cánh thành công trên tàu khu trục mang trực thăng JS Izumo của JMSDF. Cùng với chiếc JS Kaga, tàu JS Izumo thuộc lớp Izumo có độ choán nước toàn tải khoảng 27.000 tấn và dài gần 250 m. Việc thử nghiệm thành công hoạt động của chiến đấu cơ F-35B trên tàu JS Izumo là bước ngoặt quan trọng để JMSDF có thể trang bị chiến đấu cơ tàng hình cho lớp chiến hạm này, hướng tới sở hữu 2 tàu sân bay có khả năng triển khai chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình.

Láng giềng của Nhật Bản là Hàn Quốc hồi tháng 3 vừa qua đã thông báo có thể vận hành đầy đủ chiến đấu cơ F-35A sau quá trình thử nghiệm và tập luyện. Hàn Quốc đặt mua 40 chiến đấu cơ F-35A và đã tiếp nhận những chiếc đầu tiên kể từ năm 2019. Không những vậy, nước này cũng đang xem xét đặt mua thêm 20 chiếc F-35B để trang bị cho lực lượng hải quân.

Ở khu vực Đông Nam Á, Singapore dự kiến tiếp nhận F-35B từ năm 2026. Hồi năm 2019, nước này đặt mua 4 chiếc loại trên và đã được Mỹ chuẩn thuận. Không những vậy, Mỹ còn thông qua việc có thể bán thêm 8 chiếc F-35 cho Singapore. Vào năm ngoái, Mỹ đã bố trí cơ sở ở căn cứ quân sự tại bang Arkansas của nước này làm nơi đồn trú và huấn luyện vận hành chiến đấu cơ F-16 và F-35 cho quân đội Singapore.

Ngoài ra, ở khu vực Thái Bình Dương, Úc hồi tháng 3 công bố vừa bổ sung thêm F-35, nâng tổng số F-35 mà nước này vận hành đạt 48 chiếc. Tham gia chương trình F-35 từ sớm, Úc đặt kế hoạch sở hữu 100 chiếc F-35.

Cuộc đua chiến đấu cơ tàng hình trong khu vực - ảnh 2
Chiến đấu cơ F-35B hạ cánh trên tàu JS Izumo  US MARINE

Trung Quốc tăng tốc

Trong khi đó, Trung Quốc những năm qua đã trang bị J-20 cũng là chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình cho không quân nước này. Mới đây, Trung Quốc đã điều động J-20 tiến hành tuần tra ở Biển Đông và biển Hoa Đông sau khi đã triển khai đến một số khu vực, trong đó có vùng biên giới giữa nước này với Ấn Độ khi căng thẳng hai bên dâng cao.

Không những vậy, Bắc Kinh đang thúc đẩy quá trình hoàn thiện dòng FC-31 có cả phiên bản để trang bị cho tàu sân bay, thậm chí là phiên bản cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng với tham vọng trang bị cho cả tàu đổ bộ tấn công loại Type 075.

Ngày 1.5, tờ South China Morning Post dẫn hình ảnh được chụp từ vệ tinh mới đây cho thấy chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình FC-31 được triển khai ở khu huấn luyện bay cho tàu sân bay ở một căn cứ hải quân của Trung Quốc. Cụ thể, hình ảnh cho thấy 2 chiến đấu cơ FC-31 đỗ ở khu vực đường băng có đường trượt cất cánh giả lập đường trượt tương tự phần “mũi hếch” của tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông mà Trung Quốc đang sở hữu. Chính vì thế, giới quan sát nhận định Trung Quốc đang thúc đẩy huấn luyện phi công điều khiển FC-31 để triển khai cho tàu sân bay.

 

Thách thức không nhỏ

Một thách thức quan trọng khi vận hành chiến đấu cơ tàng hình là việc bảo dưỡng phức tạp hơn chiến đấu cơ thông thường. Trong đó, việc bảo dưỡng thân máy bay đặc biệt khó khăn bởi cần đảm bảo chất lượng phần bề mặt và hình dạng của thân máy bay, cánh, bề mặt điều khiển và cửa hút động cơ. Tất cả đòi hỏi chất lượng hoàn hảo vì chỉ cần một khuyết điểm nhỏ hoặc một phần nhỏ bị biến dạng thì máy bay bị mất đi một số khả năng tàng hình.

 

Ông Carl O.Schuster

Trả lời Thanh Niên ngày 6.5, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp – Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy tại Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) cho biết quá trình huấn luyện như trên thường kéo dài từ 18 – 24 tháng. “Việc bắt đầu huấn luyện cất hạ cánh máy bay báo hiệu việc đóng tàu sân bay đang đúng tiến độ cho việc hạ thủy và các cuộc thử nghiệm trên biển có thể tiến hành trong vòng 2 năm kể từ khi hạ thủy tàu sân bay. Nếu Trung Quốc đang bắt đầu huấn luyện vận hành máy bay thì khả năng nước này muốn đảm bảo các phi đội máy bay chiến đấu trên tàu sân bay sẽ sẵn sàng tham gia các cuộc thử nghiệm trên biển vào năm 2024”, vị chuyên gia dự báo.

Ông cũng nhận định Trung Quốc có kế hoạch để chiến đấu cơ tàng hình đóng vai trò trung tâm ở tàu sân bay thứ 3 của nước này.

 

NGÔ MINH TRÍ

TNO