26/12/2024

Bất động sản đình trệ vì bị siết vốn: Chỉ hạn chế đầu cơ, dự án rủi ro lớn

Bất động sản đình trệ vì bị siết vốn:

Chỉ hạn chế đầu cơ, dự án rủi ro lớn

Thông tin ngân hàng siết tín dụng khiến thị trường bất động sản rúng động, nhưng lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định chỉ hạn chế dòng vốn vào các dự án rủi ro lớn, đầu cơ.

 

 

Còn các ngân hàng thương mại vẫn xét duyệt hồ sơ vay vốn bình thường.

Ngân hàng còn nhiều dư địa cho vay BĐS

Trả lời Thanh Niên, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú nhấn mạnh việc kiểm soát tín dụng không có nghĩa là dòng tiền không vào bất động sản (BĐS) mà chỉ hạn chế, chặt chẽ vào những phân khúc đầu cơ, những dự án rủi ro lớn… Còn các ngân hàng (NH) thương mại vẫn xét duyệt hồ sơ có nhu cầu vay vốn chính đáng của người dân về nhu cầu ở, mua nhà ở xã hội, các hợp đồng vay đúng chuẩn, đúng quy định. Thậm chí, dư nợ tín dụng vào lĩnh vực BĐS vẫn còn.

Chỉ hạn chế đầu cơ, dự án rủi ro lớn - ảnh 1
Một số ngân hàng vẫn cho khách hàng vay mua nhà để ở  NGỌC THẮNG

Theo báo cáo của NHNN, tính đến ngày 31.3 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh BĐS đạt 783.942 tỉ đồng, tăng khoảng 84.000 tỉ đồng so với thời điểm cuối năm 2021 (tương ứng mức tăng 12%). Tỷ trọng cho vay kinh doanh BĐS chiếm khoảng 7% tổng dư nợ tín dụng, tỷ lệ này đã duy trì từ cuối năm ngoái đến nay và được đánh giá là an toàn.

Xét về con số tuyệt đối, các NH vẫn có dư địa cho BĐS. Bởi tổng dư nợ tín dụng tính đến cuối năm 2021 vào khoảng 10,44 triệu tỉ đồng, trong đó tín dụng BĐS chiếm 20%, tương đương 2,09 triệu tỉ. Mới đây, NHNN công bố tín dụng tính đến cuối tháng 4 tăng 6,75% nên khả năng kế hoạch tỷ lệ tăng trưởng tín dụng năm 2022 ở mức 14% hoàn toàn có thể đạt được. Tức các NH sẽ bơm vào nền kinh tế 1,461 triệu tỉ đồng, lên 11,9 triệu tỉ. Với tỷ trọng tín dụng BĐS giữ nguyên 20%, tương ứng 2,38 triệu tỉ đồng, tăng gần 300.000 tỉ đồng so với thời điểm cuối năm 2021.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội NH – nguyên Vụ trưởng Vụ Chính sách tín dụng (NHNN), giải thích thêm rằng chủ trương giám sát, hạn chế tín dụng vào BĐS được thực hiện từ nhiều năm qua, chứ không phải năm nay mới làm. Nguyên nhân là do tín dụng vào BĐS và chứng khoán mang tính rủi ro cao nên các NH cần phải hạn chế. Nhu cầu vốn của thị trường BĐS rất cao nên dòng vốn vào lĩnh vực này cần được điều tiết sao cho hợp lý. Đối với phân khúc BĐS đầu cơ mới bị hạn chế, còn nhu cầu vay để đáp ứng chỗ ở của người dân cũng như các dự án đang triển khai có tính pháp lý đầy đủ rõ ràng vẫn được NH triển khai cho vay.

Sở dĩ tín dụng BĐS gần đây liên tục bị “cảnh báo”, theo ông Nguyễn Quốc Hùng là giá BĐS một số khu vực tăng nóng; thời gian qua thì một số NH có tốc độ cho vay nhanh nên giờ giảm phanh, còn nhiều NH chưa bị đụng room tín dụng, họ vẫn cho vay bình thường. Hơn nữa, các NH cũng đang tính toán điều chỉnh giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cho kịp đáp ứng từ đầu tháng 10 (giảm từ 37% xuống 34%). Chính vì vậy, người dân cũng không nên quá hoang mang, NH này không cho vay do hết room thì có NH khác.

 

Cứ nói siết chung chung khiến thị trường tê liệt

Ông Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn tài chính – Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nhấn mạnh: “Quan điểm của tôi là không nên siết tín dụng toàn bộ đối với thị trường BĐS. Những nơi nào nóng sốt giá, đặc biệt là đất nông nghiệp thì NH có quan điểm rõ ràng không cho vay. NH chỉ tập trung cho vay những dự án phục vụ nhà ở cho người dân, phát triển khu đô thị mới. Bởi những dự án này tạo ra nguồn cung nhà đang thiếu thụt trên thị trường, góp phần tăng trưởng kinh tế, giải quyết công ăn việc làm. Cần mở đường tín dụng cho các dự án chính đáng hoạt động, dự án nào sai thì cơ quan chức năng xử lý. Đồng thời người dân cũng tiếp cận được nhà ở dễ hơn”.

Theo ông Huân, thị trường BĐS không phải sản phẩm nào cũng xấu. Nên tuyên bố siết tín dụng chung chung đã khiến một số dự án hiện đang triển khai phải loay hoay tìm vốn bị bế tắc; kênh trái phiếu doanh nghiệp gặp khó không huy động được; một số khoản nợ đến hạn không được NH cho vay tiếp. Có thể nói, tình hình cực kỳ căng thẳng đối với doanh nghiệp BĐS đang triển khai dự án.

“Toàn thị trường cứ nói “siết tín dụng BĐS” chung chung mà không cụ thể như thế nào dễ dẫn đến tình trạng ai cũng “thủ” mà tê liệt. Vừa tắc cả đầu vào và đầu ra, nếu cứ để tình trạng này kéo dài sẽ gây ra sự phá sản đồng loạt không những công ty BĐS mà những ngành nghề lĩnh vực liên quan”, ông Huân cảnh báo.

Tại VN, thị trường BĐS chiếm một tỷ trọng lớn của nền kinh tế, góp phần tăng trưởng GDP. Các NH cho vay hiện cũng nắm một khối lượng tài sản thế chấp là BĐS khá lớn. Trong trường hợp không xử lý khéo về tín dụng BĐS sẽ gây hệ lụy lớn cho cả nền kinh tế. Việc siết quá chặt dòng tín dụng đối với thị trường BĐS vừa không thể tạo được nguồn cung nhà ở cho thị trường, mà người dân mua nhà lại phải bỏ tiền nhiều hơn trước khi lãi vay tăng. “Khi thị trường BĐS “đứng bánh”, hàng loạt doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu không có đầu ra, tình trạng giải quyết việc làm cũng gặp khó khăn hơn… Điều này sẽ tác động xấu đến nền kinh tế”, ông Huân cho hay.

 

Còn nhiều dư địa cho vay BĐS

Dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở đạt 188.105 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 24% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh BĐS; các dự án văn phòng (cao ốc) cho thuê đạt 45.532 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 5,8%; các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất đạt 33.335 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 4,3%; các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng đạt 33.509 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 4,3%; các dự án nhà hàng, khách sạn đạt 57.898 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 7,4%; cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán, cho thuê đạt 121.153 tỉ đồng, chiếm 15,4%; cho vay mua quyền sử dụng đất đạt 101.071 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 12,9%; đầu tư kinh doanh BĐS khác đạt 203.339 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 25,9%.

THANH XUÂN

TNO