02/11/2024

Mập mờ trong biên soạn, công bố sách giáo khoa tiếng Anh

Biển Đông phủ bóng bầu cử tổng thống ở Philippines

Dù ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống tới, chính sách của chính quyền mới đối với Trung Quốc đều sẽ tác động quan trọng đến cục diện ở Biển Đông.

 

 

Khi các cử tri Philippines bỏ phiếu để bầu chọn tổng thống mới vào ngày 9.5 tới, họ sẽ không chỉ quyết định ai sẽ là chủ nhân tiếp theo của Dinh Malacanang. Chính sách của Philippines đối với Trung Quốc và qua đó là triển vọng về bức tranh ở Biển Đông cũng nằm trên lá phiếu của họ.

Biển Đông phủ bóng bầu cử tổng thống ở Philippines - ảnh 1
Tàu hải cảnh Philippines và Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough ở Biển Đông  AFP

Lập trường của các ứng viên

Cuộc đua hiện tại đã lộ diện 4 ứng viên hàng đầu, trong đó ông Ferdinand Marcos Jr. (con trai cố Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos) đang có ưu thế nhất. Tiếp theo là Phó tổng thống đương nhiệm Leni Robredo, Thị trưởng Manila Isko Moreno và thượng nghị sĩ xuất thân võ sĩ chuyên nghiệp Manny Pacquiao. Cả bà Robredo và ông Moreno đều đã thể hiện lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc, bao gồm cam kết sẽ tận dụng phán quyết của Tòa trọng tài (ở The Hague, Hà Lan) năm 2016 về Biển Đông. Phán quyết khi đó bác bỏ cái gọi là “đường lưỡi bò” mà Bắc Kinh vạch ra với mưu đồ độc chiếm phần lớn Biển Đông. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte một thời gian dài không nhấn mạnh phán quyết này, thay vào đó tập trung tìm kiếm các lợi ích kinh tế từ Trung Quốc.

Giờ đây, ông Moreno tuyên bố sẽ lựa chọn đưa tranh chấp ở Biển Đông ra LHQ. “Hãy bầu tôi làm tổng thống và tôi chắc chắn sẽ tới Đại hội đồng để kêu gọi tất cả các thành viên LHQ công nhận phán quyết ở The Hague”, ông nói trong cuộc tranh luận giữa các ứng viên hôm 3.4, theo Rappler. Đây là tuyên bố rõ ràng nhất của ông Moreno về phán quyết Biển Đông cho đến nay. Ngoài ra, ông còn ngụ ý sẽ cho đánh chìm các tàu xâm phạm vùng biển Philippines. “Bất cứ tàu nước ngoài nào đi vào vùng biển chủ quyền của chúng ta, tôi chắc chắn chúng sẽ trở thành vật trang trí dưới đáy biển”, thị trưởng Manila tuyên bố.

Bà Robredo thì cho rằng Philippines cần dẫn dắt nỗ lực tập hợp sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với phán quyết. Nỗ lực này yêu cầu Manila đi đầu trong cuộc đàm phán Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) giữa Bắc Kinh và ASEAN, theo đương kim phó tổng thống. “Philippines nên dẫn đầu ở đây vì chúng ta có phán quyết của tòa trọng tài. Chúng ta cần tận dụng phán quyết này để thuyết phục các nước láng giềng trong ASEAN tiếp tục đấu tranh cho COC”, bà Robredo nêu quan điểm.

Trong khi đó, ông Marcos vốn là người ủng hộ chính sách thân thiện với Trung Quốc của chính quyền đương nhiệm. Song gần đây, ông gợi ý sự thay đổi trong lập trường khi tuyên bố sẽ triển khai tàu chiến tới các khu vực tranh chấp để “cho Trung Quốc thấy chúng ta đang bảo vệ những nơi mà chúng ta xem là lãnh hải”. Dù vậy, cựu thượng nghị sĩ này cũng nói ông sẽ không ưu tiên giải pháp quân sự trong tranh chấp Biển Đông và sẽ tiếp tục “cách tiếp cận đúng đắn” là can dự với Trung Quốc. Theo ông, Philippines sẽ phải tìm cách cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ.

Ứng viên sáng giá còn lại là võ sĩ Pacquiao cho hay ông sẽ thành lập một “ủy ban hòa bình” để đàm phán với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, đồng thời thúc đẩy quan hệ quốc phòng với Mỹ. “Mục tiêu của chúng ta là làm bạn với mọi quốc gia”, ông nói. Tuy vậy, ông cũng yêu cầu Trung Quốc “không nên lạm dụng và chà đạp” các quyền của Philippines.

Biển Đông phủ bóng bầu cử tổng thống ở Philippines - ảnh 2
Bốn ứng viên (từ trái qua) Manny Pacquiao, Ferdinand Marcos Jr., Leni Robredo và Isko Moreno  NIKKEI/REUTERS

Tiếp nối hay thay đổi ?

Cũng phải nói rõ rằng cách tiếp cận của Philippines đối với Trung Quốc trong nhiệm kỳ của ông Duterte không hoàn toàn nhất quán. Thời gian đầu cầm quyền, Tổng thống Duterte xa cách Mỹ và chủ trương xích lại gần Trung Quốc với những mong muốn về lợi ích kinh tế, nhưng gần đây lại có động thái hâm nóng quan hệ với Washington. Quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh trở nên căng thẳng hơn trong những tuần gần đây sau khi lực lượng hải cảnh của Trung Quốc bị cho là đã quấy nhiễu các tàu tuần tra của Philippines ở Biển Đông. Bộ Ngoại giao Philippines đã triệu tập đại sứ Trung Quốc để bày tỏ sự phản đối. Hôm 6.4, tức 2 ngày trước cuộc đối thoại trực tuyến giữa Tổng thống Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Manila đã yêu cầu một công ty dầu khí trong nước tạm dừng việc thăm dò tại khu vực tranh chấp ở Biển Đông, theo Nikkei Asia.

Trả lời Thanh Niên tối qua, Giáo sư Zachary Abuza (chuyên gia về chính trị và an ninh Đông Nam Á tại Đại học Chiến tranh quốc gia, Mỹ) nhận định sẽ có sự tiếp nối trong chính sách đối ngoại của Philippines nếu ông Marcos trở thành tổng thống tiếp theo. “Ông Marcos ít có khả năng sẽ thách thức Trung Quốc để khẳng định chủ quyền của Philippines và cũng rất có thể sẽ không cố gắng thực thi phán quyết năm 2016. Tôi không nghĩ ông ấy sẽ chủ động làm suy yếu quan hệ đồng minh với Mỹ, nhưng cũng không cho rằng ông ấy sẽ làm nhiều việc để cải thiện mối quan hệ này. Bà Robredo có quan điểm cứng rắn hơn rất nhiều trong tất cả những vấn đề đó”, ông Abuza nói.

VŨ MẠNH

TNO