23/11/2024

Xu hướng quan hệ sớm và không an toàn ở tuổi vị thành niên

Xu hướng quan hệ sớm và không an toàn ở tuổi vị thành niên

Tỷ lệ học sinh từ 13 – 17 tuổi có quan hệ tình dục lần đầu trước 14 tuổi đã tăng gấp 2 lần sau 6 năm. Con số trên đặt ra câu hỏi về sự cần thiết trong việc cải thiện giáo dục giới tính ở các trường THCS và THPT.

 

 

Chỉ hơn 40% có sử dụng bao cao su

Theo báo cáo Khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu (GSHS – Global School-based Student Health Survey) tại Việt Nam 2019 vừa được Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố mới đây, trong số hơn 7.700 học sinh (từ 13 – 17 tuổi) được khảo sát, có 5,42% học sinh đã từng quan hệ tình dục (QHTD). Tỷ lệ này thấp hơn so với kết quả khảo sát tại Việt Nam năm 2013 (6,53%) và tại Thái Lan năm 2015 (18,6%). Tuy nhiên, tỷ lệ QHTD lần đầu tiên trước 14 tuổi có xu hướng tăng; năm 2019 là 3,51% trong khi năm 2013 là 1,48%.

Xu hướng quan hệ sớm và không an toàn ở tuổi vị thành niên - ảnh 1
Việc sử dụng bao cao su đúng cách giúp phòng tránh nguy cơ mang thai ngoài ý muốn, nguy cơ nhiễm HIV và các bệnh lây qua đường tình dục  SHUTTERSTOCK

Đáng chú ý, trong số những học sinh đã từng QHTD, có 42,4% sử dụng bao cao su và 44% sử dụng các phương pháp tránh thai khác, thấp hơn so với tỷ lệ này vào năm 2013 (lần lượt là 52,6% và 64,2%); và thấp hơn so với Thái Lan năm 2015, với 63% có sử dụng bao cao su trong lần QHTD gần đây nhất.

Theo PGS-TS Trần Thị Tuyết Hạnh (Trường Đại học Y tế công cộng, Hà Nội), trưởng nhóm nghiên cứu GSHS: “QHTD trước 14 tuổi và không sử dụng bao cao su góp phần gây ra tình trạng mang thai ở tuổi vị thành niên và mang thai ngoài ý muốn, cũng như tỷ lệ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục cao”.

TS Tuyết Hạnh nhận định xu hướng hiện nay thanh thiếu niên, đặc biệt là tuổi vị thành niên, có QHTD sớm, có thể là do dậy thì sớm. Đó cũng là vấn đề y tế công cộng chúng ta cần quan tâm, bởi rất nhiều nguy cơ kèm theo khi các con QHTD sớm ở lứa tuổi này.

 

Dậy thì sớm không đồng nghĩa sẵn sàng cho tình dục

Theo TS Tuyết Hạnh, các con QHTD ở lứa tuổi rất sớm khi sức khỏe thể chất chưa sẵn sàng; ngoài ra, một điểm rất quan trọng là các con chưa được trang bị đầy đủ kiến thức để có thể giúp QHTD an toàn, điều đó kéo theo nhiều nguy cơ. Với học sinh nữ là nguy cơ mang thai sớm, mang thai ngoài ý muốn, dẫn đến nạo phá thai, nguy cơ để lại hậu quả sau này, nguy cơ vô sinh. Với cả nam và nữ là nguy cơ mắc các bệnh lây qua đường tình dục. Bên cạnh đó, hầu như các em không chia sẻ được với cha mẹ và thầy cô, nên khi bị các bệnh như vậy sẽ có xu hướng không đi khám và điều trị, có thể tự tìm cách tự điều trị, và có thể phát hiện bệnh muộn.

Về phía nhà trường, cần có những bài giảng cung cấp đầy đủ kiến thức liên quan đến quá trình thụ thai, cách ngăn ngừa thụ thai và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi (Giám đốc Trung tâm sản phụ khoa, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM)

Chia sẻ với các phụ huynh và bạn trẻ về băn khoăn mức tuổi nào được coi là phù hợp để bắt đầu QHTD, bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm sản phụ khoa, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho hay: Trẻ vị thành niên (WHO định nghĩa tuổi vị thành niên là từ 10 – 17 tuổi) chưa trưởng thành, do đó chúng ta phải giáo dục các em trong độ tuổi này các vấn đề về giới tính và tình dục an toàn.

Bác sĩ Mỹ Nhi cho rằng độ tuổi QHTD ở các em lệ thuộc rất nhiều vào giáo dục gia đình, cộng đồng, truyền thông, cũng như những mối liên hệ của các em. Hiện nay, độ tuổi dậy thì trung bình từ 10 – 11 tuổi, có em có thể dậy thì sớm hơn. Ở tuổi vị thành niên, các em bắt đầu có nhu cầu tìm hiểu, quan tâm đến cơ thể mình và cơ thể bạn khác phái, và bắt đầu có các tiếp xúc tình dục khá sớm có thể 12 – 13 tuổi, có khi 15 – 16 tuổi.

 

Thực tế không thể né tránh

Trước thực tế trẻ bắt đầu QHTD sớm tăng cao đặt ra nhiều lo ngại về sức khỏe và an toàn tình dục, bác sĩ Mỹ Nhi chia sẻ: “Chúng ta không thể né tránh vấn đề này”. Theo bác sĩ Nhi, để tránh tình trạng mang thai sớm ở trẻ vị thành niên, chúng ta cần giáo dục cho trẻ trong độ tuổi dậy thì hiểu được giới tính là gì, sự phát triển bé trai, bé gái khi dậy thì sẽ như thế nào, khả năng mang thai ra sao…

Các con cần được biết hiện tượng mang thai sẽ xảy ra khi có sự tiếp xúc giữa hai cơ quan sinh dục nam và nữ. Nếu muốn sự tiếp xúc này xảy ra an toàn thì phải dạy cho các con tất cả các biện pháp để tự bảo vệ mình.

“Các bậc cha mẹ phải hiểu được tâm sinh lý của con ở thời điểm này, các con muốn gì, tìm kiếm gì… để chúng ta dạy dỗ, chỉ bảo, giúp các con biết chuyện gì sẽ xảy ra, ngăn chặn QHTD sớm và không an toàn. Khi đã có quan hệ rồi thì các con làm sao cho an toàn, không để lại hậu quả hay những việc không mong muốn”, bác sĩ Mỹ Nhi tư vấn.

Đồng thời, bác sĩ Nhi cũng nêu ý kiến: “Về phía nhà trường, nên đưa các bài giảng giáo dục giới tính, về cơ quan sinh dục và tâm sinh lý ở tuổi dậy thì vào chương trình chính khóa; cần có những bài giảng cung cấp đầy đủ kiến thức liên quan đến quá trình thụ thai, cách ngăn ngừa thụ thai và các bệnh lây truyền qua đường tình dục”.

LIÊN CHÂU

TNO