23/01/2025

Học để làm việc, không học để lấy bằng

Học để làm việc, không học để lấy bằng

Khi giáo dục mở ra chiều rộng mà thiếu chiều sâu, khi nhu cầu lấy bằng chen với nhu cầu học để biết, học để làm việc, thì học sinh cần hết sức tỉnh táo và có tinh thần thực tế khi chọn trường chọn ngành để học.

 

 

Mục tiêu đầu tiên phải là học để làm việc, vì thế nên chọn những ngành học hay trường học dạy cho học sinh những kỹ năng chuyên môn đủ để khi ra trường, sinh viên tốt nghiệp có thể tìm được nhanh chóng nhất việc làm phù hợp cho mình.

Học để làm việc, không học để lấy bằng - ảnh 1
“Học để làm việc, không học để lấy bằng” phải là slogan cho giáo dục Việt Nam  MỸ QUYÊN

Rất nên tránh học những trường đào tạo chung chung, quảng cáo thì hay nhưng thực tế đào tạo thì dở, và khi tốt nghiệp thì không thể kiếm được việc làm.

Tại sao giáo dục Singapore lại đặc biệt chú ý, chú trọng tới giai đoạn học cao đẳng, vì cao đẳng ở Singapore dạy những môn học rất thực tế, phù hợp với thực tế việc làm, dạy để học sinh ra trường là có việc làm ngay, phục vụ được ngay cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Sau khoảng thời gian làm việc thích hợp, nếu học sinh có nguyện vọng muốn học lên đại học, thì chỉ cần học một năm, nếu tốt nghiệp là được cấp ngay bằng đại học. Như vậy, thời gian học cao đẳng là thời gian quan trọng nhất đối với sinh viên để ra làm việc, năm cuối cùng học đại học chỉ để củng cố và nâng cao kiến thức, hoàn chỉnh những kỹ năng ở cấp cao hơn mức cao đẳng, để có thể làm những việc khó hơn, nhận những mức lương cao hơn mà thôi.

Vì đánh giá cao tầm quan trọng của giáo dục cao đẳng là để cung cấp nhân lực thạo nghề với công nghệ cao để làm việc, chính phủ Singapore sẵn sàng cho học sinh học cao đẳng vay tiền không tính lãi suất với mức tương đối cao để phục vụ cho việc học tập. Sau khi tốt nghiệp cao đẳng, sinh viên ra trường có việc làm ngay, và phải làm việc ít nhất trong thời gian 3 năm, ngang với thời gian học cao đẳng, để trả nợ tiền chính phủ cho vay để học. Dĩ nhiên, mức lương họ nhận được là tốt, đủ sống thoải mái và đủ tiền trả nợ.

Giáo dục như thế trong thời đại công nghiệp và hậu công nghiệp, thời đại chuyển đổi số là giáo dục thích hợp với một xã hội phát triển, khi công việc ngày càng đòi hỏi người làm việc phải có kỹ năng cao, khả năng tiếp cận công việc mới nhanh, khả năng chuyển đổi công việc trong thời đại kỹ thuật số là thích hợp. Vì vậy, chuyện học chỉ để kiếm cái bằng trở nên không thích hợp nữa, vì kiếm việc làm phù hợp tốt hơn kiếm bằng cấp, và bằng cấp lúc bấy giờ chỉ để chứng nhận khả năng thích ứng với công việc, chứ không phải là “cái nhãn” dán lên một công dân để công dân ấy có điều kiện… lên chức.

Giáo dục Việt Nam bây giờ muốn phát triển theo kịp các nền giáo dục của những nước phát triển thì phải bỏ ngay chuyện “học giả, lấy bằng thật”, chuyện “mua bằng” để tham gia “đấu trường quan chức”, vì thực ra khi quốc gia phát triển, xã hội văn minh dần lên, thì chuyện sở hữu bằng kém chất lượng, bằng “thật mà giả” sẽ giảm sâu, vì thước đo lúc ấy là khả năng làm việc thực tế, là năng lực làm việc, là kiến thức không phải để “chém gió” mà để làm việc. Một đất nước chỉ phát triển khi công dân ở đó biết làm việc, làm giỏi những công việc mà mình được đào tạo để làm, ngày càng làm thành thạo những việc có chuyên môn sâu, từ khoa học tự nhiên tới khoa học xã hội, từ công nghiệp truyền thống tới công nghiệp số, để tiến tới làm chủ những kiến thức thực hành tốt nhất trong thời đại tự động hóa 4.0.

Vì thế, những “lò đào tạo tiến sĩ trong 5 phút” phải bị chấm dứt ngay lập tức, vì đó là những “lò phá hoại con người” chứ không phải những lò đào tạo con người trở nên tài giỏi, thông thạo công việc, có khả năng sáng tạo khi làm việc.

“Học để làm việc, không học để lấy bằng” phải là slogan cho giáo dục Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi số hết sức quan trọng, mang tính quyết định này.

THANH THẢO

TNO