23/01/2025

Giá sách giáo khoa mới cao đột biến, vì sao?

Giá sách giáo khoa mới cao đột biến, vì sao?

Có nhiều nguyên nhân khiến giá sách giáo khoa mới cao đột biến. Trong đó, một nguyên nhân mà Bộ GD-ĐT và các nhà xuất bản không nói đến, là có thêm quá nhiều đầu sách bắt buộc so với chương trình cũ.

 

 

Tăng vọt số đầu sách giáo khoa bắt buộc

Học sinh (HS) đang học các lớp 1, 2 và 6 theo chương trình giáo dục phổ thông mới đều phải mua sách giáo khoa (SGK) mới với giá cao hơn gấp 2 – 3 lần so với sách của chương trình cũ. Bên cạnh những lý giải về chi phí tốn kém hơn khi in như in màu, giấy tốt, khổ to… thì nguyên nhân khiến giá sách đội lên phải kể đến là có quá nhiều đầu sách bắt buộc so với trước. Đơn cử bộ sách lớp 1 cũ chỉ gồm tiếng Việt, toán, tự nhiên xã hội, nhưng sách lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới gồm tiếng Việt, toán, tự nhiên – xã hội, đạo đức, mỹ thuật, âm nhạc, giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm… gần gấp 3 lần về số lượng.

Giá sách giáo khoa mới cao đột biến, vì sao? - ảnh 1
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã công bố giá SGK lớp 3, 7, 10 năm sau theo chương trình mới với giá tăng gấp nhiều lần giá sách hiện hành  NHẬT THỊNH

Với bộ sách lớp 3, nếu năm học này HS chỉ phải mua 6 cuốn bắt buộc gồm 2 cuốn tiếng Việt (tập 1 và tập 2), toán, tự nhiên xã hội, tập viết thì từ năm học tới các em sẽ phải mua ít nhất 14 cuốn, trong đó gồm 8 cuốn mới: đạo đức, tin học, tiếng Anh, công nghệ, âm nhạc, mỹ thuật, hoạt động trải nghiệm, hoạt động thể chất.

Ngoài ra, nếu như sách hiện hành môn toán chỉ có 1 tập thì sách mới chia thành 2 tập, đồng nghĩa với việc phụ huynh phải bỏ ra gấp đôi số tiền cho một môn học, chưa kể giá mỗi cuốn đều cao hơn rất nhiều so với hiện hành. Do vậy, nếu như bộ sách lớp 3 hiện hành là 58.000 đồng thì năm tới phụ huynh sẽ phải trả 208.000 – 209.000 đồng/bộ khi mua sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Với bộ sách mang tên Cánh Diều (do Nhà xuất bản ĐH Sư phạm Hà Nội, Nhà xuất bản ĐH Sư phạm TP.HCM, Nhà xuất bản ĐH Huế phát hành) thì giá còn cao hơn, với 220.000 đồng/bộ sách lớp 3. Sách lớp 7 có mức 255.000 đồng/bộ (chưa tính giá sách tiếng Anh). Với lớp 10, chỉ riêng các đầu sách của những môn học bắt buộc (chưa tính ngoại ngữ, giáo dục địa phương) gần 200.000 đồng. Các sách thuộc nhóm môn học lựa chọn có giá từ 35.000 – 39.000 đồng/cuốn, sách chuyên đề từ 13.000 – 20.000 đồng/cuốn.

Giá sách giáo khoa mới cao đột biến, vì sao? - ảnh 2
Học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông mới đều phải mua sách giáo khoa mới, giá cao gấp 2 – 3 lần so với sách của chương trình cũ  NHẬT THỊNH

Cố tình không công bố giá sách tiếng Anh ?

Đó là chưa kể tất cả nhà xuất bản SGK không hiểu sao đều chưa công bố giá sách tiếng Anh, hoặc cố tình tách sách tiếng Anh ra khi công bố giá của cả bộ sách mới. Phải chăng đó là “nghệ thuật” để tránh gây “sốc” dư luận vì đây là cuốn sách mức giá cao nhất trong các đầu SGK? Ví dụ, với lớp 1, riêng sách và bài tập tiếng Anh đã hơn 140.000 đồng. Tuy nhiên, từ lớp 3 trở đi, tiếng Anh là môn học bắt buộc nên HS cũng buộc phải mua SGK. Việc không tính sách tiếng Anh vào giá chung của bộ SGK các lớp 3, 7, 10 là một sự “mập mờ” khó hiểu của các nhà xuất bản.

Tôi thấy những sách này rất phi lý, lãng phí như vậy mà không hiểu sao Bộ GD-ĐT lại đưa vào danh mục bắt buộc học sinh phải mua

Anh Lê Văn Hiệp, phụ huynh HS lớp 1 tại Trường Marie Curie (Hà Nội)

Chưa kể sách tiếng Anh, SGK mới lớp 10 từ 246.000 – 301.000 đồng/bộ (tùy thuộc tổ hợp môn học và chuyên đề học tập mà HS lựa chọn) thay vì 164.000 đồng/bộ như sách hiện hành. Chưa kể mỗi môn học ngoài sách chính còn thêm một cuốn bài tập và hầu như các trường đều đưa vào danh mục mà mỗi HS phải có đầy đủ. Nếu tính cả sách tiếng Anh, bài tập tiếng Anh, dụng cụ học tập thì phụ huynh sẽ phải chi trả khoảng hơn 800.000 đồng trở lên trong việc mua sách vở, đồ dùng cho con trong năm học mới.

 

Sự phi lý của sách giáo khoa thể dục, hoạt động trải nghiệm…

Trước khi phát hành, việc các nhà xuất bản công bố có thêm SGK chương trình mới như sách thể dục, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp…, dư luận đã phản ứng và cho rằng những sách này là không cần thiết. Tuy nhiên, Bộ

GD-ĐT và các nhà biên soạn chương trình, SGK vẫn cho rằng môn học bắt buộc thì phải có sách kèm theo. Tuy nhiên, 2 năm qua cuốn SGK thể dục mang tên “giáo dục thể chất”, hoạt động trải nghiệm được phụ huynh phản ánh đã “nằm im trên giá” không một lần được dùng đến vì nó không cần thiết mà từ lớp 1, HS có sách này muốn dùng cũng không dùng được, vì mới đầu năm chưa biết đọc.

Chị Đàm Thảo, có con học lớp 2 tại một trường tiểu học ở Q.Nam Từ Liêm (Hà Nội), cho biết dù đã có con lớn học đại học và bản thân từng đi học nhưng từ “cha sinh mẹ đẻ” đến giờ chị mới thấy có SGK thể dục trong danh mục SGK bắt buộc phải mua. “Thể dục là chạy nhảy ở sân chơi, bãi tập… là thực hành các kỹ năng thân thể chứ đâu phải là thể dục trên giấy”, chị Thảo bức xúc.

 

Quốc hội sẽ giám sát việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa

Tại phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023. Theo đó, việc thực hiện Nghị quyết số 88 năm 2014 Quốc hội khóa XIII và Nghị quyết số 51 năm 2017 Quốc hội khóa XIV của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông là một trong 4 chuyên đề sẽ được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát vào năm 2023.

Đây cũng là chuyên đề có số phiếu lựa chọn cần giám sát cao nhất. Cụ thể, kết quả bỏ phiếu của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì có tới 16/18 phiếu lựa chọn giám sát chuyên đề này.

Tương tự, anh Lê Văn Hiệp có con học lớp 1 tại Trường Marie Curie (Hà Nội), cũng phản ánh, gần 1 năm con học trực tuyến dưới sự kèm cặp của bố mẹ nên anh biết chắc chắn những sách như giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm con anh chưa từng một lần sử dụng đến.

“Tôi thấy những sách này rất phi lý, lãng phí như vậy mà không hiểu sao Bộ GD-ĐT lại đưa vào danh mục bắt buộc HS phải mua”, anh Hiệp nói.

Nhiều giáo viên dạy môn thể dục từ cấp tiểu học đến THCS ngay tại Hà Nội cũng chia sẻ, SGK thể dục thực tế không giúp gì cho việc đổi mới dạy học môn này, chỉ cần có sách cho giáo viên như trước kia là đủ. Cái mà giáo viên cần là nhà trường đầu tư sân chơi, bãi tập, nhà thể chất đa năng, có bể bơi để HS nào cũng được phổ cập bơi lội…; chứ không phải có SGK thể dục thì HS sẽ yêu thích tập luyện hơn.

Tương tự, với hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, cái mà HS cần là được học bằng những trải nghiệm thực tế, được thực hành chứ không phải trải nghiệm trên giấy.

Thời điểm mới ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới, khi lý giải về SGK thể dục, hoạt động trải nghiệm…, trao đổi với PV Thanh Niên, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình tổng thể, cho rằng: “Khi thiết kế chương trình, chúng tôi có hình dung sách cho cả HS thay vì chỉ có sách cho giáo viên như chương trình hiện hành. Bởi vì HS phải có sách để học như hướng dẫn các động tác, có thể tự học… Chưa kể, HS có quyền lựa chọn những bộ môn thể dục thể thao ưa thích nên trong SGK sẽ giới thiệu nhiều bộ môn thể dục. Chương trình thiết kế là có, nhưng các nhà xuất bản viết sách cho các môn này hay không là quyền của họ”.

Giá sách giáo khoa mới cao đột biến, vì sao? - ảnh 3

Nhiều ý kiến cho rằng nếu sau 1, 2 năm đưa vào sử dụng những SGK mới như thể dục, hoạt động trải nghiệm…, Bộ GD-ĐT nhận thấy nhiều ý kiến phản ánh SGK đó là không cần thiết, gây lãng phí thì phải có chỉ đạo, điều chỉnh chứ vẫn “mặc kệ” cho danh mục SGK ngày càng dài thêm, gánh nặng chi phí của người dân cho việc mua SGK càng tăng thêm là cách quản lý, điều hành rất khó lý giải.

Ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, từng nhiều lần chỉ ra rằng hoàn toàn có thể giảm chi phí SGK bằng nhiều cách, trong đó có việc giảm số đầu sách bắt buộc trong danh mục SGK mới từ lớp 1 trở đi. Ví dụ, ở tiểu học, các môn học đạo đức, nghệ thuật và đặc biệt là giáo dục thể chất và hoạt động trải nghiệm chỉ nên có sách hướng dẫn cho giáo viên là đủ, không cần SGK cho học sinh.

 

Phụ huynh nhìn giá sách giáo khoa thấy đau đầu

Một phụ huynh ở Hà Nội chia sẻ: “Năm tới con tôi vào lớp 3, nhìn giá SGK thấy đau đầu rồi, giá chưa tính sách tiếng Anh nữa là trên 200.000 đồng, chưa kể phải mua gần 2 bộ vì 1 bộ để trên trường, gần 1 bộ còn lại để bé về nhà có sách học nữa. Tổng chi phí chắc trên 400.000 đồng, chưa kể sách bài tập kèm theo”.

Anh Trần Đức Văn (H.Lục Ngạn, Bắc Giang), cho biết sẽ thực sự khó khăn khi 2 con đi học trong năm học tới. “Dịch bệnh 2 năm liền với khó khăn chồng chất, phụ huynh ở nông thôn năm vừa qua đã phải vay mượn tiền để mua máy tính cho con học trực tuyến, lẽ ra cần hỗ trợ người dân thì lại tăng thêm gánh nặng khi giá SGK tăng gấp mấy lần”, anh Văn nói.

 

Cạnh tranh khi có nhiều bộ SGK khiến giá cao hơn ?

Lý giải về việc vì sao giá SGK mới cao hơn hẳn giá hiện hành, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho rằng có khác biệt cơ bản giữa chi phí tổ chức biên soạn SGK hiện hành và bộ sách mới.

Thứ nhất, về nguồn vốn, việc biên soạn, xuất bản SGK mới là vốn do doanh nghiệp tự đầu tư và vay ngân hàng. Còn đối với sách hiện hành (cũ), là bằng vốn ngân sách nhà nước và vốn vay Ngân hàng Thế giới, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chỉ chi trả các chi phí tổ chức bản thảo cho việc tái bản. Chi phí bản thảo sách hiện hành chỉ bằng khoảng 1/10 bản thảo sách mới.

Thứ hai, nhuận bút đối với SGK mới cao hơn so với sách hiện hành và phát sinh trong chế độ đãi ngộ do cơ chế cạnh tranh để có tác giả giỏi.

Thứ ba, SGK mới có khổ 19 x 26,5 cm, lớn hơn 1,23 lần khổ SGK hiện hành (17×24 cm) để đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp giáo dục theo mô hình phát triển năng lực, thông qua hình ảnh hóa nội dung… Do đó, chi phí in tăng 23% so với SGK hiện hành.

Đáng chú ý, theo phân tích của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thì việc cạnh tranh khi có nhiều bộ SGK, nhiều nhà xuất bản làm SGK… lại khiến giá SGK tăng chứ không giảm như với các mặt hàng khác. Cụ thể: “Khi có nhiều bộ SGK cùng được xuất bản khiến cho số lượng bản SGK ở mỗi tên sách được phát hành sẽ ít hơn so với khi chỉ có một bộ SGK, do đó chi phí tổ chức bản thảo phân bổ cho mỗi bản SGK sẽ cao hơn so với SGK hiện hành. Khi có nhiều nhà xuất bản cùng tham gia xuất bản SGK trong môi trường cạnh tranh kéo theo chi phí cho việc giới thiệu, cung cấp sách mẫu, truyền thông… trong khi giá của SGK hiện hành (cũ) không phải chịu các chi phí này”.

TUỆ NGUYỄN

TNO