Xem ảnh người trăm năm trước chơi nhạc
Xem ảnh người trăm năm trước chơi nhạc
Ca trù từng ra sao, diễn viên tuồng đã hoá trang thế nào, cồng chiêng xưa vang lên trong không gian và bối cảnh gì. Những điều đó có trong bộ ảnh cổ Nhạc công và âm nhạc cổ truyền Việt Nam.
Những mảnh ghép đen trắng
Nhà sưu tập Đoàn Bắc và nhiếp ảnh gia Lê Bích đang cùng nhau thực hiện triển lãm Nhạc công và âm nhạc cổ truyền Việt Nam (diễn ra đến hết 20.5 tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội, 50 Đào Duy Từ). “Triển lãm trưng bày 60 bức ảnh đen trắng chụp tại Việt Nam, về âm nhạc cổ truyền của người VN trong giai đoạn khoảng những năm 1875 – 1935. Các tác phẩm do chúng tôi sưu tầm và phục chế kỹ thuật số”, ông Đoàn Bắc nói. Ông Lê Bích cho biết đây là một phần trong chuỗi các triển lãm ảnh về Nghề truyền thống Hà Nội – còn và mất, do hai ông lên ý tưởng và thực hiện.
Ban nhạc truyền thống của Việt Nam trình diễn tại Hội chợ thuộc địa quốc tế ở Pháp |
Những bức ảnh có nhiều nguồn. Ông Bắc cho biết đã gửi nhiều thư cho các kho dữ liệu ảnh kỹ thuật số cao cấp. Họ có nhiều ảnh số hóa từ ảnh in hoặc phim gốc đang lưu trữ tại nước ngoài. “Rất may, từ khoảng vài năm gần đây có một số kho tư liệu dạng này đã hoàn thành công việc số hóa ảnh đến tiêu chuẩn HD và tôi có thể sử dụng với sự trích dẫn nguồn rõ ràng. Điển hình là các nguồn tư liệu của Thư viện Quốc gia Pháp, Thư viện ASEMI thuộc Bảo tang Thuộc địa Pháp, Thư viện Humazur của Đại học Côte d’Azur (Pháp)…”, ông Bắc nói.
Cũng theo ông Bắc, một số tư liệu ảnh lại đến từ các bản in như bưu thiếp, ảnh chụp khổ nhỏ hoặc siêu nhỏ mua từ nước ngoài, do các cá nhân sưu tập. “Để trưng bày, giới thiệu cho đại chúng và trên truyền thông thì tất cả đều phải số hóa lại hết. Đây cũng là dạng dữ liệu mà chúng tôi đang nắm giữ. Còn tư liệu “cứng” thì chúng tôi trả lại cho những nguồn chia sẻ. Vì nó thường không phải là tài sản của một cá nhân mà là kỷ vật của cả gia đình hoặc tổ chức”, ông Bắc nói.
Gánh hát rong của người mù ở Bắc bộ (thế kỷ 19) |
Đọng lại trăm năm
Ông Đoàn Bắc cho biết việc chú thích ảnh mất nhiều thời gian. “Đầu tiên phải dựa vào dữ liệu ghi nhận của kho tư liệu bên Pháp. Tuy nhiên, phần chữ bằng tiếng Pháp ghi chép từ rất nhiều năm trước có thể không chính xác hoặc đơn giản quá, ít tư liệu nền”, ông Bắc nói. Cũng chính vì thế, ông Bắc rất mong qua trưng bày lần này có thêm thông tin bổ sung từ công chúng. Mặc dù vậy, chú thích ảnh đã được ông Bắc thực hiện sao cho chi tiết nhất.
Chẳng hạn, một bức hình trong trưng bày lần này có chú thích “Nữ ca sĩ và ban nhạc truyền thống ở Hà Nội (năm 1884)”. Chính giữa hình là một người phụ nữ mặc áo dài, vấn khăn. Ngoài nhạc công với nhạc cụ bên cạnh có những người mặc trang phục rất giống với trang phục múa bài bông sau này được phục dựng. Trên ảnh chỉ có hàng chữ ghi đó là những ca sĩ. Liệu đây có phải là bức hình chụp nghệ sĩ trước hoặc sau một buổi biểu diễn ca trù và múa bài bông hay không cũng rất khó khẳng định.
Nữ ca sĩ và ban nhạc truyền thống ở Hà Nội (năm 1884) TL TRIỂN LÃM |
Ông Bắc cho biết đây là bức ảnh trong bộ ảnh của Pierre Dieulefils và hãng nhiếp ảnh danh tiếng của ông ở Hà Nội và cả Đông Dương. “Ảnh được chụp khoảng năm 1884 tại Hà Nội mang chủ đề về ca sĩ, đã được dùng làm bưu thiếp rộng rãi ngay sau đấy. Với lối làm việc của lò Dieulefils thì họ thường sắp đặt nhân vật, bối cảnh cẩn thận để chụp theo chủ đề định sẵn”, ông Bắc nói.
Ông Lê Bích cho hay điều ông thấy xúc động nhất là hình ảnh của những người chơi nhạc xưa với những nhạc cụ y như người chơi nhạc ngày nay vẫn dùng. “Tôi chụp nhiều nhóm nhạc truyền thống như nhóm Đông Kinh cổ nhạc, nhóm Ca trù Bạch Vân. Đặt những bức ảnh xưa và nay cạnh nhau thấy nhạc cụ vẫn thế. Tôi rất xúc động vì thấy 100 năm nó không khác đi là mấy”, ông Lê Bích chia sẻ.
Ông cũng có những giây phút xúc động vì âm nhạc ở các vùng văn hóa khác nhau. “Xem ảnh cổ thì thấy hóa ra Tây nguyên có đàn bầu. Tôi từng chụp ở Tây nguyên rồi, cái đàn bầu dùng quả bầu khô rồi cắm bằng tre. Mà nó ra âm thanh hay lắm. Có những bức ảnh nhìn rồi không biết nhạc cụ đó giờ còn hay mất. Thì có thể yên tâm là đàn tranh, đàn bầu, đàn nhị nó vẫn thế. Xúc động nhất là những ảnh về âm nhạc Tây nguyên, họ có những nhạc cụ rất tinh xảo”, ông Bích nói.
Ông Bích cũng rất mê những bức ảnh chụp không gian thực hành âm nhạc. “Âm nhạc ở khắp nơi. Có bức ảnh chụp đội trống ngồi ngay ở đồng ruộng thì thấy âm nhạc lan tỏa sâu trong cộng đồng. Nó khác với việc bây giờ chúng ta hình dung đến âm nhạc là phải lên sân khấu”, ông Bích nói.
Các tác phẩm trong triển lãm chia làm 5 nhóm. Nhóm 1 là Các ban nhạc truyền thống gồm hình ảnh các nhóm nhạc Bắc kỳ, Trung kỳ, các ban nhạc trình diễn tại Hội chợ thuộc địa quốc tế ở Paris. Nhóm 2 là Bộ nhạc cụ đàn dây cho thấy các nhạc công trình diễn đàn nguyệt, đàn nhị, đàn bầu ở nhiều địa điểm khác nhau. Nhóm 3 là Nhạc cụ bộ gõ và bộ hơi với hình ảnh biểu diễn khèn, sáo, đàn đá. Nhóm 4 là Nhạc cụ của các dân tộc thiểu số miền Trung, Tây nguyên có các hình ảnh trình diễn sáo trúc, cồng chiêng. Nhóm 5 là Ca sĩ và nghệ sĩ sân khấu truyền thống có hình ảnh các gánh hát tuồng, hát bội…
TRINH NGUYỄN
TNO