Covid-19 có thể sớm trở thành bệnh lưu hành
Covid-19 có thể sớm trở thành bệnh lưu hành
Theo khuyến khích của WHO, Việt Nam sẽ chuyển từ phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững với 2 kịch bản ứng phó dịch. Dịch Covid-19 có thể sớm trở thành bệnh lưu hành.
Covid-19 sẽ không biến mất hoàn toàn
Bộ Y tế đang lấy ý kiến các cơ quan liên quan về dự thảo “Phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch Covid-19 năm 2022 – 2023”.
Theo Bộ Y tế, trên phạm vi toàn cầu đang ghi nhận số ca mắc Covid-19 mới giảm liên tục, số ca nhiễm nặng và tử vong cũng giảm, trong khi tỷ lệ bao phủ vắc xin tăng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định dịch Covid-19 sẽ không biến mất hoàn toàn, có thể sớm trở thành bệnh lưu hành.
WHO dự báo dịch Covid-19 sẽ không biến mất hoàn toàn, sớm là bệnh lưu hành LIÊN CHÂU |
Ngày 31.3.2022, WHO ban hành kế hoạch đáp ứng và phòng chống nhằm kết thúc tình trạng khẩn cấp của đại dịch Covid-19 trong năm 2022. WHO cũng khuyến khích các quốc gia chuyển từ phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững
Ca mắc và tử vong do Covid-19 giảm từng ngày
Về dịch Covid-19 tại Việt Nam, Bộ Y tế cho biết các quần gần đây, số ca nhiễm, ca nặng và tử vong tại các tỉnh, thành phố có xu hướng giảm từng ngày.
Số ca mắc mới từ 150.000 ca/ngày xuống còn dưới 50.000 ca mỗi ngày. Đến ngày 2.5, số ca mắc mới là hơn 3.700 ca. Số ca nặng từ hơn 3.600 ca giảm xuống còn hơn 1.500 ca đang điều trị tại bệnh viện. Đến ngày 2.5 còn 475 ca nặng cần thở ô xy.
Số tử vong do Covid-19 từ hơn 50 ca/ngày xuống còn hơn 30 ca mỗi ngày. Đến ngày 2.5, số ca tử vong trung bình trong tuần giảm còn 4 ca/ngày
Dự báo 2 tình huống dịch
Để chủ động kiểm soát dịch Covid-19, trên cơ sở kế hoạch của WHO và thực tế tại Việt Nam, Bộ Y tế xây dựng 2 tình huống dịch Covid-19 trong giai đoạn chuyển tiếp từ phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững.
Theo đó, tình huống 1: Chủng vi rút vẫn tiếp tục tiến hóa, tuy nhiên các ổ dịch không còn nghiêm trọng như trước hoặc xuất hiện biến chủngmới của vi rút SARS-CoV-2 nhưng ít nghiêm trọng hơn.
Tình huống 2: Xuất hiện biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 có khả năng làm giảm hiệu quả vắc xin hoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng lên, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương.
Mục tiêu chung của các tình huống ứng phó là nâng cao năng lực ứng phó trong tình huống dịch bệnh diễn biến phức tạp theo từng khu vực, địa phương.
Bảo đảm kiểm soát dịch hiệu quả, kiểm soát tốc độ lây lan, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca bệnh nặng, tử vong do dịch Covid-19.
Đảm bảo bao phủ vắc xin
Theo dự thảo của Bộ Y tế, trong nước phải bảo đảm đạt tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng Covid-19 (hoàn thành tiêm mũi 2 cho người 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên đến lịch tiêm chủng, trừ các đối tượngchống chỉ định tiêm trong tháng 4 năm 2022); bảo đảm đủ vắc xin và hoàn thành tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trong quý 2/2022.
Kiểm soát lây lan. Tất cả các cấp chính quyền có kịch bản phòng, chống dịch Covid-19. Tất cả mọi người dân tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp. Tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm.
Có chính sách đãi ngộ phù hợp hơn với nhũng người làm công tác y tế dự phòng, tại y tế cơ sở ĐẬU TIẾN ĐẠT |
Có chiến lược giám sát, phát hiện các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch trong từng giai đoạn.
Giảm tỷ lệ tử vong trên 1 triệu dân xuống mức thấp hơn mức trung bình của châu Á.
Đãi ngộ người làm y tế dự phòng
Nâng cao năng lực hệ thống y tế, đặc biệt là y tế dự phòng và y tế cơ sở; có các chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp với những người làm nhiệm vụ y tế dự phòng, y tế cơ sở. Tăng cường chất lượng cấp cứu và hồi sức tích cực ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến.
100% trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp tỉnh, trung tâm y tế cấp huyện, trạm y tế cấp xã, y tế tại các cơ sở giam giữ, bệnh xá trong các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang được tăng cường năng lực để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn trong phòng, chống dịch.
Bảo đảm số giường hồi sức tích cực tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ cấp huyện trở lên; 100% người mắc Covid-19 diễn biến nặng, nguy kịch được điều trị, chăm sóc sức khỏe.
Tất cả các đối tượng dễ bị tổn thương như người cao tuổi, người có bệnh nền, người khuyết tật, phụ nữ mang thai, người không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, đồng bào dân tộc thiểu số, nhóm lao động di cư ở các thành thị… đều được bảo đảm tiếp cận các dịch vụ y tế.
Bảo đảm thông tin, truyền thông; chủ động cung cấp thông tin kịp thời, chính xác đến người dân về dịch và công tác phòng chống dịch…
Tại dự thảo, Bộ Y tế chính thức đề xuất các địa phương cần có kế hoạch huy động, phân công các cơ sở y tế trên địa bàn, bao gồm cả cơ sở ngoài công lập tham gia phòng, chống dịch Covid-19…
LIÊN CHÂU
TNO