23/11/2024

Người dân có nên truy đuổi cướp giật?

Người dân có nên truy đuổi cướp giật?

Khi xảy ra những vụ việc nạn nhân cố truy đuổi tên cướp dẫn đến bản thân tử vong, bị thương nặng, luôn khiến gia đình, xã hội đau lòng.

 

 

 

Trước tình huống trên, người dân làm gì để được an toàn và hỗ trợ cơ quan công an phục vụ công tác điều tra?

Người dân có nên truy đuổi cướp giật? - ảnh 1
Hiện trường vụ tai nạn do nạn nhân truy đuổi cướp đêm 27.4  TRẦN KHA

Những cái chết đau lòng

Theo thông tin ban đầu, lúc 21 giờ 36 ngày 27.4, nam thanh niên chạy xe máy biển số tỉnh Nghệ An trên đường Nguyễn Văn Quá (P.Đông Hưng Thuận, Q.12), hướng từ đường Trường Chinh về Chợ Cầu thì nghe tiếng người dân tri hô cướp. Người này lập tức đuổi theo xe máy của 2 nghi phạm. Khi đến trước địa chỉ 539A Nguyễn Văn Quá (P.Đông Hưng Thuận, Q.12) thanh niên này bị 2 người đàn ông lái xe máy áp sát. Vụ việc khiến xe máy của nam thanh niên va chạm nhẹ với một xe chạy hướng ngược lại. Thanh niên 20 tuổi lấy lại thăng bằng rồi tiếp tục đuổi theo 2 người đàn ông thì xảy ra va chạm. Người này ngã xuống đường, tử vong tại chỗ. Hai người nghi cướp giật rời khỏi hiện trường.

Trước đó (21.4), một vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đường Phan Văn Trị (Q.Gò Vấp, TP.HCM) khiến N.T.V (21 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp) tử vong. V. thiệt mạng nghi do đuổi theo 2 kẻ giật điện thoại, va chạm với xe của ông Đặng Văn Phong (42 tuổi). Theo nhân chứng, thời điểm xảy ra vụ việc, cô gái chạy xe máy tốc độ nhanh để đuổi theo một xe máy phía trước và tri hô cướp. Phía gia đình cô gái cho biết khi tai nạn xảy ra, V. mới mua chiếc iPhone 13 được 3 ngày, nhưng thời điểm bị tai nạn, không thấy điện thoại của V. đâu.

Trước đây cũng đã từng xảy ra nhiều trường hợp đau thương, như tháng 7.2018, người dân sống gần giao lộ Thống Nhất – Nguyễn Xuân Khoát (P.Tân Thành, Q.Tân Phú) thấy 2 thanh niên chạy xe máy với tốc độ cao, phía sau là tiếng hô “cướp, cướp” của anh V. Tới giao lộ trên, anh V. va chạm với xe tải chạy cùng chiều, dẫn đến ngã xuống đường, tử vong tại chỗ. Theo một số người dân, anh V. đang đứng giao hàng cho khách ở một địa điểm gần đó thì bị 2 tên cướp áp sát, giật điện thoại, anh đuổi theo rồi gặp nạn. Công an Q.Tân Phú trích xuất camera, bắt 2 nghi can giật điện thoại của anh V.

 

Làm gì để tránh bị cướp giật?

TS Đoàn Văn Báu, chuyên gia về tâm lý tội phạm, phân tích hiện nay nhiều đối tượng lâm vào hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là khi tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài, đối tượng xấu thực hiện hoạt động cướp tài sản, tội phạm cướp giật thường có hành vi manh động. Để phòng tránh, người dân nên hạn chế ra đường, nếu đi ra đường thì nên tìm hiểu trước lộ trình mình sẽ đi. Ví dụ với lộ trình dài và đường vắng thì nên rủ người nhà đi theo; hoặc mình có thể chọn thời điểm ngoài đường đông người qua lại.

“Trong trường hợp đi đường vắng gặp cướp tài sản thì đối tượng thường sẽ khống chế đe dọa trước khi cướp. Chỉ cần người dân chống cự thì đối tượng sẽ rút hung khí ra tay, gây hậu quả xấu. Vì vậy, khi gặp đối tượng xấu thì chúng ta nên đưa tài sản theo yêu cầu của đối tượng. Trong thời gian đưa tài sản cho chúng, người dân cố gắng nhớ đặc điểm nhận dạng, biển số xe của đối tượng để trình báo công an gần nhất”, TS Đoàn Văn Báu nói và khuyến cáo người dân phải thật cẩn trọng khi ra đường trong mùa dịch này, tài sản mất đi còn lấy lại được, còn nếu tính mạng mất là hết; sức khỏe bị ảnh hưởng thì hậu quả cũng nặng nề hơn.

“Đối tượng cướp giật thường có tổ chức, đồng bọn hỗ trợ vì vậy tuyệt đối không nên chống trả đối tượng. Trường hợp khu vực đó đông người thì ta nên lùi lại, la lên cầu cứu”, TS Báu nêu và còn khuyến cáo người dân nên trình báo công an dù mất tài sản nhiều hay ít để cơ quan công an tìm được kẻ xấu, xử lý theo quy định pháp luật.

Tương tự, thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, khuyến cáo: “Thời gian qua một số vụ cướp giật xảy ra tại TP.HCM gây hoang mang cho người dân, trước vụ việc đã xảy ra người dân cần nâng cao cảnh giác, ra đường không đeo nhiều trang sức gây sự chú ý cho đối tượng; không nên đeo túi xách; không sử dụng điện thoại để không tạo điều kiện cho kẻ xấu thực hiện hành vi cướp giật tài sản. Nếu người dân bị cướp giật nên hô hoán, kêu cứu để nhận sự giúp đỡ từ người đi đường”.

Thượng tá Trần Văn Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (PC02) – Công an TP.HCM, nhìn nhận tội phạm cướp giật tài sản trên đường phố có thể gia tăng hoạt động trong dịp lễ gây mất an ninh trật tự xã hội vì vậy người dân phải hết sức cảnh giác để bảo vệ tài sản của mình. PC02 xác định giải pháp chính là chủ động phòng ngừa, chủ động đấu tranh ngăn chặn tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Khi người dân bị cướp giật, nếu kẻ cướp manh động thì không nên đuổi theo tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra, giữ an toàn cho bản thân và người đi đường. Người dân nhớ hình dáng, biển số xe, quần áo để trình báo công an sau khi bị cướp giật.

Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết quá trình phạm tội, nếu các nghi phạm vô ý gây tai nạn hoặc cố ý gây tai nạn nhưng chỉ nhằm mục đích trốn chạy chứ không cố ý gây chết người thì sẽ bị xử lý về tội “cướp tài sản” hoặc “cướp giật tài sản” cùng tình tiết định khung làm chết người; hành hung để tẩu thoát; gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác.

Theo điều 168 bộ luật Hình sự, tội “cướp tài sản” quy định nếu người phạm tội làm chết người, khung hình phạt áp dụng là phạt tù 18 – 20 năm hoặc tù chung thân. Còn gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cho người khác từ 11 – 60%, có thể bị phạt từ từ 7 – 20 năm tù.

Theo điều 171 bộ luật Hình sự, đối với tội “cướp giật tài sản” cùng tình tiết định khung làm chết người, nghi phạm sẽ đối diện mức án 12 – 20 năm tù hoặc tù chung thân; còn các tình tiết hành hung để tẩu thoát, gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe từ 11 – 60%, có thể bị phạt tù cao nhất từ 10 – 15 năm tù.

PHAN THƯƠNG- NGỌC LÊ

TNO