Kỳ vọng nhà lưu trú cho công nhân, nhà ở xã hội
Kỳ vọng nhà lưu trú cho công nhân, nhà ở xã hội
Trong tuần qua, TP.HCM đã khởi công hàng loạt dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân.
Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, nơi bùng phát dịch lớn nhất, “khắc nghiệt” nhất được xác định là trong các công xưởng, các khu nhà trọ. Nơi chốn ăn ở không bảo đảm các điều kiện về vệ sinh, môi trường. Vì thế, không chỉ chủ trương của TP.HCM mà của cả cấp Chính phủ đã có những chính sách, hành động cụ thể triển khai các dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân.
Một khu nhà trọ cho công nhân ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM NGỌC DUY |
Diện tích nhỏ, nhưng chất lượng không thấp
Tại TP.HCM, chỉ trong cuối tháng 4.2022, đã có nhiều dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân được khởi công. Cụ thể, Sở Xây dựng TP.HCM vừa phối hợp cùng Công ty cổ phần đầu tư xây dựng sản xuất dịch vụ du lịch Thiên Phát, Công ty Điền Phúc Thành, Công ty Nguyên Sơn (thuộc Tập đoàn Nam Long) khởi công 3 dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân ở TP.Thủ Đức, H.Bình Chánh với 1.160 căn.
Khu nhà lưu trú cho công nhân ở Khu chế xuất Tân Thuận (Q.7, TP.HCM) ĐẬU TIẾN ĐẠT |
Ông Nguyễn Minh Thông, Phó giám đốc Công ty Điền Phúc Thành, cho biết dự án nằm trong tổng thể quy hoạch diện tích đất gần 15 ha của khu nhà ở P.Long Trường với ba khối nhà ở xã hội 1 (63 căn), nhà ở xã hội 2 (337 căn) và nhà ở xã hội 3 (158 căn), tổng diện tích sàn xây dựng gần 35.000 m2.
Khi dự án hoàn thành sẽ cung cấp gần 600 căn hộ cho người lao động thu nhập thấp. Ông Thông cam kết công ty sẽ triển khai dự án đúng tiến độ và chất lượng cũng như tuân thủ chặt chẽ các quy định của nhà nước trong việc cung cấp sản phẩm nhà ở xã hội đúng đối tượng, ưu tiên công nhân, người lao động thu nhập thấp và gia đình chính sách tại địa phương.
Ông Nguyễn Văn Lợi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng sản xuất dịch vụ du lịch Thiên Phát, cũng khẳng định mục tiêu của dự án là góp phần tăng quỹ nhà ở cho công nhân Khu chế xuất Linh Trung 2 thuê ở, phù hợp với chủ trương của TP, tăng hiệu quả sử dụng đất, đảm bảo kết nối đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, mỹ quan đô thị và an toàn về môi sinh, môi trường theo đúng quy hoạch chi tiết xây dựng khu chế xuất đã được phê duyệt. Dự án đáp ứng chỗ ở cho khoảng 1.000 công nhân. Ngoài việc xây dựng 360 căn nhà lưu trú cho công nhân, tại dự án nhiều tiện ích như trường mầm non, căn tin, khu siêu thị, khu vui chơi, khu sinh hoạt cộng đồng…
“Dự án sẽ được xây dựng đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng theo phương châm nhà lưu trú cho công nhân có diện tích nhỏ nhưng chất lượng không thấp”, ông Lợi cam kết.
Giá nhà ở xã hội 1 tỉ – 1,6 tỉ đồng/căn
Ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết chủ trương của thành phố là tập trung phát triển các khu nhà ở xã hội đồng bộ về hạ tầng, đảm bảo không gian sống, nâng cao chất lượng sống cho công nhân, người lao động. Qua đó, thu hút người lao động trở lại TP làm việc để phát triển, phục hồi kinh tế. Các dự án nhà ở xã hội và dự án nhà lưu trú công nhân vừa được khởi công, nằm trong tổng số 18 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp mà TP đang đẩy nhanh tiến độ.
TP sẽ có chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi kích cầu của TP để thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng lưu trú cho công nhân.
Ông Dương Anh Đức
Các dự án này sẽ cung cấp hơn 1.300 căn hộ cho người thu nhập thấp trên địa bàn TP. Sau đó, TP sẽ tiếp tục khởi công công trình nhà ở xã hội thuộc khu dân cư ở P.Long Trường với tổng
diện tích đất xây dựng khoảng 19.400 m2, quy mô 1.086 căn hộ; Dự án chung cư nhà ở xã hội thuộc khu nhà ở Nguyên Sơn (xã Bình Hưng, H.Bình Chánh) với 242 căn hộ, tổng diện tích xây dựng gần 3.700 m2; tiếp tục động thổ Dự án cải tạo, xây lại chung cư Thanh Đa (lô 4 đến 6, ở Q.Bình Thạnh) với quy mô 1.750 căn. Đây là những lô xây từ những năm trước 1975, đã xuống cấp nghiêm trọng và được thành phố lên kế hoạch cải tạo, làm lại từ nhiều năm qua.
“TP đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện 10 dự án nhà ở xã hội, hai nhà lưu trú công nhân, tổng quy mô 11.000 căn hộ trong năm 2022. Trong số 12 dự án, có 4 dự án nhà ở xã hội do doanh nghiệp thực hiện quy mô trên 3.300 căn gồm dự án dành cho công nhân hai khu công nghiệp Tân Bình (Q.Tân Phú), Đông Nam (H.Củ Chi), nhà ở xã hội Lê Thành (H.Bình Chánh) và 1 dự án tại xã Long Thới (H.Nhà Bè). Sáu dự án nhà ở xã hội sử dụng quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại với gần 6.000 căn hộ thuộc các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Q.7 và TP.Thủ Đức. Hiện, mỗi m2 nhà ở xã hội có giá 20 – 25 triệu đồng, tương đương 1 – 1,6 tỉ đồng mỗi căn. Người mua được vay tối đa 900 triệu đồng, không quá 70% giá trị căn hộ, thời gian trả 15 năm”, ông Quân thông tin.
Cũng theo ông Quân, người lao động có thể tải ứng dụng của Trung tâm quản lý nhà vào điện thoại hoặc vào trang web của sở để theo dõi thông tin dự án. Với các dự án nhà ở xã hội vốn ngoài ngân sách, người lao động muốn mua nộp hồ sơ trực tiếp cho chủ đầu tư và Sở Xây dựng thẩm định lại. Để thực hiện kế hoạch trên, Sở Xây dựng tham mưu TP rà soát các quỹ đất trong khu chế xuất, công nghiệp, công nghệ cao chưa đầu tư xây dựng, để xây dựng nhà lưu trú cho công nhân; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoàn tất thủ tục về đầu tư, xây dựng”, ông Trần Hoàng Quân cho hay.
Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, nhấn mạnh giai đoạn 2021 – 2025, chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội của TP (trong đó có nhà lưu trú cho công nhân) là 2,5 triệu m2 sàn, tương ứng với 35.714 căn hộ. TP cũng phấn đấu xây dựng nhà ở thương mại giá thấp để giải quyết nhu cầu nhà ở cho công nhân, người lao động.
“TP đã thành lập tổ công tác để tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản, định kỳ họp từ 1 – 2 lần trong tuần để tập trung tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp và dự án. Để đạt được mục tiêu kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, đề nghị Sở Xây dựng TP tập trung rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư, kịp thời khởi công các dự án xây dựng nhà lưu trú công nhân khác trong năm 2022 và đầu năm 2023 để được tham gia gói tín dụng 40.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30.1.2022 của Chính phủ về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình”, ông Đức nói.
Theo thống kê, TP.HCM hiện có khoảng 1,3 triệu lao động, công nhân đang làm việc, có nhu cầu nhà ở. Trong số này có gần 40.000 công nhân (chiếm 3%) sống ở các khu lưu trú, ký túc xá được xây dựng tại các khu công nghiệp.
Hầu hết lao động sống ở các phòng trọ diện tích trung bình 14 m2/phòng, mức thuê bình quân 1,6 triệu đồng/tháng với 4 người cùng ở. Thông thường, công nhân dành 10 – 15% thu nhập để chi trả chỗ ở.
ĐÌNH SƠN
TNO