05/11/2024

Vì sao Thuỵ Sĩ không cho Đức chuyển giao đạn cho Ukraine?

Vì sao Thuỵ Sĩ không cho Đức chuyển giao đạn cho Ukraine?

Thuỵ Sĩ mới đây từ chối hai đề nghị của Đức về việc chuyển giao đạn do Thuỵ Sĩ sản xuất sang Ukraine, động thái gây ra cuộc tranh luận về nguyên tắc trung lập của Thuỵ Sĩ.

 

 

Ban phụ trách các vấn đề kinh tế nhà nước (SECO) của Thuỵ Sĩ, nơi có tiếng nói cuối cùng về việc cấp và ký các giấy phép xuất khẩu vũ khí, xác nhận giới chức Đức đã có đề nghị như trên. Đức muốn biết “loại đạn nhận từ Thụy Sĩ có thể được chuyển sang Ukraine hay không”, và đã nhận được câu trả lời “không” vì “liên quan đến tính trung lập của Thụy Sĩ và tiêu chuẩn bác bỏ bắt buộc của đạo luật vật liệu chiến tranh Thụy Sĩ”, phát ngôn viên truyền thông của SECO Michael Wüthrich cho Đài DW hay.

Vì sao Thụy Sĩ không cho Đức chuyển giao đạn cho Ukraine? - ảnh 1
Quân nhân thuộc lực lượng ủng hộ Nga đưa đạn lên xe bọc thép chở quân ở thành phố Mariupol thuộc miền đông Ukraine ngày 12.4  REUTERS

Quy tắc xuất khẩu nghiêm ngặt

Đối với việc xuất khẩu bất kỳ loại vật liệu chiến tranh nào, Thụy Sĩ nói chung đòi hỏi nước nhận phải cam kết không tái xuất khẩu. Theo tuyên bố đó, quốc gia nhận vật liệu chiến tranh sẽ không chuyển giao cho nước khác nếu không có sự đồng ý trước của Thụy Sĩ. Đây là một thủ tục được quốc tế công nhận.

“Ukraine liên quan đến một cuộc xung đột với Nga. Theo đó, vì việc xuất khẩu vật liệu chiến tranh từ Thụy Sĩ sang Ukraine sẽ không được cấp phép, việc dỡ bỏ trách nhiệm không tái xuất khẩu của Lực lượng vũ trang Đức để được phép chuyển giao loại đạn đã được nhận trước đó có nguồn gốc từ Thụy Sĩ cũng bị loại trừ”, phát ngôn viên Wüthrich nhấn mạnh.

Nguyên tắc trung lập là trụ cột chính trong chính sách an ninh và ngoại giao của Thụy Sĩ, đồng nghĩa nước này không thể can dự vào một cuộc chiến tranh giữa hai nước khác và không thể cung cấp sự hỗ trợ quân sự gián tiếp đến bất kỳ bên nào trong cuộc xung đột.

Ngoài ra, luật quốc nội Thụy Sĩ liên quan xuất khẩu vũ khí và các nguyên tắc về chính sách đối ngoại được dựa trên Đạo luật vật liệu chiến tranh Thụy Sĩ “kiểm soát việc sản xuất và chuyển giao vật liệu chiến tranh và công nghệ liên quan”.

Ông Jean-Marc Ricklich thuộc Trung tâm Chính sách an ninh Geneva, cho rằng xét về nguyên tắc trung lập của Thụy Sĩ, “việc đồng ý xuất khẩu đạn cho Ukraine sẽ là sự vi phạm về luật quốc tế cũng như luật quốc nội Thụy Sĩ”.

Trong khi đó, chủ tịch của đảng Trung tâm ở Thụy Sĩ lại có nhận định khác, cho rằng chính phủ Thụy Sĩ có thể kích hoạt điều 184.3 của hiến pháp để thông qua dự luật liên quan nếu các lợi ích của một nhà nước được đặt lên trên.

Giáo sư khoa học chính trị Laurent Goetschel tại Đại học Basel (Thụy Sĩ) thì cho rằng phạm vi của cuộc xung đột Nga-Ukraine đang làm cho tình trạng trung lập của Thụy Sĩ càng được quan tâm nhiều hơn.

 

Chiến sự Nga-Ukraine dẫn tới thay đổi?

Chiến sự ở Ukraine đã dẫn tới một số thay đổi chính sách ở một số nước, trong đó có Đức. Hôm 26.4, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht tuyên bố nước này sẽ cho phép gửi xe tăng sang Ukraine, đánh dấu sự thay đổi rõ ràng trong chính sách của Đức về việc hỗ trợ quân sự cho Kyiv, theo AFP.

Ở Thụy Điển và Phần Lan, cả hai đều theo nguyên tắc trung lập, sự thay đổi rõ hơn, khi hai quốc gia này có thể gia nhập NATO trong tháng tới.

Ở Thụy Sĩ, gần đây cũng có sự chuyển động từ những chính trị gia thuộc các đảng cánh tả và cánh hữu đang kêu gọi nâng cao hợp tác với NATO. Tuy nhiên, gần như không có các cuộc tranh luận về khả năng Thụy Sĩ gia nhập NATO và cũng không có chỉ dấu cho thấy Thụy Sĩ có ý định trở thành thành viên của khối này, theo DW.

VĂN KHOA

TNO