23/01/2025

Những công trình làm thay đổi diện mạo TP.HCM

47 năm Ngày thống nhất đất nước (30.4.1975 – 30.4.2022)

Những công trình làm thay đổi diện mạo TP.HCM

“Thay áo mới” cho công viên bến Bạch Đằng , nối trung tâm cổ tới đô thị mới bằng cầu Thủ Thiêm 2 đẹp lung linh… rất nhiều công trình đã, đang thực hiện và về đích trong suốt những năm qua khiến bộ mặt đô thị TP.HCM lột xác theo thời gian.

 

 

Hồi sinh “hồn” đô thị

“Tháng 4 về là lúc báo hiệu mùa xuân sắp đi qua, mùa hạ đang đến – cũng là mùa gợi nhắc những bản tình ca khó quên của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Lần đầu tiên, những tình khúc Trịnh Công Sơn được vang lên tại bến sông Sài Gòn, mang những thanh âm và ca từ đẹp đẽ đến với cuộc đời này…”, lời giới thiệu cho chương trình “Có hẹn với Sài Gòn” tại Ga tàu thủy Bạch Đằng gây nhiều xúc cảm.

Những công trình làm thay đổi diện mạo TP.HCM - ảnh 1
Bến Bạch Đằng (TP.HCM) NGỌC DƯƠNG

Diễn ra tại bến Bạch Đằng vào mỗi chiều thứ bảy hằng tuần, dự án nghệ thuật cộng đồng đặc sắc này đã dần trở thành điểm hẹn của những người dân TP yêu âm nhạc, tới để giải tỏa áp lực sau 1 tuần làm việc đầy áp lực. Nghe nhạc và ngắm hoàng hôn trên bến Bạch Đằng, Hải Đăng (26 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) gọi đó là “thú vui tao nhã” của anh, kể từ khi công viên bến Bạch Đằng khai trương trước Tết Nguyên đán 2022.

“Mình sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Ba mẹ hay kể niềm vui cuối tuần là được ra bến thuyền mua kẹo kéo. Những cuộc hẹn thời thanh xuân của ba mẹ, đa phần đều ở đây. Bởi vậy, hồi học cấp 3, thỉnh thoảng mình có hẹn bạn tới bến Bạch Đằng đi dạo buổi tối nhưng thú thật… Chán! Dọc vỉa hè tối om, gạch đá lổm nhổm, hàng rong, vé số đua nhau réo… nhếch nhác lắm. Bẵng đi một thời gian, đợt rồi nghỉ tết, thuê xe đạp công cộng lượn một vòng quanh trung tâm TP mới ngỡ ngàng nhận ra bến thuyền cũ kỹ ngày nào nay đã thay đổi thật rồi. Ra đây ngắm hoàng hôn, check-in hướng về phía Thủ Thiêm đẹp lắm. Thêm chương trình âm nhạc đường phố rất Tây nữa… đúng là số dách”, Hải Đăng hào hứng chia sẻ.

Được coi là điểm khởi nguồn của mảnh đất sông nước Sài Gòn, bến Bạch Đằng là chứng nhân lịch sử cho quá trình hình thành và phát triển hơn 300 năm của TP.HCM. Chúa Nguyễn trong hành trình chọn Sài Gòn là nơi để xây dựng doanh trại quân đội khi vào miền Nam, nơi đầu tiên đáp tàu, cũng chính là Bến Nghé xưa – bến Bạch Đằng ngày nay.

Chỉ cách trung tâm TP một con sông, nhưng Thủ Thiêm xưa giờ chưa thể phát triển xứng tầm, cảnh quan hai bên bờ sông vì thế cũng không được chỉnh trang, quy hoạch đồng bộ. Một khi có hạ tầng kết nối, khu đô thị này sẽ phát triển nhanh chóng, tạo sự cân bằng cảnh quan kiến trúc đôi bờ. Thủ Thiêm phát triển cũng là cơ hội để mở rộng vùng lõi đô thị hiện hữu, hiện thực hóa dần chủ trương giãn dân, giảm áp lực vùng nội đô TP.

KTS Nguyễn Hoàng Mạnh

Nhiều người gốc Sài Gòn vẫn thường bảo: Bến Nghé với hình ảnh trên bến, dưới thuyền chính là cái hồn của đô thị này. Công viên bến Bạch Đằng trước đây có một ban quản lý thuộc UBND Q.1. Nơi đây từng là bãi giữ xe, một đầu của bến phà Thủ Thiêm nối Q.1 với Q.2 và là nhà điều hành của các doanh nghiệp hoạt động tàu cánh ngầm tuyến TP.HCM – Vũng Tàu. Trên mặt sông có nhiều tàu nhà hàng neo đậu. Một phần công viên được làm bờ kè cho người dân TP đến đây hóng mát.

Năm 2013, UBND TP giao Tổng công ty du lịch Sài Gòn lập quy hoạch, đầu tư chỉnh trang, cải tạo, khai thác và quản lý khu vực công viên bến Bạch Đằng. Tuy nhiên, sau 2 năm, công tác chuẩn bị cho dự án vẫn chưa mấy tiến triển. Giữa năm 2016, trong khi dự án chỉnh trang vẫn còn nằm trên giấy thì UBND TP yêu cầu Saigontourist chuyển giao công viên cho UBND Q.1 quản lý. Sau đó, rất nhiều hoạt động như tàu nhà hàng, phố đi bộ kết hợp ẩm thực… đã được tổ chức nhưng bến Bạch Đằng vẫn còn nhiều hạng mục xuống cấp, hư hỏng… Nói như nhiều người, “hồn đô thị” đã bị lãng quên.

Tháng 5.2021, UBND TP.HCM chính thức thông qua phương án cải tạo, chỉnh trang công viên bến Bạch Đằng, theo đề xuất của Sở QH-KT. Hơn nửa năm sau, dự án với quy mô chỉnh trang khoảng 1,6 ha, trong đó có 8.700 m đường dạo, sân sinh hoạt bằng đá granite núi lửa và 7.000 m mảng xanh kiểng chính thức mở cửa cho người dân tham quan. Thiết kế mới kéo dài từ cột cờ Thủ Ngữ đến khu vực trưng bày súng thần công, tạo hình mềm mại ôm theo bờ sông. Ngoài ra còn có một chút cách điệu cánh hoa sen, cách đó không xa là Bến Nhà Rồng – địa điểm gắn bó với Bác Hồ. Từ đó đến nay, công viên bến Bạch Đằng trở thành điểm thu hút rất nhiều người dân tham quan, ngắm cảnh, thể dục… Kết hợp với cải tạo, trùng tu các công trình lịch sử dọc khu vực này, công viên bến Bạch Đằng đã chính thức hồi sinh, trở thành điểm kết nối để tạo cảnh quan xuyên suốt cho “mặt tiền” TP.HCM.

Những công trình làm thay đổi diện mạo TP.HCM - ảnh 2
Công viên bến Bạch Đằng trở thành điểm thu hút rất nhiều người dân tham quan, ngắm cảnh, thể dục  LÊ NAM

Nối trung tâm cổ tới đô thị mới

Từ bến Bạch Đằng nhìn sang nổi bật lên hình ảnh cầu Thủ Thiêm 2 với thiết kế dây văng ấn tượng được khánh thành hôm nay (28.4). Trong gần 7 năm thi công, cầu Thủ Thiêm 2 đã trải qua không ít khó khăn, vướng mắc. Suốt quá trình đó, người dân TP mong mỏi từng ngày, từng giờ cây cầu mau chóng hoàn thiện, không chỉ để giải tỏa ùn tắc nghiêm trọng cho loạt tuyến đường Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Nguyễn Hữu Cảnh… mà để kéo gần hơn đôi bờ sông Sài Gòn, mở lối sang Thủ Thiêm.

Trong ký ức của người Sài Gòn, Thủ Thiêm là vùng đất của đầm lầy với tên gọi là xóm Tàu Ô. Đây là nơi cư ngụ của nhóm hải tặc người Hoa trốn nhà Thanh sang cư ngụ. Đến thế kỷ 18, để quản lý việc đi lại giữa đôi bờ sông Sài Gòn từ các khu vực khác về trung tâm, đồn binh Thủ Thiêm được ra đời. Tên gọi Thủ Thiêm cũng khai sinh từ đó. Cư dân tại vùng đất Thủ Thiêm ngày ấy chủ yếu sinh sống nhờ vào ruộng đồng.

Những công trình làm thay đổi diện mạo TP.HCM - ảnh 3
Cầu Thủ Thiêm 2 với thiết kế dây văng ấn tượng được khánh thành hôm nay (28.4)  ĐỨC LONG

Năm 1996, Chính phủ phê duyệt quy hoạch TP.HCM, xác định xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm bên bờ đông sông Sài Gòn. Chỉ cách khu vực lõi trung tâm lịch sử Q.1 một đoạn ngắn, đối diện sông Sài Gòn, bán đảo này được chọn là trung tâm tổng hợp mới, đáp ứng nhu cầu phát triển của TP hơn 10 triệu dân cùng lượng lớn khách vãng lai và được kỳ vọng trở thành trung tâm tài chính, thương mại mang tầm cỡ quốc tế, trở thành đô thị đẹp nhất khu vực Đông Nam Á. Thế nhưng, do giao thông cách trở mà Thủ Thiêm vẫn chưa thể đột phá.

Chỉ cách đây hơn 10 năm, Thủ Thiêm vẫn còn nguyên sơ là vùng đầm lầy, dân cư hoang vắng. Khu Thủ Thiêm bấy giờ được coi là khu người nghèo nên đất đai rất rẻ. Năm 2007, cầu Thủ Thiêm hoàn thành, cư dân từ Bình Thạnh bắt đầu di chuyển dần qua phía Q.2, nhưng vẫn chưa nhiều. Chỉ đến khi hầm vượt sông Sài Gòn (còn gọi là hầm Thủ Thiêm) chính thức thông xe, khu vực này mới bắt đầu bước sang trang mới. Hàng loạt dự án nhà ở cao cấp mọc lên thần tốc, đường sá được xây mới, mở rộng sạch đẹp… Từng bước hình thành khu đô thị vệ tinh mới phía đông.

Với việc thành lập TP.Thủ Đức, Thủ Thiêm chính thức lột xác từ vùng đầm lầy hoang sơ thành TP trực thuộc TP đầu tiên, là khu đô thị sáng tạo đầy tiềm năng. KTS Nguyễn Hoàng Mạnh, CEO và KTS chủ trì của Công ty MIA Design Studio, nhận xét: “Cầu Thủ Thiêm 2 cùng với cầu Thủ Thiêm 4 nếu triển khai theo đúng kế hoạch sẽ nối từ trung tâm cổ (cuối đường Nguyễn Huệ, giao với Tôn Đức Thắng) đến khu đô thị mới, mở không gian trung tâm đô thị, đột phá kinh tế TP.HCM”.

 

Loạt công trình hoàn thành chào mừng lễ 30.4

Sáng 26.4, đường song hành đại lộ Võ Văn Kiệt (Q.1) được thông xe sau gần một năm thi công xây dựng. Đây là tuyến đường mới, dài hơn 600 m, rộng 7 m, đi dưới cầu Calmette bên bờ kênh Tàu Hủ kết nối đường Nguyễn Thái Học đến Pasteur. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 70 tỉ đồng, giúp giải quyết tình trạng ùn tắc, mất an toàn cho giao lộ Võ Văn Kiệt – Ký Con.

Cùng ngày, dự án mở rộng đường Đặng Thúc Vịnh (tỉnh lộ 9, H.Hóc Môn) được đầu tư gần 700 tỉ đồng hoàn thành, đưa vào khai thác sau 4 năm triển khai. Đoạn nâng cấp dài hơn 5 km, mặt đường được mở rộng lên 30 m từ nút giao Tô Ký đến Lê Văn Khương, thuộc hai xã Đông Thạnh và Thới Tam Thôn.

Đến sáng qua (27.4), Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chính thức hoàn thành công tác tái lập, bàn giao lại TP mặt bằng đoạn 50 m từ ngã tư Lê Lợi – Pasteur đến ngã tư Lê Lợi – Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Sáng nay, cầu Thủ Thiêm 2 bắc qua sông Sài Gòn nối Q.1 và TP.Thủ Đức cũng được khánh thành, đưa vào khai thác sau 7 năm thi công. Cầu Thủ Thiêm 2 tổng chiều dài khoảng 1,4 km, trong đó phần cầu dài 886 m với 6 làn xe.

Đây là 4 công trình trọng điểm, được tăng tốc thi công hoàn thành trước 30.4 để chào mừng kỷ niệm 47 năm Ngày thống nhất đất nước (30.4.1975 – 30.4.2022).

HÀ MAI

TNO