Nhiều doanh nghiệp thắc mắc về hoá đơn, giảm thuế giá trị gia tăng
Nhiều doanh nghiệp thắc mắc về hoá đơn, giảm thuế giá trị gia tăng
Hơn 200 doanh nghiệp tại TP.HCM đã có buổi đối thoại với Cục Thuế TP.HCM vào sáng 27.4 với những nội dung xoay quanh hoá đơn, giảm thuế giá trị gia tăng…
Buổi đối thoại giữa Cục Thuế TP.HCM với các doanh nghiệp do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức đã tháo gỡ một số vướng mắc của các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện liên quan đến hóa đơn điện tử, giảm thuế giá trị gia tăng, gia hạn thuế, thuế thu nhập cá nhân…
Doanh nghiệp thắc mắc nhiều về hóa đơn điện tử NGỌC DƯƠNG |
Một số thắc mắc của doanh nghiệp xoay quanh hóa đơn điện tử (HĐĐT) như doanh nghiệp đủ điều kiện để áp dụng HĐĐT không theo mã xác thực của cơ quan thuế mà không được; ghi sai HĐĐT sẽ xử lý như thế nào; HĐĐT được xuất vào 8 giờ nhưng đến 12 giờ và 0 giờ, doanh nghiệp vẫn không nhận được mã xác thực của cơ quan thuế thì làm sao có hóa đơn để vận chuyển hàng trên đường…
Công ty TNHH xây dựng thương mại Hưởng Thanh Bình cho biết doanh nghiệp là công ty xây dựng, khai và đóng thuế giá trị gia tăng (GTGT) vãng lai 2% được cộng vào thuế GTGT. Trước đây nếu liên tục 3 tháng có thuế GTGT được trừ từ 300 triệu đồng trở lên, doanh nghiệp được hoàn thuế. Nhưng hiện nay không được hoàn mà vẫn phải nộp thuế GTGT vãng lai 2%. Từ tháng 2.2022, Nhà nước giảm thuế suất thuế GTGT một số mặt hàng để kích cầu tiêu dùng, trong đó có ngành xây dựng. Tuy nhiên, nguyên vật liệu đầu vào của ngành xây dựng khoảng 80% là mặt hàng có thuế suất 10%. Bên cạnh đó, đặc thù ngành xây dựng giá trị đầu vào, đầu ra cao. Thuế GTGT đầu ra 8% nhưng đầu vào 10%, coi như tồn thuế GTGT 2% đến ngày 1.1.2023 mới được khấu trừ.
“Trước tình hình thực tế, các công ty vừa và nhỏ như chúng tôi rất khó khăn. Do đó, chúng tôi kiến nghị rằng, nếu không cho chúng tôi hoàn thuế thì nên miễn nộp thuế vãng lai và ngược lại. Nếu đã kích cầu thì nên đồng bộ, chứ đầu vào 10% mà đầu ra 8% thì chúng tôi phải chịu đựng 2% trong thời gian dài, điều này làm cho tình hình tài chính của doanh nghiệp rất khó khăn”, đại diện doanh nghiệp nói. Phản hồi nội dung này, Cục Thuế TP.HCM cho biết, việc giảm thuế GTGT là để kích cầu, chỉ áp dụng 11 tháng trong năm 2022. Đối với doanh nghiệp xây dựng, đầu ra bao giờ cũng lớn hơn đầu vào. Chỉ trong trường hợp, giá thi công thấp hơn đầu vào thì mới được cấn trừ, còn lại thì không. Từ ngày 1.1.2022, thuế GTGT vãng lai là 1% trên giá trị công trình.
Đại diện Cục Thuế TP.HCM khẳng định, cơ quan thuế khuyến khích doanh nghiệp sử dụng HĐĐT có mã xác thực của cơ quan thuế. HĐĐT có mã của cơ quan thuế là hóa đơn được cơ quan thuế cấp mã trước khi tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi hóa đơn cho người mua với nhiều ưu điểm như đơn giản, đầy đủ, toàn vẹn, chính xác…. Theo Nghị định 123/2020 quy định về hóa đơn, chứng từ, doanh nghiệp được phép tạo HĐĐT có mã hay không có mã. Đối với HĐĐT không có mã, doanh nghiệp đăng ký với cơ quan thuế và có sự chấp nhận hay không. Các doanh nghiệp được cơ quan thuế chấp nhận mới được sử dụng hóa đơn không có mã. Trong trường hợp doanh nghiệp sử dụng HĐĐT có mã xác thực nhưng chưa được cấp có thể liên hệ với cơ quan thuế để tìm hiểu nguyên nhân.
THANH XUÂN
TNO