23/12/2024

‘Ép’ học sinh không thi lớp 10 sao cho đúng?

‘Ép’ học sinh không thi lớp 10 sao cho đúng?

Việc tư vấn, hướng nghiệp học sinh lựa chọn mô hình học tập sau THCS phù hợp và ép học sinh không được thi lớp 10 khi sức học trung bình, yếu là 2 hành động khác nhau nhưng lại rất khó phân biệt.

 

 

Đừng bao giờ nghĩ rằng học sinh yếu mới đi học nghề

Học sinh (HS) lớp 9 đang trong giai đoạn lựa chọn cho mình con đường học tập sau khi hoàn thành bậc THCS. Tại các trường THCS, giáo viên (GV) chủ nhiệm lớp 9 sẽ tư vấn, hướng nghiệp để HS chọn mô hình học tập phù hợp với năng lực, điều kiện gia đình.

Bà Đinh Thị Thiên Ân, Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Đa (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), đã mở đầu cho những chia sẻ về việc tư vấn, định hướng cho HS lớp 9 trong những ngày gần đây bằng một câu chuyện. “Nghe học trò nói mà đau lòng. Con đã gặp, níu tay cô hiệu trưởng: “Con muốn học nghề, mà giờ con nói ba mẹ không nghe, cô nói giùm để ba mẹ con nghe đi cô. Ba mẹ cứ bắt con học mà con học không có nổi cô ơi, con muốn đi học nghề, rồi đi làm!”, bà Thiên Ân kể.

'Ép' học sinh không thi lớp 10 sao cho đúng? - ảnh 1
Giáo viên chủ nhiệm thông báo, hướng dẫn phụ huynh về việc thi lớp 10 cho học sinh ở những năm trước  ĐÀO NGỌC THẠCH

Từ “cầu cứu” của HS, bà Thiên Ân cho rằng phải xử lý chữ “ép” bằng sự khéo léo, tận tâm, tận tình. Thầy cô trò chuyện, phân tích giải thích và không có bất cứ ràng buộc về đơn từ để phụ huynh phối hợp với nhà trường cùng định hướng con đường cho HS.

Tuy nhiên, bà Thiên Ân nhấn mạnh công tác tư vấn, định hướng phải thực hiện sao cho HS cảm thấy yên tâm bước tiếp, phụ huynh hiểu rằng nhà trường luôn vì lợi ích của HS chứ không phải vì lợi ích của nhà trường. GV phân tích cho phụ huynh hiểu tại sao HS nên rẽ sang các hướng học tập khác vì năng lực học tập, vì điều kiện kinh tế gia đình.

“Xin đừng bao giờ nghĩ rằng HS yếu mới đi học nghề. Suy nghĩ đó là sai vì nếu đã học yếu rồi mà đi học các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, học song song 2 chương trình vừa học văn hóa vừa học nghề thì trở thành nặng nề. Việc lựa chọn rẽ hướng phải phù hợp với điều kiện vì có những gia đình khó khăn khó có thể đi tiếp con đường THPT, đại học. Trong khi đó nếu rẽ lối vào trường nghề thì được giảm học phí, tốt nghiệp vừa có bằng nghề với trình độ 3/7, có thể đi làm và tiếp tục học liên thông”, bà Thiên Ân phân tích.

Về vấn đề này, ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học – Sở GD-ĐT TP.HCM, từng trao đổi với PV Thanh Niên, cho rằng HS có rất nhiều hướng lựa chọn sau khi kết thúc lớp 9. Các em có thể tiếp tục con đường học vấn ở các trường THPT tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên, học nghề…

“Đừng bao giờ nghĩ rằng chọn học nghề là không đủ năng lực vào THPT mà cần xem đây là việc chúng ta có thêm quyền chọn lựa. Đây là một lộ trình phù hợp với năng lực và xu hướng của xã hội”, ông Tân nhấn mạnh.

'Ép' học sinh không thi lớp 10 sao cho đúng? - ảnh 2
Tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh lớp 9 chuẩn bị thi lớp 10 tại TP.HCM  H.V.T

Định hướng sao cho đúng ?

Hiện nay chính sách phân luồng sau THCS là 70% HS học trường THPT công lập, 30% còn lại học các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, trung tâm giáo dục thường xuyên – giáo dục nghề nghiệp, trường ngoài công lập. Điều này thể hiện mục đích học tập suốt đời, học tập phù hợp theo năng lực, điều kiện gia đình hướng đến xóa bỏ tình trạng thừa thầy thiếu thợ.

Theo bà Thiên Ân, không phải HS yếu mới cần hướng nghiệp mà cả HS khá giỏi nhưng không có đủ điều kiện kinh tế cũng cần định hướng lựa chọn mô hình học tập thích hợp. GV là người hiểu HS nên phân tích định hướng đứng trên góc độ năng lực của HS.

Theo Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Đa, khi tư vấn hướng nghiệp phải chú ý đến cách thực hiện, không để HS hiểu nhầm là ép HS. Tuy nhiên, bà Ân cũng nhìn nhận lằn ranh giữa tư vấn, hướng nghiệp với việc ép HS lựa chọn con đường sau THCS khá mong manh. Thời gian gần đây, nhiều khi GV ngại dư luận nên không dám tư vấn.

“Trong buổi họp với GV chủ nhiệm lớp 9 mới đây, nhà trường vận động GV đừng nhìn hiện tượng mà buông trọng trách của mình. Nếu thầy cô buông tụi nhỏ, nhìn thấy học trò đặt nguyện vọng sai mà thầy cô không lên tiếng thì lương tâm của chính thầy cô có an?”, bà Ân tâm tư.

Còn bà Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Q.1, TP.HCM), thì chia sẻ việc tư vấn hướng nghiệp cần có định hướng, cung cấp cho phụ huynh nhiều góc nhìn, nhiều cách tiếp cận, còn chính phụ huynh là người ra quyết định.

Bà Minh Tâm quan niệm: “Tất cả HS đều có cơ hội như nhau và hãy tận dụng hết các cơ hội mà mình có được bằng sự cố gắng. Không nên và không được phép, tước đi của học sinh bất cứ cơ hội nào”.

Theo bà Trần Thúy An, Hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức (Q.1, TP.HCM), Phòng GD-ĐT Q.1 không lấy tỷ lệ HS trúng tuyển vào lớp 10 để đánh giá thi đua nên trường không có áp lực tỷ lệ vào lớp 10 phải cao. Nhưng nhà trường cũng vẫn có trách nhiệm với chất lượng giáo dục, tạo các cơ hội, mở các con đường để HS hiểu và nắm bắt.

BÍCH THANH

TNO