23/12/2024

Đừng để việc học trở thành gánh nặng cho trẻ

Đừng để việc học trở thành gánh nặng cho trẻ

Học tập rất quan trọng nhưng đừng khiến nó trở thành gánh nặng cho trẻ. Hãy luôn bên cạnh, quan tâm và tạo động lực để trẻ có thể học tập và rèn luyện tốt.

 

 

Đừng để việc học trở thành gánh nặng cho trẻ - Ảnh 1.

Phụ huynh động viên con trong kỳ thi tốt nghiệp THPT tại TP.HCM – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Trẻ em ngày nay phải đối diện với sự căng thẳng hơn bao giờ hết. Áp lực học tập ở trường, thi cử, điểm số cao hay thứ tự xếp hạng cao trong năm học, thời gian hoàn thành bài tập, các nhiệm vụ khác trong học tập, hoạt động xã hội, thể thao và nhiều hoạt động ngoại khóa khác.

Áp lực còn đến từ các mối quan hệ giữa các thành viên trong lớp, gia đình… dẫn đến tình trạng căng thẳng, lo lắng tăng cao hơn nhiều ở lứa tuổi học sinh.

Chỉ một lời hỏi thăm, động viên của phụ huynh sẽ khiến trẻ cảm thấy có thêm động lực và niềm vui trong học tập. Hãy quan tâm, chia sẻ nhiều hơn để giải tỏa áp lực học tập cho trẻ.

Biến áp lực thành động lực

Là cha mẹ, chúng ta không thể loại bỏ căng thẳng hoàn toàn cho trẻ mà chỉ nên cố gắng dạy con cách đối mặt với căng thẳng, vượt qua mọi khó khăn và sống thật hạnh phúc. Sự đồng hành của cha mẹ có thể giúp con biến áp lực thành động lực.

Để giúp con không cảm thấy bị áp lực, luôn học tập vui vẻ, hạnh phúc, xin được chia sẻ một số kinh nghiệm của bản thân tôi cùng các bậc phụ huynh:

Phân tích điểm mạnh của con để con phát huy. Mỗi một con người đều có khả năng nhất định. Tìm và phát huy đúng khả năng mình có mới là con đường đúng đắn để vươn tới thành công; động viên con luôn suy nghĩ mọi việc theo chiều hướng tích cực; cùng con xây dựng những kế hoạch nhỏ trong một mục tiêu lớn giúp con hình thành động lực.

Áp lực phải đạt mục tiêu đề ra đã được thay thế bằng quyết tâm. Nó không phải sức nặng do cha mẹ áp xuống mà là sức mạnh từ nội lực của con.

Khi con quyết định làm bất cứ việc gì, gợi mở cho con tính toán đến phương án xấu nhất có thể xảy ra để con suy nghĩ hướng giải quyết cho tình huống đó nếu nó thực sự xảy ra. Khi con đã có sự chuẩn bị trước, con sẽ không thấy lo lắng nữa.

Dạy con hiểu rằng học giỏi văn hóa không có nghĩa sau này sẽ trở thành người thành công. Nếu con không học giỏi văn hóa, con vẫn có thể theo đuổi đam mê của mình như âm nhạc, hội họa, khiêu vũ, thể thao…

Hãy cố gắng học tập, lĩnh hội tri thức, học tập đúng với năng lực và khả năng. Chỉ cần học bằng đam mê, con sẽ không cảm thấy áp lực, sẽ học giỏi môn đó và sẽ đạt được thành công nhất định.

Xã hội đều có phân công lao động, có người là nhà văn, nhà báo, họa sĩ, vũ công, diễn viên, ca sĩ, cầu thủ bóng đá, thì cũng có người là giáo viên, công an, bộ đội hay lái xe, bán hàng, giao hàng, dọn vệ sinh… Dù con làm công việc gì đi chăng nữa, hãy làm việc bằng cả trái tim và trở thành người có ích cho xã hội và con hoàn toàn có quyền tự hào về bản thân mình.

 

Luôn đồng hành cùng con

Cha mẹ nên lắng nghe con, để con nói ra tâm tư, suy nghĩ của mình về những rắc rối trong cuộc sống. Hãy là một người bạn luôn bên con để chia sẻ, trò chuyện, trao đổi với con về việc học tập, những khó khăn mà con đang trải qua, áp lực mà con đang chịu đựng.

Chia sẻ, cảm thông và động viên sẽ giúp trẻ cảm thấy giải tỏa phần nào áp lực, định hướng cho con có phương pháp học tập phù hợp hơn.

Ngoài ra, cha mẹ cũng nên học cách khen con kịp thời khi thấy con tiến bộ, thay đổi. Điều đó cho con niềm tin để vượt lên bản thân mình. Đồng thời học cách động viên con bằng những cái ôm, lời động viên, hay đơn giản là một cái đập tay cổ vũ cũng giúp các em có thêm động lực để cố gắng vào lần sau.

Dạy con kỹ năng giải quyết vấn đề và xử lý tình huống. Dạy con là cả một quá trình từ khi thai nghén cho đến lúc con trưởng thành. Mỗi giai đoạn phát triển, con bạn sẽ cần được trang bị những kỹ năng sống khác nhau.

Một trong những kỹ năng quan trọng ảnh hướng lớn đến tương lai của trẻ chính là kỹ năng nhận biết và giải quyết vấn đề. Cha mẹ cần giúp con xác định mục tiêu, xác định nguồn lực, rèn luyện kỹ năng tìm kiếm và kiểm chứng thông tin cho con, dạy con cách phân tích tình huống và lựa chọn hướng giải quyết.

 

Vui chơi sau giờ học

Nên cân bằng giữa việc học tập và giải trí, cho trẻ được nghỉ ngơi, vui chơi sau giờ học để giải tỏa căng thẳng và mệt mỏi bằng cách khuyến khích con tham gia các hoạt động ngoại khóa.

Tham gia hoạt động ngoại khóa cùng bạn bè vừa giúp trẻ nâng cao thể lực, vừa giúp giải tỏa căng thẳng trong học tập. Thư giãn sau khoảng thời gian học sẽ giúp trẻ cân bằng lại thể chất và tinh thần, đầu óc được thả lỏng.

 

Bài học quý từ trải nghiệm

Học tập rất quan trọng nhưng đừng khiến nó trở thành gánh nặng cho trẻ. Hãy luôn bên cạnh, quan tâm và tạo động lực để trẻ có thể học tập và rèn luyện tốt. Cha mẹ hãy truyền cho con động lực và dạy con kỹ năng giải quyết vấn đề, vượt qua vấn đề của bản thân và rút ra được nhiều bài học quý giá từ chính những trải nghiệm của mình.

Tôi tin rằng nếu các bậc phụ huynh có thể làm tốt những điều trên, áp lực của các con sẽ giảm dần và bọn trẻ sẽ hạnh phúc hơn nhiều.

TS VŨ THỊ MINH HUYỀN (Học viện Y – dược học cổ truyền Việt Nam)
TTO