Dù TP.HCM có 6 tuyến metro, 70% người dân vẫn chọn đi xe máy
Dù TP.HCM có 6 tuyến metro, 70% người dân vẫn chọn đi xe máy
Đó là một trong những thực trạng được PGS-TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển GTVT Việt Đức nêu tại buổi tọa đàm “Xe máy – Metro – Những thách thức trong giao thông” do Viện Pháp tại Việt Nam tổ chức.
Theo PGS-TS Vũ Anh Tuấn, trong 20 năm từ 1995 – 2016, số lượng xe máy tại Việt Nam tăng khoảng 13 lần. Đáng chú ý, dù thu nhập của người dân ngày càng tăng, các hộ gia đình có nhu cầu mua ô tô nhưng cũng không bán xe máy. Đây là thách thức gấp đôi đối với việc phát triển giao thông công cộng (GTCC) của Việt Nam.
Rẻ, nhanh, linh động = xe máy
Trong 10 yếu tố được đặt ra để lựa chọn phương tiện di chuyển, xe máy chiếm trọng ưu thế ở 3 yếu tố: rẻ, nhanh, linh động. Đặc biệt, trong bối cảnh hệ thống đường xá hiện còn hạn chế, tính linh động làm cho xe máy trở thành phương tiện nổi trội hơn hẳn các phương thức di chuyển khác.
Nghiên cứu được Trung tâm nghiên cứu và phát triển GTVT Việt Đức thực hiện năm 2018, dựa trên kết quả khảo sát 2.000 người ở 6 đô thị lớn của Việt Nam cho kết quả: Giả định, đến 2030, nếu mạng lưới GTCC của thành phố phát triển theo đúng quy hoạch, khoảng 50 – 60% người dân chọn xe máy. Đặc biệt, vẫn có tới 70% người dân vẫn “bỏ phiếu” cho xe máy dù TP.HCM phát triển được mạng lưới đường sắt đô thị theo đúng quy hoạch đến 2030 – tức có 6 tuyến metro.
“Điều đó chỉ ra một thực tế rằng kể cả với mạng lưới GTCC phát triển theo đúng quy hoạch, xe máy vẫn là phương thức chủ đạo trong tương lai. Vì thế, người làm chính sách phải nhìn nhận xe máy một cách đa chiều để có những phương án thích hợp” – TS Vũ Anh Tuấn nhìn nhận.
Sở GTVT TP.HCM vừa gửi UBND TP đề xuất thực hiện lập dự án thu phí xe ô tô vào nội đô, chính thức khởi động đề án siết xe cá nhân, phát triển GTCC CAO AN BIÊN |
Tận dụng xe máy “gom” khách cho metro ?
PGS-TS Vũ Anh Tuấn phân tích: Trên 1 làn đường, xe máy có thể chở được 8.000 hành khách/giờ, xe buýt chở hơn 4.000 khách, BRT (xe buýt nhanh) có thể vận chuyển gần 10.000 người và MRT (metro) là 38.500. Nếu đến năm 2024, tuyến metro số 1 của TP.HCM vận hành mà không có hệ thống xe buýt gom thì chỉ có thể thu hút được 68.000 hành khách/ngày. Nếu có xe buýt gom dọc tuyến, có thể tăng lên thêm khoảng 100.000 hành khách/ngày, tương đương 62%. Tuy vậy, hệ thống hạ tầng hạn chế, để đáp ứng đủ cho số lượng xe buýt hoàn thành nhiệm vụ gom khách là khó khả thi.
Do đó, có thể tận dụng xe máy với lợi thế hiệu quả về mặt không gian để đóng vai trò gom khách cho đường sắt đô thị. Loại hình này có thể phục vụ các chuyến đi ngắn, ở tốc độ thấp, đảm bảo an toàn cho người dùng.
“Với TP.HCM, chỉ hình thành 6 – 7 tuyến metro là chưa đủ. Khoảng cách xa, việc di chuyển giữa các nhà ga bất tiện, cần phải có phương thức chia sẻ tăng khả năng tiếp cận của người dân từ nhà đến các ga tàu điện. Cần bố trí nhiều loại hình như ô tô điện, xe đạp điện, xe máy điện, xe buýt… để gom khách, kết nối dọc tuyến metro. Đây chính là đôi chân nối dài của GTCC, giúp giảm thiểu ô nhiễm, giảm sử dụng xe cá nhân trong tương lai” – TS Vũ Anh Tuấn nhấn mạnh.
TS Vũ Anh Tuấn phát biểu tại Tọa đàm G.M |
Dù vậy, ông Vũ Anh Tuấn vẫn lưu ý sử dụng xe cá nhân là thói quen cố hữu của người Việt, nên không thể trông chờ GTCC tốt lên là người dân sẽ tự động chuyển qua sử dụng. Để thực hiện được mục tiêu giảm phương tiện cá nhân, TP.HCM nói riêng cũng như các đô thị lớn tại VN nói chung phải từng bước có chính sách kiểm soát, giảm số lượng xe máy trong dài hạn.
Đơn cử, trong 5 năm tới, tăng cường các quy định nhằm bảo đảm an toàn sử dựng xe máy, thay đổi các phương thức điều tiết giao thông, khống chế đỗ xe máy trái phép trên vỉa hè…
10 năm tới, tiếp tục đưa chính sách, quy định nhằm tăng chi phí sử dụng xe máy, phản ánh đúng chi phí xã hội mà phương tiện này gây ra. Đồng thời, tăng cường các tuyến xe điện, xe buýt nhanh, mở rộng mạng lưới xe buýt hiện nay, khuyến khích người dân chuyển đổi từ phương tiện cá nhân sang sử dụng GTCC.
15 năm tiếp theo, có thể hình dung hàng tỉ USD đã được đầu tư cho GTCC, trong đó có phát triển toàn diện mạng lưới metro để hình thành khung đô thị, thúc đẩy người dân chuyển từ xe máy sang metro, đặc biệt khi đi làm và đi học hằng ngày. Khi đó, hàng loạt các chính sách sẽ được áp dụng mạnh mẽ, triệt tiêu toàn bộ lợi ích của xe máy như tăng phí đăng ký, tăng phí bảo trì đường bộ, kiểm soát mạnh việc đỗ xe, nâng phí đỗ xe, đánh phí ùn tắc vào khu vực trung tâm với xe máy…
Tại tọa đàm, một số chuyên gia đến từ Pháp cũng nêu các bài học phát triển GTCC từ một số quốc gia phát triển và chỉ ra rằng GTCC, bao gồm metro, xe buýt, xe đạp công cộng và các phương tiện sạch cần được đặt lên hàng đầu trong các chiến lược đầu tư hạ tầng của các nước, trong đó có Việt Nam.
HÀ MAI
TNO