22/01/2025

Chính sách cộng điểm ưu tiên tuyển sinh: Không nên có nhiều khu vực

Chính sách cộng điểm ưu tiên tuyển sinh: Không nên có nhiều khu vực

Theo nhiều nhà chuyên môn, chính sách cộng điểm ưu tiên tuyển sinh hiện đã lạc hậu, cần phải thay đổi. Tuy nhiên, thay đổi như thế nào thì Bộ GD-ĐT cần có căn cứ đủ sức thuyết phục dư luận xã hội.

 

 

Nên thu hẹp khu vực ưu tiên

Nhiều cán bộ có kinh nghiệm lâu năm về tuyển sinh của các trường ĐH cho rằng đã đến lúc Bộ xem lại tổng thể các quy định về ưu tiên tuyển sinh, gồm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng, đặc biệt là với ưu tiên khu vực, để tránh việc mỗi kỳ xét tuyển nhiều thí sinh (TS) phải chịu ấm ức liên quan tới việc cộng điểm ưu tiên.

Theo PGS Nguyễn Thanh Chương, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải, cộng điểm ưu tiên cho TS thuộc các nhóm thiệt thòi là một chính sách vốn dĩ gắn với kỳ thi tuyển sinh ĐH, việc phân chia khu vực 1, 2, 3 (về sau có thêm khu vực 2 nông thôn) căn cứ vào bối cảnh xã hội từ cách đây 30 – 40 năm. Trong khi đó, khoảng hơn chục năm nay, quá trình đô thị hóa mạnh mẽ ở hầu hết mọi vùng miền trong cả nước khiến cho điều kiện học tập của các nơi đã được cân bằng. Các đô thị mới phát triển ngày càng nhanh, nông thôn giờ cũng đã được đổi mới, văn minh lên rất nhiều. Nhiều nơi miền ngược cũng đã tiến kịp miền xuôi.

Chính sách cộng điểm ưu tiên tuyển sinh: Không nên có nhiều khu vực - ảnh 1
Học sinh H.Di Linh (Lâm Đồng) trong một chương trình tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên  ĐÀO NGỌC THẠCH

“Mình vẫn giữ cách phân chia khu vực như mấy chục năm về trước là không hợp lý. Ngay cả mức điểm ưu tiên khu vực mà TS đang được hưởng có hợp lý hay không (diện ưu tiên thấp nhất được cộng 0,25 điểm, tối đa 0,75 điểm) cũng phải bàn. Nếu Bộ đã muốn làm lại quy chế để sử dụng ổn định lâu dài thì nên làm lại việc phân chia khu vực, còn nếu chưa làm được thì nên chấp nhận việc để các quy định về ưu tiên như quy chế cũ”, PGS Chương đề xuất.

PGS Nguyễn Viết Thái, Trưởng phòng Đối ngoại và truyền thông, Trường ĐH Thương mại, cũng đồng tình với quan điểm trên. PGS Thái phân tích: “Việc chia khu vực như hiện nay là không hợp lý. Ngày nay, khoảng cách về điều kiện học tập giữa TP với nông thôn cũng không quá xa nhau. Thậm chí, ngay cả nhiều trường THPT tuy thuộc khu vực 2 nông thôn nhưng điểm thi của TS các trường đó có khi còn cao hơn điểm trung bình chung của HS TP. Vì thế, vẫn giữ điểm ưu tiên khu vực nhưng nên phân khu vực lại cho phù hợp hơn. Chỉ nên phân thành 2 nhóm, nhóm không được ưu tiên, nhóm được ưu tiên. Nhóm được ưu tiên nên khoanh vào những xã thuộc vùng 135, vùng đặc biệt khó khăn”.

Việc chia khu vực như hiện nay là không hợp lý. Ngày nay, khoảng cách về điều kiện học tập giữa TP với nông thôn cũng không quá xa nhau. Thậm chí, ngay cả nhiều trường THPT tuy thuộc khu vực 2 nông thôn nhưng điểm thi của TS các trường đó có khi còn cao hơn điểm trung bình chung của HS TP. Vì thế, vẫn giữ điểm ưu tiên khu vực nhưng nên phân khu vực lại cho phù hợp hơn.

PGS Nguyễn Viết Thái, Trưởng phòng Đối ngoại và truyền thông, Trường ĐH Thương mại

Tiến sĩ Lê Ngọc Hoàn, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Lâm nghiệp, cho rằng điểm ưu tiên thực sự chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm TS nhỏ, gồm những TS có nguyện vọng vào các ngành hoặc các trường có tính cạnh tranh cao. Còn với đa số TS vào những trường ĐH tốp giữa hoặc tốp dưới thì thực chất điểm ưu tiên ít ý nghĩa. “Nhiều trường hiện nay xét học bạ, mà điểm học bạ nói chung là cao, nên việc được ưu tiên khu vực chưa đến 1 điểm (từ 0,25 – 0,75) thực chất không giải quyết được vấn đề gì. Nhưng trên bình diện chung, để đảm bảo sự công bằng trong toàn hệ thống, Bộ GD-ĐT cũng nên xem xét lại để có chính sách thỏa đáng về vấn đề này”, tiến sĩ Hoàn nhận xét.

 

Đã ưu tiên đối tượng có cần ưu tiên khu vực ?

Theo tiến sĩ Lê Đông Phương, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục ĐH, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, các trường THPT thường được bố trí ở những địa điểm trung tâm hoặc có điều kiện khá nhất trong huyện/quận/thị trấn, nên việc chia khu vực cần được cân nhắc. Còn các khó khăn về điều kiện kinh tế của TS, về cơ bản sẽ được xử lý bởi ưu tiên về đối tượng. Một vấn đề cần quan tâm là học sinh (HS) một số trường chuyên hay dân tộc nội trú đã được ưu đãi nhiều hơn HS các trường THPT bình thường, vậy có cần ưu tiên khu vực cho HS các trường này hay không?

Tiến sĩ Nguyễn Việt Cường, Trường Quốc tế, ĐH Quốc gia Hà Nội, một chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu chính sách, cho rằng về mặt lý thuyết những nơi có điều kiện kinh tế kém hơn thì việc tiếp cận điều kiện giáo dục của người dân cũng sẽ kém hơn, nên những HS ở các khu vực có điều kiện kinh tế kém hơn được ưu tiên cộng điểm khi xét tuyển ĐH cũng là hợp lý. Tuy nhiên, sau khi xem xét nội dung quy chế tuyển sinh ĐH những năm trước và dự thảo quy chế năm nay, ông nhận thấy có nhiều TS được hưởng đồng thời 2 ưu tiên: Khu vực (tối đa 0,75 điểm) và đối tượng (tối đa 2 điểm).

“Có lẽ Bộ nên xem xét lại về quy định này. Nên chăng chỉ cho phép mỗi TS chỉ được hưởng một ưu tiên cao nhất, thay vì đồng thời được cộng điểm gộp cả 2 loại ưu tiên như hiện nay”, ông Cường đề xuất.

Phao cứu sinh cho nhiều thí sinh trúng tuyển ngành cạnh tranh cao

Ông Hoàn cũng nêu ý kiến: “Theo tôi, vẫn nên ưu tiên theo khu vực, nhưng thu hẹp lại. Ví dụ gộp khu vực 2 với 3, đều không được ưu tiên. Còn khu vực 2 nông thôn vẫn nên ưu tiên, vì nhiều nơi vẫn còn điều kiện khó khăn. Về mức điểm ưu tiên thì cũng nên điều chỉnh, nếu Bộ nhận thấy điều kiện học hành của các vùng đã được cải thiện đáng kể. Thực tế cho thấy điều kiện học hành của khu vực 1 giờ cũng khác ngày xưa, cả nhà nước và gia đình đều đã ưu tiên đầu tư cho học hành của các cháu. Vì thế, thay vì khu vực 1 được ưu tiên 0,75 điểm thì có thể hạ xuống 0,5 điểm; khu vực 2 NT từ 0,5 hạ xuống 0,25 điểm”.

PGS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cũng cho biết hầu hết TS trúng tuyển vào Trường ĐH Bách khoa đều có điểm ưu tiên (mỗi khóa trúng tuyển 7.000, chỉ có khoảng 1.600 – 1.700 Hà Nội, nhưng trong số TS Hà Nội nhiều em thuộc diện khu vực 2, khu vực 2 NT) nhưng số TS cần đến điểm ưu tiên để trúng tuyển chủ yếu tập trung vào một số ngành có điểm chuẩn cao (từ 26 – 27 điểm trở lên).

Nhưng ở các ngành điểm cao đó, TS có điểm ưu tiên thực sự đã “hạ gục” ngoạn mục những TS không có điểm ưu tiên, hoặc điểm ưu tiên thấp hơn. “Có ngành lấy 28,1 điểm, nếu hạ xuống 28,05 điểm là gay go vì thừa nhiều chỉ tiêu. Nghĩa là chỉ chênh nhau 0,05 điểm thôi đã là người trượt kẻ đỗ, trong khi với những em có điểm ưu tiên thì mức cộng tối thiểu là 0,25 điểm”, PGS Điền chia sẻ.

 

Không nên thay đổi theo cảm tính

Theo PGS Nguyễn Phong Điền, chính sách hướng tới việc tạo sự công bằng giữa các vùng miền, do sự chênh lệch về điều kiện giáo dục, là chủ trương đúng đắn. Nhưng điều đáng ngại hiện nay là nội dung này (và nhiều nội dung khác trong tuyển sinh) kế thừa từ các chính sách trước đây, trong khi cơ sở khoa học và thực tiễn của các chính sách đó với hiện nay là như thế nào thì chưa ai chỉ được ra một cách rõ ràng. Nhưng thay đổi thế nào thì khó vì chưa có căn cứ khoa học hay thực tiễn nào, thành thử không có lý giải thỏa đáng nào về việc tại sao lại có bấy nhiêu khu vực, tại sao lại được ưu tiên từng đó điểm!

PGS Điền kiến nghị: “Hiện tại thì cứ để như cũ về mức điểm ưu tiên. Thay vì lấn cấn việc thu hẹp khoảng cách điểm ưu tiên mà không có giải thích thỏa đáng thì có thể tính đến việc thu hẹp khu vực. Hiện tại ranh giới giữa các khu vực không còn rõ ràng, khoảng cách về điều kiện sống giữa thành thị với nông thôn không quá xa nhau”.

PGS Phạm Thu Hương, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, cũng cho rằng việc phân chia khu vực như thế nào cho phù hợp thì không thể làm một cách cảm tính. Bộ cần có một báo cáo khảo sát chi tiết, trong đó nêu cụ thể điều kiện giáo dục ở các trường THTP, để từ đó làm căn cứ phân chia trường nào thuộc khu vực nào. “Việc rà soát, đánh giá này nhằm đảm bảo sự tiếp cận bình đẳng về giáo dục chất lượng. Hiện nay, ngành GD-ĐT đã có tiêu chí, có các chuẩn để đánh giá việc này từ phổ thông cho lên tới ĐH”, PGS Hương nói.

QUÝ HIÊN

TNO