23/11/2024

Biển Đông giữa nỗi lo leo thang quân sự

Biển Đông giữa nỗi lo leo thang quân sự

Giữa bối cảnh chi tiêu quân sự tăng lên mức chưa từng có, Biển Đông cũng đứng trước rủi ro khi Trung Quốc tăng cường hoạt động quân sự.

 

 

Hôm qua (29.4), tờ South China Morning Post dẫn lời đô đốc Michael M.Gilday, chỉ huy tác chiến hải quân Mỹ, nhận định quân đội Trung Quốc đang có sự phát triển đột biến khiến cho Mỹ cần phản ứng phù hợp.

Biển Đông giữa nỗi lo leo thang quân sự - ảnh 1
Chiến hạm Trung Quốc trong một cuộc tập trận ở Biển Đông  TÂN HOA XÃ

Ứng phó mối đe doạ từ Bắc Kinh

Tương tự, ngày 28.4, CNBC dẫn lời chuyên gia Nan Tian, thuộc Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) ở Thụy Điển, cảnh báo việc Trung Quốc liên tục có nhiều hành động gây quan ngại ở khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông khiến các nước trong khu vực trong những năm gần đây, đã đẩy mạnh trang bị khí tài nhằm ứng phó rủi ro.

Những năm gần đây, Trung Quốc liên tục tăng cường hiện diện quân sự và đẩy mạnh kiểm soát ở khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông lẫn eo biển Đài Loan. Trong đó, mỗi khi tiếp cận eo biển Đài Loan, Trung Quốc đại lục thường xuyên điều động không quân áp sát quần đảo Đông Sa (Pratas) ở phía bắc Biển Đông.

Theo công bố do SIPRI đưa ra vào ngày 25.4, chi tiêu quân sự toàn cầu trong năm 2021 vượt mức 2.000 tỉ USD, cụ thể khoảng 2.100 tỉ USD. Đây là mức cao nhất chưa từng có. Theo đó, trong năm 2021, Mỹ chi tiêu cho quân sự ở mức 801 tỉ USD, giảm 1,4% so với năm 2020. Xếp thứ 2 là Trung Quốc với mức chi khoảng 293 tỉ USD, tăng 4,7% so với năm 2020. Đây là năm thứ 27 liên tiếp Trung Quốc gia tăng chi tiêu quân sự.

Việc này được cho là thúc đẩy các nước trong khu vực tăng theo. Cụ thể, theo SIPRI thì trong năm 2021, chi tiêu của Nhật Bản tăng 7,3% lên thành 54,1 tỉ USD, Hàn Quốc tăng 4,7% lên 50,2 tỉ USD, Úc tăng 4% lên 31,8 tỉ USD, trong khi Ấn Độ tăng 0,9% lên 76,6 tỉ USD. Việc các nước tăng cường vũ trang là xu thế diễn ra trong những năm qua. Điển hình, theo CNBC, Mỹ năm 2020 đã thông qua hợp đồng trị giá 23 tỉ USD để cung ứng chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình F-35 cho Nhật Bản. Đầu năm nay, Tập đoàn Northrop Grumman đã chuyển giao đơn hàng máy bay không người lái Global Hawk cho Nhật Bản. Sắp tới, dự kiến vào năm 2026, Singapore cũng tiếp nhận chiến đấu cơ F-35 từ Mỹ.

 

Leo thang với chiến đấu cơ tàng hình

Thực tế, Trung Quốc mới đây đã điều động chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình J-20 tuần tra Biển Đông và biển Hoa Đông. Trả lời Thanh Niên về diễn biến này, ông Greg Poling, Giám đốc chương trình AMTI – Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), cho rằng việc chiến đấu cơ J-20 của Trung Quốc hiện diện ở Biển Đông là một diễn biến quan trọng. Cụ thể, ông Poling lo ngại: “J-20 là chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình, nên về nguyên tắc thì chiếm ưu thế hơn các dòng chiến đấu cơ thế hệ 4 mà các nước quanh Biển Đông đang sử dụng dù đây là các lực lượng không quân tốt nhất ở Đông Nam Á”.

Trung Quốc phản ứng về cảnh báo của thủ tướng Úc

Tờ South China Morning Post hôm qua đưa tin Bộ Quốc phòng Trung Quốc chỉ trích Úc về việc phản đối hiệp ước an ninh giữa Trung Quốc và quần đảo Solomon, nói rằng Canberra không có quyền đặt ra bất kỳ “lằn ranh đỏ” nào. Trước đó, Thủ tướng Úc Scott Morrison ngày 24.4 nói rằng việc Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự ở Solomon sẽ là “lằn ranh đỏ” đối với Úc và Mỹ. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Đàm Khắc Phi còn khẳng định cuộc đàm phán về việc xây dựng một căn cứ hải quân trên Solomon là “tin giả”, cáo buộc Úc cố tình bóp méo sự thật và gây căng thẳng. Trong khi đó, dù chưa rõ nội dung chi tiết, hiệp ước an ninh nói trên được cho là có thể giúp Bắc Kinh thiết lập căn cứ quân sự tại nam Thái Bình Dương.

 

Minh Trung

Cũng trả lời Thanh Niên, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp – Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy tại Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) nhận định việc Trung Quốc đưa chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình đến Biển Đông và biển Hoa Đông sẽ khiến các nước trong khu vực tìm cách đẩy nhanh tiến độ nâng cấp phòng không, mở rộng huấn luyện phòng không và thay đổi biện pháp để đối phó mối đe dọa từ Bắc Kinh.

 

Trung Quốc củng cố tham vọng

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục đẩy mạnh ngân sách quốc phòng. Vừa qua, tờ Hoàn Cầu thời báo đưa tin Trung Quốc vừa công bố tăng ngân sách quốc phòng năm 2022 lên 7,1%, đạt mức 1.450 tỉ nhân dân tệ (tương đương 230 tỉ USD). Mức tăng này ít hơn so với mức 8,1% của năm 2018 và 7,5% của năm 2019, nhưng cao hơn năm 2020 (6,6%) và năm 2021 (6,8%).

Nhận định về động thái này khi trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao cho rằng việc Trung Quốc đã tăng ngân sách quốc phòng thêm 7,1% trong năm nay cho thấy Bắc Kinh tiếp tục theo đuổi tham vọng lâu nay. Hiện tại, chi tiêu quân sự của Trung Quốc là số 2 thế giới sau Mỹ. Và ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific), chi tiêu quân sự của Trung Quốc lớn hơn nhiều so với bất kỳ nước láng giềng nào khác.

Ngoài ra, theo báo cáo của SIPRI, Trung Quốc đã tăng chi tiêu quân sự lên 76% trong giai đoạn 2011 – 2020, bất chấp việc Mỹ giảm 10%. Tổng ngân sách quốc phòng của Mỹ năm 2022 tăng 2% so với năm 2021, nên Trung Quốc cũng tăng chi tiêu quân sự với tốc độ nhanh để bắt kịp Mỹ. Vì thế, các nước ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương lo ngại về tham vọng của Trung Quốc.

Yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa

Ngày 29.4, trả lời về phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trong 3 tháng tại Biển Đông, trong đó có vùng biển của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định, một phần của lệnh cấm vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.

Bà Hằng nêu rõ: Lập trường của Việt Nam đối với lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông là nhất quán, được khẳng định rõ trong những năm qua. Theo đó, một phần phạm vi của lệnh cấm đánh bắt cá đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác định theo Công ước của LHQ về luật Biển năm 1982, Hiệp định phân định vịnh Bắc bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc ký năm 2000.

“Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình khi triển khai các biện pháp bảo tồn nguồn tài nguyên sinh vật ở khu vực Biển Đông, không làm phức tạp tình hình, đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định, trật tự ở khu vực Biển Đông”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh.

Lê Hiệp

HOÀNG ĐÌNH

TNO