Trung Quốc muốn hàn gắn với các quốc gia Trung và Đông Âu

Trung Quốc muốn hàn gắn với các quốc gia Trung và Đông Âu

Việc Trung Quốc tránh không chỉ trích cũng như lên án Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến uy tín và vị thế của Bắc Kinh tại các quốc gia vừa và nhỏ đang bị sứt mẻ nghiêm trọng, đặc biệt là các quốc gia Trung và Đông Âu (CEEC).

 

 

Trung Quốc muốn hàn gắn với các quốc gia Trung và Đông Âu - Ảnh 1.

Cuộc họp thượng đỉnh Trung Quốc – CEEC năm 2021 diễn ra theo hình thức trực tuyến – Ảnh: MERICS\

Các quốc gia này – nằm gần biên giới và từng chia sẻ lịch sử với cả Nga và Ukraine – hiện nay đang cảm thấy an ninh của họ đang bị Nga đe dọa nghiêm trọng. CEEC cảm thấy thất vọng khi Trung Quốc không lên tiếng ủng hộ Ukraine, đồng thời lo sợ họ có thể gặp chung số phận như Ukraine trong tương lai.

 

Vai trò quan trọng của CEEC

Trung Quốc không muốn hy sinh mối quan hệ với CEEC vì chỉ quan điểm ngoại giao của mình về xung đột ở Ukraine. Một phái đoàn Trung Quốc do một nhà ngoại giao kỳ cựu Hoắc Ngọc Trân dẫn đầu đến thăm 8 nước CEEC bao gồm: Cộng hòa Czech, Slovakia, Hungary, Croatia, Slovenia, Estonia, Latvia và Ba Lan trong tuần qua.

Mối quan hệ đối tác Trung Quốc – CEEC đang đứng trước thách thức to lớn. Bắc Kinh tuyên bố vẫn duy trì quan hệ kinh tế bình thường với Matxcơva bất chấp việc các nước khác áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế, trong khi một số quốc gia CEEC hiện nay là đầu ngõ để phương Tây chuyển vũ khí viện trợ cho chính quyền Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Đoàn ngoại giao của bà Hoắc được Chính phủ Trung Quốc kỳ vọng sẽ giải thích lập trường của Trung Quốc đối với vấn đề xung đột Ukraine, bác bỏ thông tin sai lệch và làm rõ những hiểu lầm mà theo Trung Quốc là do phương Tây mang lại.

Tuy nhiên, tham vọng lớn hơn cả là Trung Quốc đặt một chân vào “cửa sau” của Liên minh châu Âu (EU) để tạo một nhóm quốc gia thân thiện với Trung Quốc ngay trong lòng châu Âu. Vấn đề là hiện nay cơ chế này hiện nay đang gặp lung lay khi các quốc gia CEEC đang mất niềm tin vào Trung Quốc.

Hầu hết các quốc gia CEEC đều là thành viên của EU và khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO). Mặc dù không có nhiều tiếng nói về kinh tế nhưng các quốc gia này lại giữ vai trò trong các cuộc bỏ phiếu quan trọng của EU và NATO vốn hoạt động trên nguyên tắc đồng thuận.

Một lá phiếu chống từ một quốc gia CEEC tại các thể chế đa phương tại châu Âu có thể khiến các cuộc biểu quyết trở nên vô hiệu. Chính quyền của Thủ tướng Hungary Viktor Orban thường xuyên được coi là thân thiện với Trung Quốc và Budapest đã từng ngăn chặn các tuyên bố của EU đối với vấn đề Hong Kong.

Năm 2022 cũng đánh dấu kỷ niệm 10 năm thành lập cơ chế hợp tác giữa Trung Quốc và 16 nước CEEC (16+1). Cơ chế này được thành lập vào năm 2012 tại Budapest nhằm thúc đẩy sáng kiến Vành đai con đường (BRI) của Trung Quốc và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải và hậu cần, thương mại và đầu tư của “16+1”.

Nguy cơ đổ vỡ

Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã gia tăng ảnh hưởng kinh tế và chính trị ở khu vực Trung và Đông Âu thông qua sáng kiến BRI với các khoản đầu tư nhằm thúc đẩy thương mại song phương và cơ sở hạ tầng địa phương, cũng như là thị trường lớn cho hàng hóa của các quốc gia CEEC.

Tuy nhiên, trong hai năm qua uy tín của Trung Quốc đã sụt giảm sau khi đại dịch COVID-19 khởi phát từ Trung Quốc đã khiến chính sách đối ngoại của các quốc gia CEEC hướng về châu Âu nhiều hơn.

Mối quan hệ “không có giới hạn” Trung – Nga trong bối cảnh các quốc gia CEEC lên tiếng chỉ trích Nga trong cuộc xung đột Ukraine được coi là chất xúc tác thúc đẩy chính sách đối ngoại của CEEC ngày càng rời xa Trung Quốc. Điều này có thể khiến sự sụp đổ của cơ chế hợp tác đa phương Trung Quốc – CEEC (16+1) ngày càng gần.

Ngoài ra, các hấp lực kinh tế của Trung Quốc không còn như trước. Các dự án của sáng kiến BRI không mang lại lợi ích như kỳ vọng.

Do đó ngoài mục tiêu thông tin về quan điểm của Trung Quốc, một mục tiêu khác của đoàn Trung Quốc là tránh để các quốc gia CEEC không còn cảm thấy lợi ích trong mối quan hệ với Trung Quốc và tạo ra một sự kích hoạt mang tính dây chuyền hạ cấp mối quan hệ song phương, ảnh hưởng chính sách một Trung Quốc.

Năm 2021, Lithuania đã rời khỏi cơ chế hợp tác Trung Quốc – CEEC và nâng cấp mối quan hệ với Đài Loan. Một trường hợp nữa có thể xảy ra là Cộng hòa Czech. Khi Tổng thống Miloš Zeman, người có mối quan hệ thân thiết với Bắc Kinh, nghỉ hưu vào cuối năm nay, chính quyền Praha có khả năng thực hiện một động thái tương tự như Lithuania và đổi tên văn phòng Đài Bắc ở Praha thành “Đài Loan”. Cộng hòa Czech là một nền kinh tế lớn hơn Litva nhiều.

Nhìn chung, chuyến đi của bà Hoắc Ngọc Trân trải dài tới 8 nước trong một thời gian ngắn khó mà mang lại kết quả như kỳ vọng khi cuộc xung đột Nga – Ukraine đã kéo dài 2 tháng. Trận chiến thông tin không chỉ dựa trên những mối quan hệ xưa cũ của bà Hoắc Ngọc Trân ở châu Âu, mà nó dựa trên những gì xảy ra trên thực địa cũng như cảm nhận của các nước nằm cạnh Nga – Ukraine.

 

Nhà ngoại giao kết hợp học giả

Mục đích của Trung Quốc có thể nhìn thấy rõ ràng qua thành phần đoàn ngoại giao. Bà Hoắc Ngọc Trân (trưởng đoàn) là người rất thông hiểu về Đông Âu, từng làm đại sứ tại Cộng hòa Czech từ năm 2006 – 2010 và Romania từ năm 2011 – 2015.

Ngoài ra, giáo sư Lưu Tác Khuê, nghiên cứu viên cao cấp về các nghiên cứu châu Âu tại Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc (CASS), cũng tham gia đoàn, dẫn dắt nhóm học giả.

Chính quyền Trung Quốc muốn sử dụng những người có kiến thức sâu về CEEC để tác động không chỉ giới chính trị mà còn cả giới học giả ở các nước sở tại nhằm giành lại vị thế trong cuộc chiến thông tin về quan điểm của Trung Quốc đối với Nga và Ukraine.

TS NGUYỄN THÀNH TRUNG
TTO