23/01/2025

Thí sinh tự do có nên được cộng điểm ưu tiên khu vực?

Thí sinh tự do có nên được cộng điểm ưu tiên khu vực?

Dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ ngành giáo dục mầm non năm nay quy định không áp dụng cộng điểm ưu tiên khu vực khi tham gia xét tuyển cho thí sinh tự do đã tốt nghiệp các năm trước đó.

 

 

Điều chỉnh chính sách ưu tiên tuyển sinh là một trong những nội dung quan trọng của dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ ngành giáo dục mầm non năm nay. Điểm mới này tác động tới thí sinh (TS) thông qua mặt bằng điểm chuẩn trúng tuyển.

 

Chỉ áp dụng cho học sinh tốt nghiệp trong năm xét tuyển

Theo điều 7 của dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ ngành giáo dục mầm non năm nay, TS tham gia xét tuyển các phương thức tuyển sinh vẫn được hưởng điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên theo đối tượng. Mức điểm ưu tiên này tương ứng với tổng điểm 3 môn trong tổ hợp xét tuyển theo thang điểm 10 với từng môn thi không nhân hệ số. Trong trường hợp phương thức tuyển sinh sử dụng thang điểm khác thì điểm ưu tiên cũng được quy đổi tương đương.

Trong đó, TS thuộc nhóm ưu tiên 1 được cộng 2 điểm và nhóm ưu tiên 2 cộng 1 điểm. Chính sách cộng điểm ưu tiên theo đối tượng này không phân biệt học sinh đã tốt nghiệp THPT hoặc trung cấp năm nào. Điểm ưu tiên theo khu vực tuyển sinh vẫn gồm 3 mức điểm như các năm trước: 0,75 điểm cho khu vực 1; 0,5 điểm khu vực 2 – nông thôn và 0,25 điểm cho khu vực 2.

Thí sinh tự do có nên được cộng điểm ưu tiên khu vực? - ảnh 1
Thí sinh dự thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM để xét tuyển ĐH, CĐ năm 2022. Dự kiến kỳ tuyển sinh năm nay sẽ bỏ điểm ưu tiên khu vực với thí sinh tự do.  NGỌC DƯƠNG

Tuy nhiên, điểm mới đang gây chú ý đặc biệt với dư luận nằm ở chỗ tùy thuộc vào năm tốt nghiệp mà người học có được hưởng ưu tiên khu vực hay không. Cụ thể, học sinh tốt nghiệp THPT hoặc trung cấp năm 2022 mới được cộng điểm ưu tiên khu vực khi tham gia xét tuyển, và không áp dụng cho TS tự do đã tốt nghiệp các năm trước đó.

 

Thí sinh tự do có nhiều lợi thế hơn

Lý giải sự thay đổi này, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), cho biết các năm gần đây vấn đề ưu tiên khu vực đối với các đối tượng TS đã tốt nghiệp THPT các năm trước là một chủ đề được thảo luận nhiều lần, nhận được nhiều ý kiến phản hồi, góp ý từ chính các học sinh đang chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT năm đó.

Nhằm đảm bảo tính công bằng hơn nữa cho người học khi xét tuyển vào ĐH, CĐ, dự thảo quy chế đã đưa ra quy định theo hướng TS tại các vùng được hưởng ưu tiên khu vực chỉ được hưởng chính sách ưu tiên khu vực 1 lần khi có nhu cầu xét tuyển ngay năm đầu tiên tốt nghiệp.

PGS-TS Nguyễn Thu Thủy (Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT)

Bà Thủy nói: “Các TS đã tốt nghiệp những năm trước sẽ có lợi thế, có cơ hội học tập, ôn luyện với thời gian nhiều hơn hẳn so với các TS chuẩn bị thi tốt nghiệp lần đầu. Nhiều trường hợp đã chuyển tới các địa phương, thành phố có điều kiện tốt hơn, tập trung để ôn thi một số ít môn phục vụ xét tuyển vào ĐH. Trong khi đó, các học sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển tại năm tuyển sinh đó phải học tập nhiều môn hơn và chịu áp lực nhiều hơn để vừa thi tốt nghiệp, vừa đăng ký xét tuyển vào ĐH”.

Cũng theo bà Thủy, có khá nhiều học sinh thậm chí đã đỗ vào các trường ĐH ở năm trước, sau khi học 1 năm thì chọn thi lại, cạnh tranh với các TS năm nay mới thi tốt nghiệp. “Do vậy, nhằm đảm bảo tính công bằng hơn nữa cho người học khi xét tuyển vào ĐH, CĐ (giữa TS chuẩn bị dự thi và đã tốt nghiệp có nhu cầu thi lần nữa để xét tuyển), dự thảo quy chế đã đưa ra quy định theo hướng TS tại các vùng được hưởng ưu tiên khu vực chỉ được hưởng chính sách ưu tiên khu vực 1 lần khi có nhu cầu xét tuyển ngay năm đầu tiên tốt nghiệp. Tất cả các TS thuộc khu vực ưu tiên đều được hưởng ưu tiên 1 lần”, Vụ trưởng nhấn mạnh.

 

Thay đổi có phù hợp tình hình thực tế ?

Điểm mới này của dự thảo quy chế tuyển sinh đang nhận được sự quan tâm của rất nhiều người.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng sự thay đổi này là hợp lý. Theo ông Nghĩa, học sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước, năm nay xét tuyển lại có khoảng thời gian để ôn tập và chỉ ôn riêng các môn phục vụ xét tuyển. Thêm một thực tế nữa, TS tự do sau khi tốt nghiệp rất ít ở lại địa phương để ôn tập. Do vậy, tiến sĩ Nghĩa nhận định: “Không nên tiếp tục cộng điểm ưu tiên khu vực cho các TS tự do đã tốt nghiệp các năm trước khi tham gia xét tuyển năm sau. Chính các TS này đã được hưởng ưu tiên 1 lần năm trước đó rồi”.

Cùng quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cũng đánh giá đây là sự thay đổi tích cực tạo công bằng hơn cho người học. Ông Nhân phân tích: “Học sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước nếu thi lại để xét tuyển thường chỉ ôn thi 3 môn nên có nhiều thời gian hơn. Việc không cộng điểm ưu tiên khu vực cho TS tự do là phù hợp khi so sánh với các học sinh đang học lớp 12”.

Tuy nhiên, theo Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, việc không cộng điểm ưu tiên khu vực cho TS tự do chỉ nên áp dụng với phương thức xét tuyển dựa trên các kỳ thi tuyển như thi tốt nghiệp THPT, thi đánh giá năng lực, kỳ thi riêng…

“Điều này sẽ công bằng giữa các TS khi phải tham gia kỳ thi cùng một năm nhưng điều kiện học tập khác nhau giữa các trường hợp. Còn phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT, TS tự do có lẽ vẫn nên được cộng điểm ưu tiên như học sinh lớp 12”, ông Nhân lý giải.

Còn ở góc nhìn trường phổ thông, ông Nguyễn Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (Tiền Giang), thì cho rằng thực tế số học sinh chưa trúng tuyển năm trước phải thi để xét tuyển lại không nhiều, ngoại trừ các trường hợp chưa trúng tuyển đúng nguyện vọng mong muốn. Trong số các học sinh thi lại hiện nay, đặc biệt vùng sâu, vùng xa có nhiều khó khăn, cũng không có xu hướng di chuyển lên thành phố lớn để luyện thi như trước đây. Do vậy, theo hiệu trưởng này, vẫn nên cân nhắc tính điểm ưu tiên cho các học sinh đã tốt nghiệp năm trước thi lại năm sau.

Trước thực tế này, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy cũng cho biết hiện dự thảo quy chế tuyển sinh đang xin ý kiến góp ý của các bên liên quan. Bộ sẽ tiếp tục tiếp thu, hoàn thiện dự thảo theo hướng có lợi nhất, phù hợp nhất với người học, cơ sở đào tạo và toàn hệ thống nói chung. (còn tiếp)

Có tác động đến mặt bằng điểm chuẩn ?

Nhận định về tác động của điều chỉnh này tới mặt bằng điểm chuẩn, theo tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, không gây ảnh hưởng nhiều với đa số các trường. Bởi thực tế số lượng học sinh được hưởng điểm ưu tiên khu vực đã giảm mạnh so với trước đây, số điểm ưu tiên cũng giảm và số TS tự do xét tuyển vào các trường không đáng kể. Nếu có chỉ xảy ra ở những ngành rất đặc thù có nhiều TS quan tâm.

Tương tự, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cũng nhận định điều chỉnh chính sách ưu tiên khu vực này không tác động nhiều đến quá trình xét tuyển nói chung. Số TS tự do tham gia xét tuyển mỗi năm không nhiều, chẳng hạn như năm 2021 chỉ có khoảng 30.000 trường hợp trong tổng số gần 800.000 TS tham gia quá trình xét tuyển.

 HÀ ÁNH

TNO