Người Việt giữa những ngày phong toả ở Thượng Hải
Người Việt giữa những ngày phong toả ở Thượng Hải
Một số người Việt đang sống tại Thượng Hải (Trung Quốc) kể lại cuộc sống trong những ngày thành phố này bị phong toả vì Covid-19.
Chia sẻ với Thanh Niên, chị Nguyễn Ngọc Trai (26 tuổi), đang học thạc sĩ – sống tại quận Từ Hối, kể: “Thượng Hải thông báo bắt đầu phong tỏa Phố Đông từ ngày 28.3 nhưng trên thực tế, đa số khu dân cư đã bị cách ly trước đó gần 2 tuần. Sức khỏe tinh thần và thể chất của nhiều người nảy sinh vấn đề”.
“Không có thời gian để thở”
Trong 2 tuần đầu phong tỏa toàn thành, mỗi ngày chị thức dậy từ 5 giờ 30 để tìm mua thực phẩm trên mạng. Có ngày, chị không đặt được vì mọi thứ bán hết quá nhanh và thậm chí đến 8 giờ 30, một siêu thị khác mở bán, chị cũng không đặt hàng được vì không có nhân viên giao hàng. Ngoài ra, chị phải kiểm tra điện thoại liên tục để tham gia “mua hàng theo nhóm” với chung cư, nhưng rất dễ “lỡ một nhịp”.
Từ chung cư nhà chị Ngọc Trai nhìn xuống trong những ngày phong tỏa NVCC |
Thậm chí, có lúc phải chờ đến 12 giờ đêm, chị truy cập một siêu thị online khác để đặt hàng mà vẫn bất thành.
“Cảm giác như một ngày 24 giờ lúc nào cũng căng thẳng, ngoài công việc ra còn phải giành đồ ăn, hoàn toàn không có thời gian để thở. Không thể tin nổi thế kỷ 21 rồi mà còn phải lo lắng ngày mai có mua được đồ ăn không, ngay tại Thượng Hải”, chị Ngọc Trai nói.
Chung cư của chị lập ra một đội tình nguyện viên để vận chuyển hàng hóa lên cho từng nhà, và những người này cũng là những người quyết định mặt hàng nào được phép đặt mua: ngoài gạo, dầu ăn, rau, thịt và sữa thì các sản phẩm khác đều không được. “Nếu có người đặt thì họ cũng sẽ không vận chuyển lên nhà. Nếu có ai bước chân ra khỏi nhà thì họ sẽ báo cảnh sát”, chị nói.
“Chúng tôi muốn đặt nước tinh khiết để uống nhưng họ không cho, vì nước không được coi là sản phẩm cần thiết. Nhưng thực sự rất nhiều người dân không quen uống nước lọc đun sôi hoặc là có vấn đề về dạ dày”, chị kể thêm.
Một người dân ở khu chung cư của chị Ngọc Trai tự ý xuống nhận hàng, và bị báo cảnh sát |
Lo lắng cho cả nhà
Cũng kể với Thanh Niên, chị Nguyễn Huyền Trang (34 tuổi), làm phiên dịch cho một công ty thương mại Trung – Việt tại Thượng Hải, cho biết khi dịch mới bùng phát, chị rất lo lắng vì mẹ ruột đang bị bệnh nan y phải tái khám, trong khi ba mẹ chồng chị cũng có bệnh nền. “Mẹ tôi sức khỏe yếu, thường thì một tháng phải tái khám một lần nhưng giờ tình hình thế này đành phải ở nhà”, chị chia sẻ và cho biết thêm: “Tôi vô cùng hoang mang và lo lắng cho an nguy của cả nhà. Ngoài ba mẹ thì con tôi cũng còn nhỏ, mới 16 tháng”.
Thượng Hải hiện là tâm điểm của làn sóng Covid-19 hiện nay tại Trung Quốc, sắp bước sang tuần thứ 5 phong tỏa toàn thành. Thành phố này có 25 triệu dân, đã ghi nhận gần 500.000 ca nhiễm với 36 ca tử vong tính từ ngày 1.3.
Sau khi cho phép nới lỏng trong vài ngày, chính quyền thông báo sẽ siết chặt các biện pháp chống dịch và tiếp tục hạn chế đi lại cho đến ngày 26.4, vì ca nhiễm gia tăng trở lại thậm chí ở các khu vực được xếp vào nhóm “nguy cơ thấp”.
Sống tại quận Hồng Khẩu thuộc khu Phố Tây, chị Trang có thời gian nhất định để chuẩn bị vì Phố Tây phong tỏa muộn hơn (từ ngày 1.4) so với Phố Đông (từ ngày 28.3). Ngoài ra, với thói quen dự trữ đủ cho tận 3 tháng vì trong nhà có người bệnh và trẻ nhỏ, chị không gặp nhiều khó khăn khi lệnh phong tỏa được áp xuống. Trái lại, chị có thể giúp đỡ một số hàng xóm.
“Thời gian đầu đúng là nhiều nơi người dân lâm vào những ngày tháng khó khăn vô cùng, nhưng giờ dường như nhờ chính sách linh động hơn trước. Chính quyền linh động giải quyết và thúc đẩy cung cấp thực phẩm và nhu yếu phẩm cho dân nên giờ mọi người cũng đã thích nghi”, chị nói.
Một số nhu yếu phẩm chị Huyền Trang đặt mua |
Trong khi đó, chị Ngọc Trai bức xúc: “Một thành phố lớn và hiện đại như Thượng Hải mà phải mất 2 tuần để ổn định vấn đề lương thực của người dân, nên nhiều người thất vọng”.
Chính quyền địa phương phát hàng cứu trợ 2 lần nhưng “số lượng thức ăn thật sự không đủ, mà còn đến trễ”, chị Ngọc Trai kể và cho biết chủ yếu dựa vào việc “mua hàng theo nhóm”, tức “tuangou” trong tiếng Trung, một hình thức người mua chủ động lập nhóm để mua sỉ hàng hóa từ tận tay nhà cung cấp.
Chị Ngọc Trai cũng cảm thấy mình may mắn hơn vì trong nhà không có người già hoặc trẻ nhỏ cần phải chăm sóc. “Cho nên, dù cảm thấy bất mãn chuyện này chuyện kia mà hằng ngày vẫn có cơm ăn áo mặc đầy đủ là tôi đã thấy rất biết ơn rồi”, chị nói.