23/01/2025

Một cách dạy lịch sử thu hút học sinh

Một cách dạy lịch sử thu hút học sinh

Các hoạt động ngoại khoá về nguồn giúp các em học sinh nắm những kiến thức cơ bản về lịch sử địa phương từ đó góp phần giáo dục lòng yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc.

 

Nhiều hoạt động ngoại khoá tìm hiểu về biển đảo Việt Nam

Cùng với ý nghĩa đó, ngày 23.2.2022, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành kế hoạch tổ chức triển lãm số “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”. Triển lãm trưng bày, giới thiệu hàng chục tư liệu, bản đồ về những bằng chứng lịch sử, pháp lý chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nhằm giúp học sinh hiểu rõ hơn về chủ quyền, thế mạnh kinh tế, điều kiện tự nhiên của biển đảo nước nhà.

Một cách dạy lịch sử thu hút học sinh - ảnh 1
Học sinh dâng hương lên các liệt sĩ ở Khu tưởng niệm Gạc Ma (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa)   NGUYỄN VĂN LỰC

Những hoạt động tham quan, xem triển lãm… góp phần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, tiềm năng của biển, đảo Việt Nam cũng như ý thức, trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc trong giáo viên, học sinh.

Hàng năm, các trường học trong tỉnh Khánh Hòa đều tổ chức cho học sinh tham quan thắp hương tại Khu tưởng niệm các chiến sĩ đảo Gạc Ma (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa).

 

Nên lắp đầy những “khoảng trống lịch sử” trong sách giáo khoa

Tuy vậy, nhiều thầy cô, học sinh mong muốn sự kiện Gạc Ma cần được đưa vào tư liệu sách giáo khoa, chương trình, kế hoạch dạy học. Cụ thể nên đưa hoặc bổ sung vào sách lịch sử lớp 9, bài 32: Xây dựng đất nước, đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Lịch sử dân tộc ta có nhiều sự kiện cần khắc ghi. Gạc Ma là một trong những sự kiện nhắc nhở chúng ta không được phép quên sự hy sinh của 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam ở đảo Gạc Ma đã tạo nên Vòng tròn bất tử đồng thời giúp các thế hệ sau hiểu được đầy đủ hơn về sự chiến đấu hy sinh dũng cảm của các chiến sĩ hải quân Việt Nam, nhắc nhở tinh thần cảnh giác cao trước kẻ thù xâm lược. Đưa sự kiện Gạc Ma vào trang sử để thế hệ mai sau thấy rằng đây là hành động bảo vệ quyền và chủ quyền trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của ông cha ta thực tế nhất, đúng với triết lý viết sách giáo khoa “Mang cuộc sống vào bài học, đưa bài học vào cuộc sống”.

Một cách dạy lịch sử thu hút học sinh - ảnh 2
Công trình Vòng tròn bất tử tưởng nhớ 64 anh hùng đã hy sinh tại đảo Gạc Ma THẾ QUANG

Sự kiện Gạc Ma (14.3.1988) cách nay tròn 34 năm đã đủ thời gian cần thiết, bảo đảm tính giá trị khoa học lịch sử, tính nhân văn để đưa vào chương trình giảng dạy. Hy vọng nội dung này được bổ sung kịp thời vào tư liệu sách giáo khoa hiện hành, không phải chờ đến khi thay sách giáo khoa lịch sử lớp 9, theo lộ trình đến năm học 2024-2025, trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 mới có phần “Đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo” giai đoạn lịch sử 1975-1991.

Hiện nay khi dạy bài 32: “Xây dựng đất nước, đấu tranh bảo vệ Tổ quốc”, giáo viên nếu có chỉ nói lướt qua sự kiện Gạc Ma bởi không đủ thời lượng dành cho bài học này.

Ngoài ra, phương pháp dạy sử trên thực địa sẽ góp phần thu hút học sinh hơn trong việc học sử. Chính vì thế, lịch sử là môn tự chọn hay bắt buộc không quan trọng, quan trọng hơn là chính thầy cô dạy như thế nào, chương trình học ra sao, hình thức kiểm tra đánh giá… để học sinh thích học.

 

Nguyễn Văn Lực

TNO