Điểm kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt để xét tuyển ngành sư phạm nào?
Điểm kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt để xét tuyển ngành sư phạm nào?
Năm nay, lần đầu tiên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM xét tuyển thí sinh dự thi đánh giá năng lực chuyên biệt. Thí sinh tham dự kỳ thi này được xét tuyển vào những ngành nào?
|
Lịch thi chính thức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm nay |
Ngành nào xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt?
Sáng 25.4, thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết trường vừa công bố phương án xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt năm 2022.
Theo thạc sĩ Trung, kết quả 6 bài thi đánh giá năng lực được sử dụng để xét tuyển vào 21 ngành đào tạo của trường. Tuy nhiên, ở mỗi bài thi, thí sinh chỉ có thể sử dụng để xét tuyển vào một số ngành nhất định.
Cụ thể, bài thi toán học được sử dụng để xét vào 3 ngành: sư phạm toán học, sư phạm tin học, công nghệ thông tin.
Bài thi vật lý được xét vào 2 ngành: sư phạm vật lý, vật lý học.
Bài thi sinh học chỉ được sử dụng xét tuyển vào ngành sư phạm sinh học.
Bài thi hoá học được xét tuyển vào 2 ngành: sư phạm hoá học, hoá học.
Bài thi ngữ văn được xét vào 3 ngành: sư phạm ngữ văn, văn học, Việt Nam học.
Riêng thí sinh dự thi bài tiếng Anh có nhiều lựa chọn ngành để xét tuyển nhất. Cụ thể gồm: sư phạm tiếng Anh, ngôn ngữ Anh, sư phạm tiếng Trung Quốc, ngôn ngữ Trung Quốc, sư phạm tiếng Pháp, ngôn ngữ Pháp, sư phạm tiếng Nga, ngôn ngữ Nga, ngôn ngữ Nhật, ngôn ngữ Hàn Quốc.
Cách tính điểm xét tuyển ra sao?
Theo đó, trường dành khoảng 20% chỉ tiêu tuyển sinh để xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt năm nay. Kết quả điểm kỳ thi này được sử dụng theo phương thức kết hợp kết quả học tập THPT và bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt. Thí sinh xét tuyển vào ngành học nào được đăng ký dự thi bài thi đánh giá năng lực tương ứng với ngành học đó.
Chẳng hạn, thí sinh đăng ký xét tuyển ngành sư phạm toán học thì dự thi bài đánh giá năng lực môn toán. Kết quả bài thi được quy về thang điểm 10, điểm số được tính lẻ đến 0,1 và được nhân đôi khi xét tuyển.
Điểm xét tuyển gồm tổng điểm môn chính được nhân hệ số 2 (điểm bài thi đánh giá năng lực) và điểm 2 môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển (là điểm trung bình từng môn trong 6 học kỳ THPT) quy đổi về thang điểm 30 (nhân 0,75); cộng điểm ưu tiên nếu có.
Bắt đầu nhận đăng ký dự thi
Trường ĐH Sư phạm TP.HCM bắt đầu nhận đăng ký dự thi kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt từ hôm nay (25.4) đến hết ngày 15.5 theo hình thức trực tuyến.
Trong thời gian từ ngày 20 – 25.5, thí sinh nhận giấy báo dự thi qua email. Kỳ thi chính thức diễn ra trong 3 ngày từ 1 – 3.6.
Thí sinh làm bài thi hoàn toàn trên máy tính tại các điểm thi do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung lưu ý thí sinh được đăng ký xét tuyển vào trường theo phương thức sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt với điều kiện trong năm học 2021 – 2022 phải có học lực xếp loại giỏi lớp 12 hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8.0 trở lên.
Thí sinh không đăng ký xét tuyển vẫn được đăng ký dự thi nếu có nhu cầu. Kết quả bài thi này sẽ được bảo lưu để xét tuyển trong vòng 2 năm. Thí sinh học lớp 11 hoàn toàn có thể đăng ký để sử dụng kết quả xét tuyển năm sau đó.
Năm 2022, ngoài phương thức xét tuyển kết hợp điểm bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt và kết quả học tập THPT, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM còn sử dụng các phương thức khác như: xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT, kết quả học tập THPT…
HÀ ÁNH
TNO