Chúa Nhật II Phục Sinh C 2022: Cảm nghiệm và thể hiện lòng Chúa thương xót

Hôm nay Thiên Chúa Cha ban cho ta Chúa Giêsu Phục sinh và Chúa Thánh Thần để ta gắn bó với các Ngài, chúng ta mới có thể cảm nhận và thể hiện lòng thương xót của Chúa Cha. Đây là hai điều kiện cần thiết và cũng là hai ơn cao quý nhất mà chúng ta cần cầu xin Chúa Cha ban cho mình.

Chúa Nhật II Phục Sinh C 2022

Cảm nghiệm và thể hiện lòng Chúa thương xót

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Hôm nay là Chúa Nhật Lòng Thương Xót. Lễ này được Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II thiết lập vào ngày 30 tháng 4 năm 2000, dựa trên những mạc khải về lòng Chúa thương xót mà thánh nữ Faustina Kowalska (1903-1938), người Ba Lan, nhận được từ Chúa Giêsu. Phong trào sùng kính này đã lan toả nhanh chóng và mạnh mẽ trên khắp thế giới. Ở Việt Nam, nhiều giáo phận cũng đón nhận phong trào này. Câu hỏi đặt ra cho chúng ta hôm nay là làm thế nào để cảm nghiệm và thể hiện được lòng Chúa thương xót?

C:\Users\tingu\Downloads\2021\Long Chua thuong xot.jpg

1. Hiểu biết về lòng Chúa thương xót

Trước khi cảm nghiệm, chúng ta cần phải hiểu biết về lòng Chúa thương xót. Nhiều tín hữu Công giáo chạy theo phong trào, gia nhập hội đoàn rồi tổ chức các buổi hành hương, nghi lễ, các giờ kinh nguyện tôn kính lòng Chúa thương xót. Nhưng họ lại không biết lòng thương xót là gì, bắt nguồn từ đâu và thể hiện như thế nào nên họ không cảm nghiệm Chúa thương xót họ như thế nào và họ cần phải thương xót người khác và muôn loài ra sao. Thậm chí, có người còn lẫn lộn giữa lòng Chúa thương xót và lòng thương xót Chúa!

Từ điển Công giáo của Hội đồng Giám mục Việt Nam, xuất bản năm 2019, đã định nghĩa: “Lòng thương xót là sự đau lòng, xót xa trước nỗi bất hạnh của người khác, thường được thể hiện bằng hành động cụ thể như việc giúp đỡ hay an ủi” (x. Mục từ Thương xót- Lòng, NXB Tôn Giáo, tr. 873). Trong Cựu Ước, dân Israel cảm nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa vì Ngài luôn chung thuỷ, yêu thương, tha thứ khi họ gặp gian nan, khốn khó hay sau mỗi lần họ phạm tội và từ bỏ Ngài (x. Is 54, 8-10). Trong Tân Ước, Chúa Giêsu là hiện thân lòng thương xót của Chúa Cha vì Người giảng dạy Thiên Chúa là một Người Cha nhân từ, yêu thương và tha thứ (x. Lc 15,11-32). Người biểu lộ lòng thương xót của Chúa Cha đối với người nghèo, người tội lỗi, đau khổ, tật bệnh (x. Mc 10,47-48) và kêu gọi mọi người thể hiện lòng thương xót đối với nhau (x. Mt 5,7). Lòng thương xót của Thiên Chúa được biểu lộ trọn vẹn nơi cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu để cứu độ nhân loại, làm cho con người trở thành con cái thật sự của Thiên Chúa. Chính vì thế mà ngày lễ hôm nay được đặt ngay sau Chúa Nhật Phục sinh.

Nhưng ở Việt Nam, nhiều tín hữu có nguy cơ lầm lạc khi lẫn lộn tình yêu và tình thương do việc phiên dịch thiếu chính xác các bản văn Thánh Kinh và tài liệu của Giáo Hội. Người ta thường hiểu lầm tình yêu chỉ là tình cảm yêu đương nam nữ. Nhưng theo định nghĩa đầu tiên, tình yêu là “tình cảm yêu mến, làm cho gắn bó mật thiết và có trách nhiệm với người, với vật”(x. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt 2013, Vietlex, Hà Nội). Chúng ta yêu cha mẹ, yêu con cái, yêu tổ quốc, yêu đồng bào, yêu nghề nghiệp… chứ không phải chỉ yêu người tình hay yêu vợ yêu chồng. Chính vì hiểu lầm tình yêu là tình cảm yêu đương nam nữ theo nghĩa thứ hai, nên nhiều bản dịch Thánh Kinh ở Việt Nam dùng từ “tình thương” thay cho từ “tình yêu”. Tất cả các bản dịch của Nhóm Phiên dịch Giờ kinh Phụng vụ mà chúng ta vẫn đọc trong sách lễ, sách kinh hằng ngày đều dịch theo ý nghĩa hẹp hòi đó (x. Các bản văn Thánh Kinh của Nhóm Phiên dịch các Giờ kinh Phụng vụ; Từ điển Tiếng Việt 2013 của Viện Ngôn ngữ học, mục từ Tình yêu, Thương, Thương xót).

Khi phong trào Lòng Chúa thương xót bùng nổ, người ta càng lẫn lộn tình yêu với lòng thương xót của Chúa. Có người vì thấy không ổn nên kết hợp tình yêu với tình thương thành “tình yêu thương”. Khi đồng hoá tình yêu với tình thương, người ta đã làm nghèo nội dung của tình yêu và càng làm nghèo bản chất, hay bản tính của Thiên Chúa, vì “Thiên Chúa là tình yêu” (x. 1Ga 4,8.16).

Trong đời sống thường ngày ta có thể thấy một người vợ đau lòng, xót xa trước nỗi bất hạnh của người chồng, vẫn giúp đỡ, vẫn lo cơm nước, vẫn giặt ủi quần áo cho chồng, nhưng không còn yêu người chồng bởi vì người đó đã phản bội mình. Đó là kiểu yêu nhau vì nghĩa chứ không phải vì tình. Hơn nữa, chúng ta không thể nói mình thương xót Chúa, vì Thiên Chúa không gặp bất hạnh nào, cũng không cần chúng ta phải giúp đỡ hay an ủi vì Ngài có đầy đủ mọi sự và không cần lòng thương xót của con người.

Do đó, lòng thương xót chỉ là một phần trong tình yêu của Thiên Chúa, hay là một trong những cách thể hiện tình yêu của Ngài đối với chúng ta là những kẻ tội lỗi, thấp hèn. Lòng thương xót không phải là toàn bộ hay tất cả tình yêu, vì tình yêu Thiên Chúa dành cho nhau trong Ba Ngôi, không có sự đau lòng xót xa và cũng không có nỗi bất hạnh nào trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Cũng như tình yêu của Thiên Chúa dành cho các thiên thần và các thánh không phải là lòng thương xót vì các thánh và các thiên thần không còn gặp bất hạnh nào. Tình yêu lúc đó chỉ là tình cảm yêu mến và hạnh phúc, làm cho gắn bó mật thiết và có trách nhiệm với nhau.

2. Cảm nghiệm và thể hiện lòng thương xót

Chúng ta hỏi Thiên Chúa tình yêu đã thương xót loài người như thế nào?

Vào ngày lễ Phục Sinh, chúng ta đã hiểu rằng cuộc sống lại của Chúa Giêsu làm cho từng giây phút ta sống đều có ý nghĩa cao cả và giá trị vĩnh hằng. Thiên Chúa Cha đã yêu thương đến nỗi ban Con Một Ngài cho ta và toàn thể vũ trụ để Người Con đó chịu chết đền tội thay ta và sống lại vì ta, nhờ đó mà chúng ta cảm nghiệm được niềm vui, bình an và hạnh phúc.

Vào Chúa Nhật Lòng Thương Xót hôm nay, chúng ta còn thấy tình yêu đó đạt tới tột đỉnh khi chính Chúa Phục Sinh hiện ra, thổi hơi trên các môn đệ và nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì tội người đó được tha” (Ga 20,22-23). Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa được ban cho ta để Ngài biến đổi ta thành thần, thành thánh, thành Thiên Chúa như Chúa Giêsu, bởi vì quyền tha tội chỉ dành riêng cho Thiên Chúa, nay được ban cho ta. Thánh Thần cũng là tình yêu nối kết Ba Ngôi Thiên Chúa lại với nhau và nối kết chúng ta lại với Thiên Chúa để có chung một sự sống thần linh. Nhờ đó ta có thể nhận được quyền năng và những ân huệ cao quý của Chúa Thánh Thần để làm chứng cho Đức Giêsu Phục Sinh và thể hiện lòng thương xót của Chúa Cha cho muôn loài.

Bài đọc I đã diễn tả tác động đó khi kể rằng “nhiều dấu lạ điềm thiêng được thực hiện trong dân, nhờ bàn tay các tông đồ”, “người ta khiêng cả những kẻ đau ốm ra tận đường phố để khi ông Phêrô đi qua, ít ra cái bóng của ông cũng phủ lên được một bệnh nhân nào đó’, “tất cả những kẻ ốm đau cùng những người bị thần ô uế ám đều được chữa lành” (x. Cv 5, 12-16). Chúng ta có tin mình có thể giúp người khác như thế không?

Hôm nay Thiên Chúa Cha ban cho ta Chúa Giêsu Phục sinh và Chúa Thánh Thần để ta gắn bó với các Ngài, chúng ta mới có thể cảm nhận và thể hiện lòng thương xót của Chúa Cha. Đây là hai điều kiện cần thiết và cũng là hai ơn cao quý nhất mà chúng ta cần cầu xin Chúa Cha ban cho mình.

Nhờ đó, ta mới có thể diễn tả được lòng thương xót của Chúa Cha cho tất cả anh chị em mình, nhất là cho những ai đau khổ, nghèo đói, bệnh tật, mà chúng ta thấy đầy dẫy trong cộng đồng hiện nay. Họ đang bị tội lỗi và ma quỷ kiềm chế nên khi giúp họ vượt qua tội lỗi nhờ tác động của Chúa Thánh Thần là chúng ta chữa lành họ.

Lời kết

Cầu chúc anh chị em vừa là hiện thân của lòng Chúa thương xót vừa thể hiện lòng thương xót ấy một cách hiệu quả bằng những ân huệ cao quý của Chúa Thánh Thần như Chúa Giêsu.

HKK