23/01/2025

Thi vào lớp 10 là quyền lợi, không thể ép học sinh yếu bỏ đăng ký thi

Thi vào lớp 10 là quyền lợi, không thể ép học sinh yếu bỏ đăng ký thi

“Trừ khi học sinh tự nguyện không đăng ký thi vào lớp 10 để chuyển hướng sang học nghề, còn lại các em đều có quyền đăng ký dự thi. Trường, quận không đánh giá thi đua qua tỷ lệ đậu lớp 10 cao hay thấp”.

 

 

Đó là khẳng định của đại diện các trường THCS, phòng giáo dục tại TP.HCM về công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS liên quan đến vấn đề “ép” học sinh yếu không được thi vào lớp 10 tại một số trường ở Hà Nội đang gây xôn xao dư luận.

 

Nhiệm vụ của giáo viên là định hướng, không ép buộc

Để thực hiện công tác phân luồng học sinh sau THCS, hướng tới mục tiêu có ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề, đại diện nhiều trường THCS cho biết quan điểm của của công tác phân luồng vẫn là giáo viên định hướng, tư vấn, còn lựa chọn, quyết định thế nào vẫn là quyền của phụ huynh, học sinh.

Thi vào lớp 10 là quyền lợi, không thể ép học sinh yếu bỏ đăng ký thi - ảnh 1
Học sinh tốt nghiệp THCS học nghề tại một trường CĐ  K.C

Ông Tôn Thất Nhân Hiếu, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Hoa Thám, Q.Tân Bình, TP.HCM cho biết: “Hàng năm trường có khoảng gần 700 học sinh lớp 9, thì tỷ lệ các em không đăng ký thi vào lớp 10 rất ít, chỉ khoảng hơn 20 em”.

“Trước đó, giáo viên chủ nhiệm đã có những buổi chia sẻ với phụ huynh về các mô hình học tập sau khi tốt nghiệp THCS để cân nhắc xem con em mình phù hợp với hướng đi nào. Sau khi kiểm tra đánh giá cuối học kỳ 2, trường cũng tổ chức cho học sinh tham quan các trường CĐ, trung cấp để có thêm thông tin, định hướng. Ngoài ra, trường cũng mời đại diện của những trường THPT công lập trên địa bàn tới để chia sẻ thông tin”, ông Hiếu chia sẻ.

Theo ông Hiếu việc quyết định thi vào lớp 10 hay chuyển hướng học nghề ngay từ đầu, là quyền của học sinh, giáo viên và nhà trường không được phép dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc. Chính vì thế, có nhiều học sinh dù có năng lực học tập chưa cao, vẫn đăng ký thi vào lớp 10 để thử sức vì đó là quyền lợi, dù sau đó các em không đậu cả 3 nguyện vọng.

“Lúc đó, các em sẽ quyết định đi học nghề hoặc học tại Trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc trường THPT ngoài công lập”, ông Hiếu lưu ý.

Tương tự, ông Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Tám, Q.Bình Thạnh, TP.HCM cho hay hàng năm nhà trường vẫn mời đại diện các trường THPT, CĐ, trung cấp đến định hướng, tư vấn cho phụ huynh và học sinh lớp 9 để các em có lựa chọn phù hợp cho mình.

“Nhiều em có năng lực học tập chưa được tốt, nếu thi lớp 10 chắc chắn sẽ không đậu cả 3 nguyện vọng. Tuy nhiên, giáo viên chỉ tư vấn định hướng chứ không ép các em phải từ bỏ việc đăng ký thi vào lớp 10. Vì thế, hàng năm trường có khoảng hơn 500 em thì gần như 100% các em vẫn đăng ký thi”, ông Tuấn chia sẻ.

 

Không đánh giá thi đua dựa vào tỷ lệ điểm thi vào lớp 10

Ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng phòng Giáo dục Q.6 (TP.HCM), thông tin hàng năm quận có khoảng 4.000 học sinh lớp 9 thì có khoảng 20% học sinh không đăng ký thi lớp 10. “Sau khi được nhà trường hướng nghiệp, nhiều em tự thấy năng lực của mình khó học tiếp THPT để lên ĐH và phụ huynh tự quyết định cho con đi học nghề để sớm có nghề nghiệp, đồng thời học nghề vẫn được học văn hóa”, ông Uyên chia sẻ.

Thi vào lớp 10 là quyền lợi, không thể ép học sinh yếu bỏ đăng ký thi - ảnh 2
Tốt nghiệp THCS đi học nghề, học sinh được học các môn văn hóa  V.Đ

Theo ông Uyên, Phòng Giáo dục Q.6 không đánh giá chất lượng dạy học qua tỷ lệ thi đậu hay không đậu vào lớp 10 cũng như điểm trung bình của học sinh qua kỳ thi này.

“Một giáo viên giỏi, một trường học tốt được đánh giá dựa vào rất nhiều yếu tố chứ không phải chỉ dựa vào điểm số. Làm thế nào để một học sinh yếu trở thành học sinh trung bình, khá; một học sinh trung bình thành học sinh khá, giỏi mới là quan trọng. Hoặc các em đến trường thấy vui vẻ, không ai muốn nghỉ học, đó mới là điều mà giáo dục cần hướng tới”, ông Uyên bày tỏ.

Bên cạnh đó, ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Giáo dục Q.Tân Bình, cho hay quận này chưa bao giờ đặt vấn đề bảng điểm hay tỷ lệ đậu vào lớp 10 cao hay thấp để đánh giá thi đua.

Ông Huy lý giải: “Việc thi đậu vào lớp 10 hay không còn phụ thuộc vào năng lực học tập của mỗi em. Quận không lấy tỷ lệ đậu lớp 10 làm thành tích đánh giá các trường. Vì thế, chúng tôi không gây áp lực cho giáo viên và các trường. Các em thi hay không là quyền lợi, không ép học sinh không được đăng ký thi”.

Theo ông Huy, nếu lợi dụng phân luồng để ép học sinh yếu không được thi lớp 10 nhằm lấy thành tích, là sai lầm trong giáo dục. “Việc của những người làm giáo dục là định hướng, tư vấn thật kỹ cho học sinh, giúp các em có lựa chọn phù hợp với năng lực của mình”, ông Huy nêu quan điểm.

Ông Tôn Thất Nhân Hiếu, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Hoa Thám, cho biết thêm nhà trường chưa bao giờ đánh giá thi đua của giáo viên dựa trên tiêu chí học sinh thi đậu vào lớp 10.

Còn Trường THCS Lê Văn Tám vẫn khen thưởng giáo viên chủ nhiệm nào có 100% học sinh đậu lớp 10 để động viên, nhưng tuyệt đối không phê phán, gây áp lực đối với giáo viên có tỷ lệ học sinh đậu thấp.

MỸ QUYÊN

TNO