Nóng cuộc chạy đua kiểm soát internet vệ tinh
Nóng cuộc chạy đua kiểm soát internet vệ tinh
Dù internet vệ tinh tồn tại những năm qua, cuộc cạnh tranh đang tăng tốc với các công ty lên kế hoạch phóng hàng ngàn vệ tinh lên quỹ đạo thấp của trái đất.
Mô phỏng vệ tinh của hãng Amazon được đưa vào quỹ đạo AMAZON |
Động thái mới trong ngành internet vệ tinh của thế giới vừa đến từ Amazon. Công ty thương mại điện tử của Mỹ đã ký kết các hợp đồng với 3 công ty cung cấp tên lửa đẩy với mục tiêu đưa chòm vệ tinh Kuiper trị giá 10 tỉ USD lên quỹ đạo, theo Hãng tin AFP.
Bước đi mạnh mẽ
Theo hợp đồng phóng vệ tinh thương mại lớn nhất từ trước đến nay, Amazon đã mua đến 83 đợt phóng của các công ty Arianespace, Blue Origin và United Launch Alliance. Trị giá vài tỉ USD, các hợp đồng trên cho phép Amazon đưa phần lớn trong số 3.236 vệ tinh của hãng lên quỹ đạo, theo trang Space News.
Đại gia ngành bán lẻ trực tuyến của Mỹ muốn tăng cường sự đa dạng hóa kinh doanh của mình trong lĩnh vực dịch vụ công nghệ thông tin (IT), và cung cấp dịch vụ băng thông rộng cho nhiều đối tượng khách hàng. Trong số này, Amazon nhắm vào những đối tượng đang phải làm việc ở những địa điểm không có kết nối internet ổn định.
Ông Stephane Israel, Giám đốc điều hành của Arianespace, cho rằng các giải pháp vệ tinh là sự bổ sung không thể thiếu được bên cạnh dịch vụ cáp quang.
Theo ông, có những tình huống dịch vụ cáp quang quá đắt đỏ nếu so với kết nối vệ tinh, chẳng hạn như trong trường hợp cần cung cấp cho những cư dân của địa cầu đang ở khu vực vô cùng xa xôi.
Bên cạnh dịch vụ internet vệ tinh, Amazon còn có kế hoạch cung cấp “các thiết bị đầu cuối cỡ nhỏ, giá cả hợp lý” phục vụ cho dòng sản phẩm nhà thông minh Echo và máy đọc sách Kindle. Đồng thời, hãng cũng hứa hẹn “cung cấp dịch vụ giá cả phải chăng và dễ tiếp cận”cho các khách hàng.
Một câu hỏi được đặt ra: liệu Amazon có thể đột phá thành công thị trường đang ngày càng đông đúc hơn?
Những nhà cung cấp dịch vụ phóng vệ tinh vào quỹ đạo ARIANESPACE/BLUE ORIGIN/ULA |
Sự cạnh tranh dữ dội
Thị trường internet vệ tinh hiện không thiếu các hãng cung cấp dịch vụ. Những khách hàng ở Mỹ có truy cập dịch vụ HughesNet và Viasat, trong khi ở châu Âu, công ty con của Orange là Nordnet đang sử dụng năng lực vệ tinh Eutelsat Konnect để cung cấp dịch vụ internet băng thông rộng cho khách hàng.
Phí đăng ký mỗi tháng có giá khởi điểm là dưới 60 euro (1,5 triệu đồng), chưa tính cổng và ăng ten. Mức phí sẽ gia tăng tùy theo đường băng thông rộng.
Tuy nhiên, do các dịch vụ trên sử dụng những vệ tinh ở quỹ đạo địa tĩnh, tức cách mặt đất hơn 35.000 km, tốc độ internet không thể nào bì kịp cáp quang. Các khách hàng không thể thực hiện những thao tác cần đường truyền tốc độ cao, như chơi game.
Giống như các vệ tinh của Starlink (công ty con của SpaceX do tỉ phú Elon Musk sáng lập), chòm vệ tinh tương lai của Amazon sẽ hoạt động ở quỹ đạo thấp của trái đất, độ cao khoảng 600 km.
Ưu thế của vệ tinh ở quỹ đạo thấp là tốc độ đường truyền sẽ được nâng lên tối đa công suất của nó.
Bên cạnh đó, khoảng cách gần với trái đất hơn cho phép phía cung cấp như Amazon có thể gửi nhiều vệ tinh lên quỹ đạo (hơn 3.200 vệ tinh), trong khi Starlink đã có khoảng 1.500 vệ tinh đang hoạt động, theo AFP.
Công ty Anh OneWeb phóng 428 trong số 648 vệ tinh lên quỹ đạo thấp của địa cầu, còn Trung Quốc lên kế hoạch triển khai khoảng 13.000 vệ tinh cho dự án cung cấp internet cho toàn quốc, độc lập với Starlink.
Bỏ qua việc cạnh tranh giữa các quốc gia, việc nâng cấp nhanh chóng năng lực trên hiện vô cùng cần thiết để có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trên toàn cầu.
Cuối tháng 3, Hiệp hội Viễn thông Quốc tế của Liên Hiệp Quốc nhận xét rằng kết nối internet đã trở thành nhu cầu quan trọng và cấp thiết cho nhiều công dân địa cầu trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn ra.
“Nhu cầu internet băng thông rộng gia tăng với tốc độ vũ bão trên toàn thế giới, và chúng ra sẽ không bao giờ phóng đủ vệ tinh để có thể đáp ứng được nhu cầu này”, theo AFP dẫn lời giám đốc điều hành một công ty hoạt động trong ngành này.
Người này, giấu tên, cũng lưu ý rằng những vệ tinh ở quỹ đạo thấp dễ bị tổn hại hơn so với nhóm ở quỹ đạo địa tĩnh. Một ví dụ cụ thể là Starlink tổn thất khoảng 40 vệ tinh do bão mặt trời hồi tháng 2.
Đó là lý do các công ty cần phải sẵn sàng thay thế vệ tinh trong trường hợp trục trặc, và điều này hoàn toàn dễ dàng trong điều kiện hiện tại.
THUỴ MIÊN
TNO