Rủi ro từ trái phiếu “nhiều không” bán qua Facebook, Zalo
Rủi ro từ trái phiếu “nhiều không” bán qua Facebook, Zalo
Trái phiếu được xem là kênh huy động vốn dài hạn nhưng nhà đầu tư có thể mua trái phiếu thời hạn 3, 4 năm và bán lại chỉ sau 3-6 tháng. Người mua lại là doanh nghiệp phát hành rồi chính doanh nghiệp đó lại phát hành tiếp để bù đắp.
Tại tọa đàm với chủ đề “Phát triển bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp” do báo Người Lao Động tổ chức ngày 19-4, rất nhiều góc khuất trong thị trường trái phiếu đã được mổ xẻ. Song song đó, các chuyên gia cũng kiến nghị giải pháp để lấp các lỗ hổng này.
“Hô biến” thành nhà đầu tư chuyên nghiệp
Ông Huỳnh Anh Tuấn, tổng giám đốc Công ty chứng khoán Ngân hàng Đông Á, cho hay theo quy định mới của Luật chứng khoán năm 2019 có hiệu lực từ 1-1-2021, trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ chỉ được bán cho nhà đầu tư chuyên nghiệp. Tuy nhiên các công ty chứng khoán hoặc nhà phân phối có đủ cách để hô biến một nhà đầu tư nghiệp dư thành chuyên nghiệp trong chớp mắt.
Từ đó mới xảy ra câu chuyện dở khóc dở cười là dù được mệnh danh là “chuyên nghiệp” nhưng nhiều nhà đầu tư cá nhân thậm chí không biết đọc báo cáo tài chính, không hiểu biết về doanh nghiệp mà chỉ thông qua kênh môi giới vẫn mua trái phiếu của những doanh nghiệp rủi ro cao chỉ vì lãi suất cao.
“Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp khoảng 12%/năm, nếu tính cả chi phí cho kênh phân phối, bảo lãnh phát hành, tổng chi phí phải lên đến 15%/năm. Nếu doanh nghiệp tốt, thỏa các điều kiện để vay vốn ngân hàng thì không ai phát hành qua kênh này cả.
Trong khi đó, về phía nhà đầu tư, do không đủ kiến thức, thông tin trong khi lại bị mê hoặc bởi lãi suất gấp 2-3 lần lãi suất huy động của ngân hàng nên nhiều người đã ‘nhắm mắt đưa chân'”, ông Huỳnh Anh Tuấn nói.
Chưa kể, câu chuyện hậu kiểm là doanh nghiệp phát hành có sử dụng nguồn tiền đúng mục đích không lại là chuyện khác.
Một lỗ hổng khác là các tập đoàn lớn thường không đứng ra phát hành trái phiếu doanh nghiệp thông qua công ty con, không có thương hiệu, thậm chí mới vừa thành lập để phát hành xong sau đó cho một đơn vị uy tín khác trong tập đoàn mua lại rồi bán lẻ cho nhà đầu tư.
Còn nhà đầu tư lại cứ nghĩ trái phiếu do tập đoàn lớn phát hành, uy tín để đến khi xảy ra sự việc mới ngã ngửa.
GS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng thừa nhận có thực tế này. Theo ông, có công ty chứng khoán, công ty môi giới, vô hiệu hóa quy định “nhà đầu tư chuyên nghiệp” bằng cách đứng ra chỉ dẫn cho nhà đầu tư không chuyên ký những hợp đồng ủy quyền để hợp thức hóa.
Ngoài ra, còn có tình trạng bán chui không qua thị trường mà chỉ qua tin nhắn Facebook, Zalo để gạ gẫm mua với lãi suất rất cao. Đặc biệt, việc giám sát quá trình sử dụng vốn gần như buông lỏng. Vì vậy, có nhiều kẽ hở cần được lấp lại để làm sao tạo điều kiện cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở thành kênh dẫn vốn quan trọng, an toàn của nền kinh tế.
Có những trái phiếu “5 không”
Thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho hay năm 2021, phát hành trái phiếu doanh nghiệp bằng cả giai đoạn 2011 – 2018, trong đó 95% là phát hành riêng lẻ, chỉ có 5% phát hành ra công chúng.
Sở dĩ doanh nghiệp chọn phát hành riêng lẻ là vì không cần xin phép, chỉ lập phương án, kêu gọi đầu tư. Trong khi phát hành đại chúng phải thông qua Ủy ban Chứng khoán nhà nước, phải được phê duyệt phương án phát hành, khó khăn hơn nhiều.
Vì vậy, hầu hết doanh nghiệp bất động sản đều chọn phát hành riêng lẻ và chọn kênh phân phối tiếp theo để chuyển tiếp trái phiếu cho nhà đầu tư cá nhân…
“Gần đây báo chí hay dùng khái niệm “3 không” với doanh nghiệp phát hành trái phiếu (không tín nhiệm, không bảo lãnh thanh toán, không tài sản bảo đảm). Tôi lo ngại ngoài “3 không” thì còn có cái “không” thứ 4, thứ 5 khác như không có năng lực tài chính tốt, dòng tiền, phương án kinh doanh không khả thi, dòng vốn không đúng mục đích… Những điều này đôi khi còn đáng lo hơn việc không có tài sản bảo đảm”, thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ nói.
GS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng tỉ lệ trái phiếu “3 không” trong tổng khối lượng phát hành trái phiếu DN lên tới hơn 30% là rất nghiêm trọng. Việc các ngân hàng đứng ra mua trái phiếu doanh nghiệp chiếm tỉ trọng lớn trong tổng khối lượng vốn tiêu thụ cũng là vấn đề rất đáng lo.
Đó có thể là tình trạng ngân hàng giúp doanh nghiệp phát hành trái phiếu để “đảo nợ”, chuyển từ ngân hàng cho vay nợ có bảo đảm, quản lý giám sát, sử dụng chặt chẽ sang cho vay thông qua trái phiếu doanh nghiệp, tức gần như giao nguyên số tiền cho doanh nghiệp, họ sử dụng gì, đầu tư ra sao, ngân hàng cũng không quản lý được. Do vậy cần nhanh chóng lấp lại các lỗ hổng này.
Cần xử lý nhanh những vụ việc vi phạm trong phát hành trái phiếu
Theo TS Cấn Văn Lực, để phát triển thị trường trái phiếu bền vững, Chính phủ cần sớm giải quyết, xử lý những vụ việc đã xảy ra trong thời gian qua, để củng cố niềm tin của nhà đầu tư, chủ thể phát hành, kể cả doanh nghiệp. Xử lý càng nhanh càng tốt và nên công khai minh bạch kết quả.
Không phải vì một số trường hợp, vài “con sâu làm rầu nồi canh” mà thắt chặt quá mức, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang trong giai đoạn phát triển, phục hồi kinh tế – xã hội. Thực tế, thị trường trái phiếu và thị trường vốn Việt Nam còn rất nhiều dư địa phát triển vì mới chỉ chiếm 17,5% GDP. Con số này rất thấp so với Trung Quốc là 35,7%, Hàn Quốc 87% GDP, Singapore khoảng 36,5% GDP, Thái Lan khoảng 25% GDP…