23/01/2025

Giá gạo xuất khẩu tăng: Vui nhưng chưa trọn

Giá gạo xuất khẩu tăng: Vui nhưng chưa trọn

‘Đây là thời cơ vàng cho nhiều mặt hàng nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt với loại cây trồng quanh năm như lúa gạo thì các doanh nghiệp nên tranh thủ tăng xuất khẩu, đừng chú trọng nhiều vào dự trữ’, phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam nói.

 

Giá gạo xuất khẩu tăng: Vui nhưng chưa trọn - Ảnh 1.

Công nhân cảng Mỹ Thới, TP Long Xuyên, An Giang đóng thùng gạo container xuất khẩu – Ảnh: BỬU ĐẤU

Ông Đỗ Hà Nam cho rằng do ảnh hưởng cuộc chiến Nga – Ukraine cũng như giá thành sản xuất nông nghiệp tăng trên toàn cầu nên giá bán lương thực cũng có thể sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian tới. Vì thế, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần nắm xu hướng này khi đàm phán, ký hợp đồng để mang đến lợi nhuận.

Chúng tôi đang thực hiện hàng loạt mô hình như giảm phân, giảm thuốc, giảm giống và tích cực sử dụng cơ giới hóa vào đồng ruộng hoặc thực hiện mô hình “không dấu chân” (tức là sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc – PV)… để giảm chi phí, thậm chí chấp nhận giảm sản lượng để tăng chất lượng. Đặc biệt, Lộc Trời đang hướng vào sản xuất gạo chất lượng cao và tập trung vào các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu.

Đại diện Tập đoàn Lộc Trời

 

Giá gạo Việt tăng nhanh

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, chỉ trong vòng 2 tuần gần đây, giá gạo xuất khẩu 100% tấm của Việt Nam đã được điều chỉnh tăng 3 đợt, với tổng mức tăng lên tới 17 USD/tấn. Ngày 16-4, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đạt mức 415 USD/tấn, trong khi loại gạo này của Thái Lan hiện giao dịch ở mức 408 – 412 USD/tấn.

Cùng với đó, gạo 25% tấm có giá 395 USD/tấn và gạo 100% tấm có giá 360 USD/tấn. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng đạt mức cao nhất trong vòng gần 4 tháng trở lại đây.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 18-4, ông Nguyễn Văn Đôn, giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), cho rằng việc giá gạo Việt Nam vượt qua gạo Thái Lan, giá trị và sản lượng xuất khẩu tăng là tín hiệu đáng mừng.

Theo ông Đôn, giá gạo khởi sắc một phần nhờ nhu cầu nhập khẩu gạo Việt Nam của các thị trường khác đều tăng trở lại, đặc biệt ở hai thị trường lớn là châu Á và châu Phi.

Đồng quan điểm, một doanh nghiệp cho rằng gạo thường Việt Nam là loại 504, 5451, Đài thơm 8… đang có giá tốt nhờ nhiều nước tăng lượng mua. Đặc biệt, mọi năm Philippines đến đầu tháng 6 mới mở hạn ngạch nhập khẩu gạo nhưng hiện nay nước này nhập khẩu sớm và hy vọng họ sẽ đặt hàng tiếp. Ngoài ra, nhiều khách hàng châu Phi sau thời gian chần chừ thì nay quyết định tăng lượng nhập do lo ngại ảnh hưởng chiến tranh Nga – Ukraine cũng như lo ngại giá xăng dầu tăng, vận chuyển leo thang. Do đó, dự báo thị trường gạo xuất khẩu trong quý 2 tiếp tục khởi sắc.

 

Nhưng chưa bền và chịu nhiều tác động ngoại cảnh

Theo ông Đôn, xuất khẩu gạo đang có những tín hiệu tích cực nhưng không nên vui mừng quá sớm vì giá gạo Việt Nam vượt giá gạo Thái Lan khả năng chỉ duy trì được trong ngắn hạn và phần lớn chủng loại gạo có giá vượt Thái Lan là gạo thường, giá trị xuất khẩu khá thấp so với chủng loại gạo thơm.

Không chỉ vậy, ghi nhận tại Tiền Giang, trong quý 1-2022, xuất khẩu gạo đạt 10.319 tấn, với trị giá hơn 7 triệu USD, giảm 7,5% về lượng và giảm gần 11% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Giá gạo xuất khẩu trung bình trong quý 1-2022 giảm hơn 3,6% so với cùng kỳ năm trước do giá vận tải cũng như chi phí thuê container rỗng tăng cao.

Ông Trần Vũ Đình Thi, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex), cho biết giá lúa gạo Việt Nam hiện nay tăng mạnh nhất 4 năm qua (chủ yếu là loại gạo 5% tấm – PV). Tuy nhiên, giá gạo tăng là do giá vật tư nông nghiệp đầu vào tăng.

“Nếu chúng ta trừ ra giá vật tư trượt giá thì giá gạo Việt Nam vẫn còn giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Các dòng gạo thơm của Việt Nam vẫn thua so với gạo thơm Thái Lan. Chỉ có gạo 5% tấm tăng hơn Thái Lan khoảng 5 USD/tấn thôi.

Chúng tôi nghĩ các doanh nghiệp Việt Nam phải phấn đấu cạnh tranh gạo thơm với gạo Thái Lan, đừng nên so sánh gạo 5% tấm nữa. Loại gạo này xuất không nhiều và số lượng rất ít nên không cần phải so sánh với các nước”, ông Thi nói.

Đại diện Tập đoàn Lộc Trời cho rằng giai đoạn hiện nay, việc giữ vững ổn định gạo giá cao là bài toán khó khi giá cả vật tư nông nghiệp đang leo thang từng ngày khiến nông dân khốn khổ hơn khi sản xuất lúa. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo muốn giữ vững ổn định phong độ xuất khẩu thì phải ổn định sản lượng và phải giảm chi phí sản xuất mới có lợi nhuận.

Giá gạo xuất khẩu tăng: Vui nhưng chưa trọn - Ảnh 3.

Công nhân bốc xếp gạo xuất khẩu ở một cảng biển tại An Giang – Ảnh: CHÍ QUỐC

Buôn bán cũng cần bớt việc tự làm khó mình

Đứng ở góc độ doanh nghiệp xuất khẩu gạo có thâm niên, ông Phạm Thái Bình, tổng giám đốc Công ty CP Trung An (Cần Thơ), cho rằng cần dẹp nạn làm nhiễu thị trường của doanh nghiệp cũng là một cách để có được giá gạo như ý.

Theo ông Bình, thương hiệu và giá gạo Việt Nam trên trường thế giới lâu nay thường không cao là do doanh nghiệp Việt làm nhiễu thị trường bằng cách phá giá xuất khẩu, chất lượng bát nháo.

Nêu ví dụ, ông Bình kể chuyện Hàn Quốc từng cho Việt Nam tham gia đấu thầu gạo lứt hạt dài, trong khi các nước đều bỏ giá trên dưới 1.000 USD/tấn thì doanh nghiệp Việt Nam chọn bỏ chỉ trên 500 USD/tấn và đã trúng thầu. Tuy nhiên, khi gạo xuất qua không đạt chất lượng nên bị Hàn Quốc trả về, sau đó quốc gia này không cho Việt Nam đấu thầu cùng các nước.

Trường hợp khác, gạo thơm xuất vào Malaysia đang được đơn vị bán giá hơn 700 USD/tấn thì một doanh nghiệp Việt chào giá 550 USD làm đối tác nghi ngại, hạn chế mua.

“Xuất khẩu gạo là ngành nghề có điều kiện, không phải cứ bán rẻ là người ta mua. Do đó, các cơ quan quản lý, hiệp hội của Việt Nam nên tăng cường sự giám sát, điều tiết. Đối với hoạt động đấu giá trên trường quốc tế, chúng ta cần có chọn lọc doanh nghiệp tham gia và đưa ra mức giá sàn, chứ không thể để doanh nghiệp hạ giá bán vô tội vạ”, ông Bình đề xuất.

Trong khi đó, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu gạo phía Nam cho biết dù cùng giá xuất với Thái Lan là 42 euro/bao 18kg gạo thơm nhưng người mua tại châu Âu đang khá chuộng sản phẩm của đơn vị. Do đó, gạo thơm Việt Nam vẫn có thể có ưu thế so với gạo thơm Thái Lan, cái cần là doanh nghiệp phải được hỗ trợ thông tin rõ ràng về người mua.

Có được điều này sẽ tránh được những sự việc đáng tiếc như trong hạn ngạch 80.000 tấn gạo được ưu đãi thuế xuất vào châu Âu của năm ngoái thì Việt Nam chỉ xuất 60.000 tấn, 20.000 tấn còn lại nhiều doanh nghiệp không biết lý do tại sao không xuất được, lỗi tại người bán hay người mua để kịp điều chỉnh, tiếp cận thị trường hiệu quả.

“Dư địa thị trường còn khá lớn, đặc biệt mặt hàng gạo thơm có giá trị cao xuất vào các nước khó tính. Do đó, doanh nghiệp rất cần các cơ quan nhà nước hỗ trợ công tác kết nối, thăm dò thông tin thị trường người mua”, các chuyên gia trong lĩnh vực xuất khẩu gạo nhận định.

 

Giá lúa thơm tăng vì… giảm diện tích

Ông Nguyễn Thành Phước, chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng, cho biết giá lúa những tháng đầu năm ở ĐBSCL có tăng nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ. Riêng nhóm giống lúa thơm bán được giá, tăng từ 500 – 1.000 đồng/kg.

Theo lý giải của ông Phước, nguyên nhân giá lúa thơm vụ này tăng do một số địa phương giảm diện tích.

“Gạo xuất khẩu được giá, nông dân và những người làm nông nghiệp rất vui nhưng nếu các doanh nghiệp không có sự liên kết để tiêu thụ lúa cho nông dân, điệp khúc lúc tăng lúc giảm sẽ lặp lại”, ông Phước nói.

 

“Ăn chắc, ăn bền” phải là gạo thương hiệu

Như đã nói, ý kiến từ các nhà xuất khẩu gạo cho rằng việc giá gạo 5% tấm vượt giá gạo cùng loại của Thái Lan chỉ là niềm vui trước mắt. Về lâu dài, chỉ có thể “ăn chắc, ăn bền” bằng loại gạo thương hiệu.

Ông Trần Vũ Đình Thi thẳng thắn: các doanh nghiệp lúa gạo Việt Nam nên tập trung sản xuất các dòng sản phẩm gạo thơm, gạo cao cấp để xuất khẩu vào các thị trường khó tính, đừng nên so sánh gạo 5% tấm nữa.

Một chuyên gia trong lĩnh vực xuất khẩu gạo nhận định ở thị trường gạo thơm, có giá trị cao gấp nhiều lần gạo thường thì hầu như Thái Lan đang vượt mặt Việt Nam về giá cũng như lượng xuất. Vì thế, ngoài cải thiện giống và chất lượng gạo theo đúng thị hiếu, điều cần phải làm để tăng giá trị xuất khẩu gạo một cách bền vững là xây dựng thương hiệu.

Chuyên gia này chia sẻ: cùng một chất lượng gạo nhưng loại có thương hiệu tốt có thể sẽ bán được với giá cao hơn 10-20%. Do đó, Việt Nam cần thiết lập chương trình quốc gia xuyên suốt về xây dựng thương hiệu lúa gạo để tăng thêm giá trị gạo Việt, đồng thời khuyến khích tăng gia sản xuất lúa gạo chất lượng cao.

Thu hoach lua

Thu hoạch lúa đông xuân năm 2021 – 2022 tại Đồng bằng sông Cửu Long – Ảnh: CHÍ QUỐC

Theo vị này, hiện nay đã hoạt động xây dựng thương hiệu như gạo thơm ST ở Sóc Trăng nhưng còn riêng lẻ, thiếu sự phối hợp và hỗ trợ đắc lực của Nhà nước. Thương hiệu có thể từ tên một giống lúa nổi tiếng, hoặc tên tổng quát cho loại gạo như khi gặp gạo Jasmine dễ dàng nhận ra đó là gạo Thái Lan.

Trở lại thực tế, ông Võ Văn Chiêu, giám đốc Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng, cho biết xuất khẩu gạo của tỉnh tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu. Trong 3 tháng đầu năm, Sóc Trăng đạt kim ngạch xuất khẩu gạo trên 60 triệu USD, tăng 70% so với cùng kỳ.

Theo ông Chiêu, ngoài yếu tố thị trường thuận lợi, cũng phải kể đến chất lượng gạo của Việt Nam thời gian qua được cải thiện đáng kể. Nhóm giống lúa chất lượng, đặc sản chiếm cơ cấu cao trong diện tích gieo trồng. Riêng Sóc Trăng, nhóm giống lúa chất lượng chiếm trên 60% diện tích.

“Gạo Việt qua mặt Thái Lan là một tín hiệu lạc quan. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải mang tính bền vững. Ngoài việc thay đổi cơ cấu giống lúa, kỹ thuật canh tác, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần quan tâm hơn đến khâu chế biến, quản trị… để tăng chất lượng và tính cạnh tranh”, ông Chiêu đề xuất.

 

Nông dân mong được “vui lâu”

Sống gắn bó với cây lúa gần 50 năm, khi nghe thông tin giá gạo xuất khẩu của Việt Nam qua mặt Thái Lan, ông Nguyễn Văn Tình (huyện Thạnh Trị, Sóc Trăng) nói đây là tín hiệu vui, báo hiệu giá lúa thời gian tới nhiều khả quan hơn.

“Tui làm 20 công ruộng, năng suất lúc nào cũng trúng, chỉ có giá bán khi trồi khi sụt, rất hồi hộp. Nếu có doanh nghiệp bao tiêu, đảm bảo nông dân trồng lúa có lời, tui sẽ an tâm hơn”, ông Tình chia sẻ.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Xinh (huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng) mong muốn phải có sự ổn định về thị trường. Vụ đông xuân năm nay, gia đình ông Xinh làm 10 công giống lúa thơm. Do ít người trồng lúa đặc sản nên vụ này thương lái săn tìm, đẩy giá lên cao.

“Hiện lúa thơm được thương lái mua vào khoảng 8.000 đồng/kg, tăng gần 800 đồng so với cùng kỳ năm trước. Hy vọng các doanh nghiệp mở rộng thêm thị trường xuất khẩu để giá lúa nguyên liệu tăng ổn định, giúp nông dân trồng lúa có lời nhiều”, ông Xinh chia sẻ.đồng Hạnh phúc lần 3 – năm 2022, với chủ đề “Chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo bền vững”. Tham dự có gần 300 nông dân Đồng Tháp và nhà khoa học ĐBSCL.

 

N.TRÍ – K.TÂM – B.ĐẤU – M.TRƯỜNG
TTO