23/12/2024

Bát nháo yến sào, đủ loại hàng giả

Bát nháo yến sào, đủ loại hàng giả

Nhu cầu tăng để tẩm bổ trước dịch COVID-19, đủ loại yến sào đang được rao bán. Yến trôi nổi, mơ hồ về chất lượng nhưng lại đang leo giá.

 

Bát nháo yến sào, đủ loại hàng giả - Ảnh 1.

Người tiêu dùng hoa mắt với các loại yến sao được quảng cáo trên mạng – Ảnh: TỰ TRUNG

Người mua cần tìm hiểu kỹ, nhất là sản phẩm nhập khẩu, bán trao tay, nhãn mác nghèo thông tin, khó kiểm chứng.

 

Mua bằng… niềm tin

Chị Nguyễn Thị Thủy (quận 1, TP.HCM) chia sẻ gia đình mình rất hiếm khi dùng yến sào, nhưng dịch bệnh nên “nhắm mắt” mua 100gram với hy vọng tăng sức đề kháng.

“Yến sào từ đại lý nổi tiếng giá hơn 5 triệu đồng/100 gram. Tôi tìm mua từ những người rao trên Facebook, cũng 100gram nhưng nơi thì 3,5 triệu đồng; nơi thì 2,8 triệu đồng; có nơi chỉ… 600.000 đồng vì “tồn kho”. Các nơi bán đều nói giá đã cao hơn trước, mua nhanh tay kẻo hết hàng.

Tương tự, anh Đỗ Long (TP Thủ Đức) cho hay xưa giờ anh mua yến sào với giá 3 triệu đồng/100 gram, tuần rồi anh vừa mua giá đã tăng lên 3,5 triệu đồng/100gram. Anh thở dài: “Bây giờ quá trời các loại yến sào. Nào là yến dạng tổ, yến thô nguyên chân, yến bánh tròn, yến sợi nhỏ… Tôi chọn mua yến sào bằng niềm tin chứ không thấy cơ quan, hiệp hội nào chứng nhận chất lượng”.

Không chỉ các cửa hàng yến sào nở rộ khắp nơi, trên mạng xã hội cũng tràn ngập chủ hàng bán yến.

Tại group “Chợ Yến Sào Toàn Quốc” trên Facebook, trao đổi giao dịch rất nhộn nhịp. Yến hũ (bán trong những hũ nhỏ đã chưng sẵn) giá từ 70.000 – 180.000 đồng loại 70-200ml; yến thô tai A cam nhạt với giá 22,5 triệu đồng/kg; hoặc yến vụn tổ lạt chỉ… 15 triệu đồng/kg…

Là một gia đình có hơn 10 năm nuôi yến tại Ninh Thuận, ông Nguyễn Đăng Lý (chủ doanh nghiệp Ông Giáo Lý) cho biết trước đây yến thô ít lông là 2,2 – 2,5 triệu đồng/100gram; mùa dịch nên tăng lên 2,8 triệu đồng/100gram nhưng không có hàng bán; còn yến tinh chế là 3,5 triệu đồng/100gram.

Chủ một nhà yến có gần 20 năm nuôi yến tại Cần Giờ, TP.HCM cũng khẳng định yến mà giá chỉ có đơn vị trăm nghìn hoặc dưới 1 triệu đồng/100gram thì đó là yến tẩm đường, mủ trôm… hay nói thẳng ra là yến giả.

Bát nháo yến sào, đủ loại hàng giả - Ảnh 2.

Chủ nhà yến ở Ninh Thuận thu hoạch yến để kịp bán cho lượng khách mua lẻ tăng mạnh – Ảnh: X.M.

Bát nháo chất lượng

“Dịch bệnh, nhu cầu bảo vệ sức khỏe nhiều hơn nên yến bán rất chạy”, ông Nguyễn Đăng Lý nói nhưng cho biết đang phải cạnh tranh với nhiều loại yến giả, kém chất lượng. Không chỉ có yến giả toàn bộ mà cả yến tẩm đường được gán tên gọi: yến tinh chế ngọt, tinh chế lạt, hoặc bị tẩm một góc.

Theo chuyên gia ngành yến Hồ Ngọc Tuân (TP Cần Thơ), yến hũ giá rẻ thường không phải là yến Việt. “Giá yến thị trường thế giới là 250 – 400 triệu đồng/kg; cao gấp 10 lần ở Việt Nam. Yến hũ thường là yến ở Malaysia, Indonesia, Thái Lan. Yến nhập khẩu mà rẻ nhờ từ yến vụn, kém chất lượng. Còn loại chất lượng, không rã tổ họ xuất khẩu với giá rất cao”, ông Tuân nói.

Ông Tuân cũng tiết lộ nhiều cách gian lận, trong đó nổi bật là yến tinh chế đường để tăng trọng lượng và tinh chế dầu để giảm chi phí nhân công.

“Với yến tinh chế đường, sợi yến nhặt xong cho vào bát nước đường trước khi sấy, khiến sợi yến nặng hơn. Người dân chưng yến thường kèm đường phèn, táo đỏ… nên rất khó phát hiện. Còn yến tinh chế dầu là nhỏ 5-10 giọt dầu ăn vào chậu yến, lông sẽ nổi lên.

Tốc độ này nhanh gấp 5-10 lần, tiết kiệm chi phí nhân công nhưng mất đi khoảng 5% chất lượng một sợi yến. Một nhân công giỏi mỗi ngày chỉ nhặt lông được khoảng 10 tổ yến”, ông Tuân giải thích.

Một chủ doanh nghiệp yến (đề nghị không nêu tên) chỉ rõ yến giả, yến nhĩ không khó làm, thực chất là thạch rau câu dạng sợi, mủ trôm… trà trộn vào.

“Nguy cơ xấu đến sức khỏe thì cơ bản không có, vì rau câu hay mủ trôm là những thực phẩm bình thường. Tuy nhiên, đó là yến giả”, vị này nói.

 

Cần quản lý ngành yến

Khó khăn để lựa chọn một sản phẩm yến đúng chất lượng, giá cả phù hợp là câu chuyện quan tâm của người tiêu dùng. Ngay các cơ sở nuôi yến cũng mong muốn.

Ông Nguyễn Đăng Lý đề nghị để có sản phẩm yến đúng chất lượng, ông rất mong có giải pháp, có cơ quan hữu quan vào cuộc, hiệp hội lên tiếng bảo vệ ngành yến.

Anh Nguyễn Đức Thành, một người từng tham gia kinh doanh yến, đề nghị cần học kinh nghiệm Hàn Quốc làm với sâm. Họ có những hiệp hội uy tín, cơ quan kiểm định mạnh để chứng nhận. Khi đó, người dân sẽ có công cụ có thể nhận biết, không bị “móc túi” bởi tình trạng bát nháo hiện nay, cũng là tạo cơ hội cho ngành yến sào phát triển bài bản.

Ông Hồ Ngọc Tuân cũng đặt ngược câu hỏi là ngành yến đang ở đâu? Cho rằng cơ chế hiện nay chưa giải quyết được vấn đề lâu dài, ông Tuân tư vấn: với người tiêu dùng, giờ chỉ có cách tìm đến các đại lý chính thức của nhãn hiệu uy tín hoặc chọn nhà có yến, có cơ sở tinh chế uy tín để giảm nguy cơ mua nhầm hàng nhái, kém chất lượng.

Ông Nguyễn Thanh Hải (tổng giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa):

 

Đề nghị tăng cường xử lý hàng giả, nhái

Nhu cầu nâng cao sức khỏe nên thị trường yến sào trong nước khởi sắc hơn. Cũng chính từ sự gia tăng về nhu cầu, nên nhiều cơ sở, hộ kinh doanh tham gia sản xuất và kinh doanh yến sào. Tuy nhiên, trên thị trường có quá nhiều sản phẩm yến sào không rõ nguồn gốc, nhiều sản phẩm không có bao bì nhãn mác, chào bán với nhiều mức giá khác nhau làm người tiêu dùng khó phân biệt.

Thời gian qua, chúng tôi phát hiện một số cơ sở yến sào ngang nhiên sử dụng thương hiệu và hình ảnh của Công ty Yến sào Khánh Hòa để đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ gắn vào sản phẩm của mình.

Qua đây, chúng tôi rất mong các cơ quan quản lý thị trường, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cùng các cơ quan chức năng khác tăng cường xử lý nghiêm tình trạng hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng và không rõ nguồn gốc xuất xứ để bảo vệ uy tín thương hiệu yến sào Việt Nam nói chung.

Khách hàng khi có nhu cầu mua yến sào cần lựa chọn các thương hiệu uy tín, chú ý đến các sản phẩm có bao bì nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

NHẬT KHÁNH

Một số cách cơ bản phân biệt yến thật, giả

yen sao2

Tin rao bán yến giá rẻ nhan nhản trên mạng xã hội (ảnh chụp màn hình)

Ông Nguyễn Đăng Lý chia sẻ các bước cơ bản nhận biết yến sào giả và thật:

– Nhận biết bằng mắt: tổ yến có cấu trúc dạng sợi, nên nhìn thấy một số sợi lông nhỏ nhỏ là bình thường. Khó có thể làm sạch hoàn toàn sợi lông bằng thủ công.

– Nhận biết bằng mũi: tổ yến thật có mùi tanh nồng được tạo thành bởi nước bọt của chim hoàng yến. Yến sẽ có mùi ẩm mốc gỗ nhẹ, vì đa số yến sào bây giờ là nhà yến.

– Nhận biết bằng tay: lấy một sợi yến nhỏ ngâm nước, sau khi mềm thì lấy tay kéo. Nếu tổ yến kém đàn hồi sẽ bị đứt ngay khi vừa kéo, đó dễ là yến giả.

– Đốt tổ yến: khi đốt có mùi nhựa là tổ yến giả.

– Khi chưng yến, yến sào giả sẽ không có vị đạm thơm.

– Ngâm yến: yến thật khi ngâm nước sẽ trong, yến giả khi ngâm nước hay bị đục do bị tẩm ướp để yến nặng hơn.

 

Yến chưng được 60 – 70 lần…

Sự bát nháo quảng cáo trên mạng xã hội về yến sào đã đến mức… không tưởng tượng nổi. Ngoài những group yến sào sỉ lẻ trên mạng xã hội, còn có những trang cá nhân riêng rao bán yến sào với những lời giới thiệu “ngon, bổ, rẻ”.

Chủ tài khoản N.Ngân giới thiệu: “Yến sợi vàng cam, sợi đan dày, bên trong là xơ mướp, giàu dinh dưỡng. Chưng lên sợi dây nở nhiều. Khách tinh tế lấy loại này vì có thể chưng được 60 – 70 lần”…

Hay giới thiệu về yến thô xếp hộp không phân rêu của chủ tài khoản T.Khánh: “Hàng yến này giá 22 triệu đồng/kg, đảm bảo già, ngon, nở”. Đặc biệt, một tài khoản khác có nhiều lượt chia sẻ khi rao bán yến sào tinh chế, dạng viên, được chia nhỏ để ngâm dành cho mẹ và bé, 200gram chỉ có giá… 850.000 đồng.

Theo chuyên gia Hồ Ngọc Tuân, giá yến thô hiện nay dao động khoảng 23,8 triệu đồng/kg, lên xuống theo thị trường. Thường trên 3 triệu đồng mới có yến tinh chế, khoảng 3,3 triệu đồng/100 gram là mức tối thiểu để gặp yến thật.

XUÂN MINH
TTO