23/01/2025

1.300 nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại TP.HCM được khởi công trong tháng 4

1.300 nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại TP.HCM được khởi công trong tháng 4

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 19-4, ông Trần Hoàng Quân – giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM – cho biết ngay trong tháng 4 này, các công trình nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân TP.HCM với hơn 1.300 căn sẽ được khởi công.

 

1.300 nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại TP.HCM được khởi công trong tháng 4 - Ảnh 1.

TP.HCM sẽ khởi công các công trình, dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với số lượng trên 1.300 căn hộ trong tháng 4 – Ảnh: TỰ TRUNG

Theo giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Hoàng Quân, các công trình, dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với số lượng căn hộ trên 1.300 căn sẽ khởi công trong các ngày 25, 26 và 27-4. Trong đó, có dự án nằm ở TP Thủ Đức, phục vụ người lao động, công nhân làm việc tại Khu chế xuất Linh Trung.

Theo kế hoạch của Sở Xây dựng, dự án nhà lưu trú công nhân Khu chế xuất Linh Trung 2 (TP Thủ Đức) được khởi công vào ngày 25-4 với số lượng căn hộ là 360 căn, dự án nhà ở xã hội thuộc khu nhà Nguyên Sơn (huyện Bình Chánh) khởi công ngày 26-4 với 242 căn và dự án chung cư nhà ở xã hội tại phường Long Trường (TP Thủ Đức) khởi công ngày 27-4 với 726 căn.

Trước đó, tại tọa đàm “Gỡ nút thắt phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân” do Đài VTC phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức sáng cùng ngày, ông Trần Hoàng Quân đã chia sẻ các giải pháp để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Trong đó, ông Quân cho rằng cần tạo điều kiện để TP và doanh nghiệp TP tiếp cận nguồn vốn phát triển nhà từ nghị quyết 11 của Chính phủ; Cần rút ngắn các thủ tục hành chính; TP hỗ trợ vốn vay kích cầu để cho vay với thời hạn trên 10 năm; Bố trí nguồn vốn để xây dựng hạ tầng đáp ứng cho các khu nhà đã xây dựng xong…

Riêng với các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao, ông Quân cho rằng sở sẽ tiếp tục rà soát quỹ đất do Nhà nước trực tiếp quản lý ở các khu công nghiệp để sắp xếp, điều chỉnh lại quy hoạch. Theo ông Quân, trước đây đất nằm trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao thì không quy hoạch chức năng ở, dẫn đến không thể xây dựng nhà ở.

Ngoài ra, sở cũng đề xuất tập trung rà soát quỹ đất tại các dự án thương mại có tỉ lệ 20% quỹ đất nhà ở xã hội, để các nhà đầu tư thực hiện đúng quy định.

Ông Quân cho hay đơn vị này đã rà soát, trên địa bàn TP có 34 dự án, nếu xây dựng được sẽ có trên 70.000 căn có thể xây dựng nhà ở xã hội…

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho hay thời gian qua, cả nước đã hoàn thành 275 dự án nhà ở xã hội với quy mô 147.000 căn hộ, tương đương 7,35 triệu m². Hiện nay, các doanh nghiệp đang triển khai 339 dự án với quy mô 371.000 căn hộ, tương đương 18,5 triệu m².

Theo ông Sinh, thực tế xây dựng nhà ở xã hội vẫn chưa đạt như kỳ vọng, chưa đáp ứng nhu cầu chỗ ở rất lớn của người dân, nhất là công nhân ở các khu công nghiệp.

Nói về lý do thiếu nguồn cung, ông Sinh cho rằng do nhiều nguyên nhân, điển hình là việc dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội dù đã được quy định nhưng vẫn chưa đạt được như mong đợi. Các trình tự thủ tục lựa chọn chủ đầu tư còn phiền hà, khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, chính sách thu hút đầu tư chưa đủ mạnh…

Trong số các giải pháp, ông Sinh cho hay hiện bộ đã chỉ đạo rà soát quỹ đất, tăng nguồn cung nhà ở xã hội, có những giải pháp để giảm chi phí, hạ giá thành cho người lao động. Hiện bộ cũng đã thành lập các tổ công tác liên ngành đi làm việc với các địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Bắc Ninh… và nhiều địa phương đã khởi công các dự án nhà ở xã hội.

Theo ông Sinh, các chủ đầu tư rất tích cực tham gia, có giải pháp hạ giá thành, có những chủ đầu tư đã đưa ra căn hộ với mức giá 7-11 triệu đồng/m².

Tại tọa đàm, đại diện các doanh nghiệp, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng “nói thẳng” những vướng mắc về thủ tục, cơ chế, bất cập trong luật, chính sách ưu đãi về đất đai, về vốn và lợi nhuận thấp… dẫn đến nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà làm nhà ở xã hội. Từ đó, các doanh nghiệp kiến nghị các cơ quan xây dựng, thực thi chính sách cần tăng tốc tháo gỡ vướng mắc, gỡ “nút thắt” nhà ở cho người lao động.

NGỌC HIỂN
TTO