23/01/2025

Tập trung thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số để phát triển

Tập trung thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số để phát triển

Diễn đàn kinh tế TP.HCM 2022 với chủ đề “ Kinh tế số – động lực tăng trưởng và phát triển TP.HCM trong tương lai” do UBND TP.HCM tổ chức hôm qua 15.4, thu hút sự tham gia của hơn 900 đại biểu, doanh nghiệp, tổ chức tài chính trong và ngoài nước.

 

 

 

Tập trung thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số để phát triển - ảnh 1
TP.HCM mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp để thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số  NGỌC DƯƠNG

Kinh tế số của TP.HCM đạt gần 8,3 tỉ USD

Báo cáo kết quả từ Viện Nghiên cứu phát triển, kinh tế số (KTS) là một phạm trù mới nhưng đầy tiềm năng phát triển. Theo ước tính của viện, hoạt động KTS của TP.HCM trong năm 2021 có trị giá là 8,27 tỉ USD, tương đương 14,41% GDRP của TP. Thậm chí, nếu đo lường đầy đủ thì có thể con số này còn lớn hơn vì cơ sở dữ liệu tiếp cận để nghiên cứu, khảo sát chưa bao quát hết được các nhóm hoạt động có liên quan.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng từ thực tiễn của TP và trên cơ sở từ những chính sách chung của T.Ư về chuyển đổi số (CĐS), KTS, TP đã đề ra mục tiêu đến năm 2025 trở thành đô thị thông minh, giữ vững là đầu tàu kinh tế của cả nước và đến năm 2030 trở thành địa phương đi đầu về chính quyền số, là trung tâm kinh tế tài chính của khu vực Đông Nam Á. Riêng KTS sẽ chiếm 25% GRDP của TP và tăng lên 40% GRDP vào năm 2030. Vì vậy, thông qua diễn đàn kinh tế, lãnh đạo TP mong muốn nhận được ý kiến từ các chuyên gia, doanh nghiệp (DN) để thực hiện các mục tiêu đó.

TP đã và đang triển khai nhiều chính sách, đồng thời xây dựng các giải pháp để phát huy tính năng động của người dân với phương châm đồng hành cùng DN, cải cách hiệu quả các chỉ số hành chính, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Song song đó, tập trung giải quyết kết nối dữ liệu trên toàn TP, kho dữ liệu dùng chung, dữ liệu mở để cho người dân và DN tham gia xây dựng một hệ sinh thái sản phẩm tiện ích có giá trị cao, kiến tạo môi trường khuyến khích sáng tạo và khởi nghiệp; phát triển đồng bộ hạ tầng số phục vụ KTS và xã hội số. Đồng thời, TP.HCM cũng nghiên cứu triển khai các chính sách thử nghiệm có kiểm soát đối với các dịch vụ số mới, mô hình kinh doanh KTS mới chưa được pháp luật quy định rõ ràng; cơ chế để các DN sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ phục vụ CĐS, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường… “Đặc điểm kinh tế TP.HCM với hơn 95% là các DN vừa và nhỏ cùng với hơn 300.000 hộ sản xuất kinh doanh cá thể đang tạo ra sức sống cho đời sống kinh tế TP. Chính sách của TP sẽ tập trung giải quyết những vấn đề phát sinh trong mối quan hệ giữa chính quyền với người dân và DN. TP.HCM sẽ tổ chức mạng lưới kết nối để cùng đóng góp trong công cuộc phát triển và CĐS của TP”, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.

 

Không làm theo kiểu phong trào

Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế TP.HCM, Phó thủ tướng Lê Văn Khái nhấn mạnh, CĐS, xây dựng chính quyền số đã được Thủ tướng Chính phủ xác định là xu thế tất yếu của thế giới và chúng ta không thể không làm. Đảng và Chính phủ đã có nhiều chính sách nhằm chủ động tham gia cách mạng công nghiệp 4.0, thúc đẩy quá trình CĐS, đẩy nhanh khung pháp luật về chính phủ điện tử, chính quyền số, phát triển KTS. Thành công về CĐS và KTS tại TP.HCM sẽ góp phần quan trọng thành công trên cả nước; đồng thời khẳng định vai trò, vị thế đầu tàu của TP và là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học – công nghệ của khu vực.

TP.HCM có đủ các điều kiện để đi đầu về KTS. TP cần tập trung đầu tư hạ tầng về công nghệ thông tin phục vụ CĐS, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho CĐS và nâng cao khả năng tiếp cận của người dân và DN trong CĐS, trong đó trọng tâm là KTS. Tôi tin tưởng rằng, ngay sau đại dịch Covid-19, khởi động KTS là động lực tăng trưởng cho VN nói chung, TP.HCM với vai trò là đầu tàu trọng điểm sẽ làm được.

GS-TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia TP.HCM, Chủ tịch Hội đồng lý luận T.Ư

Để đạt được các mục tiêu đó, Phó thủ tướng đề nghị TP.HCM trong thời gian tới cần lưu ý tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, thu hút và khai thác tốt mọi nguồn lực để phát triển sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, tức là nền kinh tế thực. Vì chỉ khi có nền kinh tế mạnh, hàng hóa dịch vụ dồi dào thì mới là nền tảng bền vững cho phát triển KTS, kinh doanh trực tuyến hay các dịch vụ cao cấp khác. Thứ hai, tăng cường hợp tác, trao đổi và học hỏi các quốc gia, các đối tác quốc tế. Thứ ba, định hướng chung và chiến lược quốc gia về KTS, xã hội số đã có và TP cần triển khai nhanh chóng và hiệu quả vào các hoạt động thực tế. Tuyệt đối không thể triển khai theo kiểu phong trào. Muốn vậy cần có kế hoạch chi tiết, khả thi với các giải pháp đồng bộ, tạo cơ hội để các bên có liên quan tham gia vào CĐS, KTS.

Đóng góp ý kiến, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, đề xuất từ năm tới, TP.HCM nên đưa tất cả những môn học liên quan trí tuệ nhân tạo, CĐS… vào trường học. Từ đó, TP mới có nguồn nhân lực lớn, là nơi có số DN khởi nghiệp lớn nhất thế giới. Song song đó, muốn làm được CĐS thì cần phải có cơ chế đặc biệt. Ông Bình cũng nhấn mạnh, Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông (TT-TT) từng đề nghị Chính phủ dành ít nhất 1 – 2% ngân sách cho CĐS và ông đề nghị riêng TP.HCM cũng dành ít nhất 2% ngân sách cho hoạt động này.

 

Cần cơ chế để doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia

Vấn đề an toàn, an ninh mạng trong quá trình thực hiện CĐS, phát triển KTS cũng được nhiều chuyên gia và DN đưa ra. Trong khuôn khổ diễn đàn, chiều cùng ngày, lãnh đạo TP.HCM đã gặp các chuyên gia và DN ngành công nghệ TT-TT.

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, kiến nghị TP.HCM cần có cơ chế đột phá, dẫn dắt và tạo điều kiện cho DN tham gia vào hệ sinh thái CĐS; có chính sách kích cầu cho DN tham gia quá trình này cũng như cho DN sử dụng quỹ khoa học công nghệ vào hoạt động CĐS; hỗ trợ kinh phí cho DN CĐS. Đồng quan điểm, ông Mai Hoài An, Phó chủ tịch Liên minh Các DN CĐS, cho biết DN vừa và nhỏ ngành công nghệ TT-TT cũng có nhu cầu phát triển, mong TP có một cơ chế để DN tham gia vào quá trình CĐS của TP hoặc trực tiếp, hoặc thông qua các DN lớn mà không thể qua cơ chế đấu thầu vì sẽ bị loại ngay từ đầu. Đồng thời, cần xúc tiến đẩy mạnh hoạt động kết nối như giao cho các hiệp hội ngành nghề xúc tiến, đào tạo để DN nhỏ tiếp cận được thông tin CĐS.

TP.HCM cần tiếp tục cải cách những thủ tục, quy định về KTS hay cách tiếp cận chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước, giữa nội bộ với DN bên ngoài; đơn giản hóa quy trình và có nhiều giải pháp công nghệ hơn. Song song đó, TP cần phát triển bộ kỹ năng cốt lõi cho người dân để họ thích ứng được với thay đổi về kỹ thuật số. Cuối cùng là yếu tố bảo mật, xây dựng sự tin cậy trong môi trường này, dựa trên các chính sách và dữ liệu cần khuôn khổ pháp lý phù hợp từ khi thu thập đến sử dụng.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại VN

Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định TP luôn mong muốn và chính thức mời gọi các hiệp hội, DN, chuyên gia tham gia tích cực mạnh mẽ vào các dự án để là đồng tác giả của những sản phẩm, những ứng dụng để tạo ra sự đột phá cho sự phát triển kinh tế của TP. Lãnh đạo TP đề ra 5 nhiệm vụ cần làm ngay như xây dựng cơ chế hỗ trợ DN tham gia CĐS, từ DN ngành công nghệ thông tin và DN ứng dụng CĐS; Xây dựng chiến lược về nguồn nhân lực CĐS; Chiến lược đảm bảo an ninh an toàn thông tin; Chiến lược dữ liệu, khai thác kinh tế dữ liệu, an ninh dữ liệu; và cuối cùng là kế hoạch để xây dựng TP là một trung tâm số (Digital Hub).

MAI PHƯƠNG – NGUYÊN NGA

TNO