24/12/2024

Tuyển sinh ĐH: 1 trong 3 nguyên tắc cốt lõi là công bằng với thí sinh

Tuyển sinh ĐH: 1 trong 3 nguyên tắc cốt lõi là công bằng với thí sinh

3 nguyên tắc cốt lõi trong dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH mà Bộ GD-ĐT vừa công bố để xin ý kiến gồm: công bằng đối với thí sinh, bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo, và minh bạch với xã hội.

 

 

Bộ GD-ĐT vừa mới công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH, tuyển sinh CĐ ngành GD mầm non (gọi chung là ĐH). Tuy các nội dung cơ bản vẫn như năm ngoái, có bổ sung một số quy định nhằm thích ứng với điều kiện kỹ thuật hiện nay, nhưng hình thức quy chế được kết cấu lại một cách căn bản, mạch lạc và khoa học hơn.

Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ GD ĐH, Bộ GD-ĐT, việc biên soạn một quy chế mới thay vì sửa đổi, bổ sung (như cách làm của những năm trước) nhằm phục vụ lâu dài công tác quản lý tuyển sinh.

Với dự thảo quy chế mới, lần đầu tiên Bộ GD-ĐT đưa quy định các nguyên tắc cơ bản trong tuyển sinh thành một điều riêng, với 3 nội dung cốt lõi: công bằng đối với thí sinh, bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo, và minh bạch đối với xã hội.

Tuyển sinh ĐH: 1 trong 3 nguyên tắc cốt lõi là công bằng với thí sinh - ảnh 1
1 trong 3 nguyên tắc cốt lõi trong tuyển sinh ĐH là công bằng với thí sinh  QUÝ HIÊN

Theo đó, thí sinh phải được cung cấp thông tin đầy đủ, rõ ràng, tin cậy, nhất quán và kịp thời. Không thí sinh nào bị mất cơ hội dự tuyển do những quy định không liên quan tới trình độ, năng lực (trừ những ngành đào tạo thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng có quy định riêng); hoặc do quy trình tuyển sinh gây phiền hà, tốn kém.

Thí sinh phải được đánh giá khách quan, công bằng và tin cậy về khả năng học tập và triển vọng thành công, đáp ứng yêu cầu của chương trình và ngành đào tạo; được tạo cơ hội trúng tuyển cao nhất và quyền xác định nguyện vọng ưu tiên trong số những ngành, chương trình đủ điều kiện trúng tuyển.

Cơ sở đào tạo (gọi chung là trường ĐH) phải thực hiện các cam kết đối với thí sinh; tư vấn, hỗ trợ và giải quyết khiếu nại, bảo vệ quyền lợi chính đáng của thí sinh trong những trường hợp rủi ro.

Để có sự bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường cạnh tranh trung thực, công bằng và lành mạnh trong tuyển sinh theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.

Để minh bạch với xã hội, trường có trách nhiệm công bố thông tin tuyển sinh đầy đủ, rõ ràng và kịp thời qua các phương tiện truyền thông phù hợp để xã hội và cơ quan quản lý nhà nước cùng giám sát; có trách nhiệm báo cáo theo yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước và giải trình với xã hội qua hình thức phù hợp về những vấn đề lớn, gây bức xúc cho người dân.

 

Phương thức cũ không được giảm quá 30% chỉ tiêu

Về phương thức tuyển sinh, trường ĐH chủ động quyết định một hay nhiều phương thức (thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển với xét tuyển), áp dụng chung cho cả trường hoặc áp dụng riêng cho một số chương trình, ngành, lĩnh vực và hình thức đào tạo. Một ngành hoặc một chương trình đào tạo có thể sử dụng đồng thời một số phương thức tuyển sinh. Mỗi phương thức tuyển sinh phải quy định rõ các tiêu chí đánh giá, xét tuyển và cách thức sử dụng kết hợp các tiêu chí để phân loại, xếp hạng và xác định điều kiện trúng tuyển đối với thí sinh theo yêu cầu của chương trình, ngành đào tạo.

Tiêu chí đánh giá, xét tuyển phải dựa trên yêu cầu về kiến thức nền tảng và năng lực cốt lõi mà thí sinh cần có để theo học chương trình, ngành đào tạo.

Đối với phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả học tập, kết quả thi theo từng môn (bao gồm điểm tổng kết các môn học THPT, điểm thi các môn tốt nghiệp THPT và các kết quả đánh giá khác), tổ hợp môn dùng để xét tuyển bao gồm ít nhất 3 môn phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của chương trình đào tạo (có thể tính hệ số cho từng môn), trong đó có môn toán hoặc ngữ văn.

Một ngành, một chương trình đào tạo có thể sử dụng đồng thời một số tổ hợp môn, trong đó có thể quy định điểm chênh lệch giữa các tổ hợp khi xác định điều kiện trúng tuyển. Không sử dụng quá 4 tổ hợp xét tuyển cho một ngành, một chương trình đào tạo (trừ trường hợp các tổ hợp môn chỉ khác nhau ở môn ngoại ngữ).

Đối với một ngành, chương trình đào tạo có chỉ tiêu riêng cho từng phương thức xét tuyển hoặc tổ hợp xét tuyển. Việc phân bổ chỉ tiêu giữa các phương thức, tổ hợp xét tuyển phải có căn cứ hợp lý, không gây mất công bằng cho các thí sinh chọn phương thức, tổ hợp xét tuyển khác nhau. Việc bổ sung phương thức, tổ hợp xét tuyển mới phải có căn cứ và lộ trình hợp lý, không làm chỉ tiêu của phương thức, tổ hợp sử dụng trong năm trước giảm quá 30% chỉ tiêu của ngành, chương trình đào tạo.

Trường chịu trách nhiệm giải trình về căn cứ khoa học và thực tiễn trong xác định phương thức tuyển sinh, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển và phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh; trong đó có dựa trên phân tích, đánh giá và đối sánh kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển hàng năm.

QUÝ HIÊN

TNO