24/12/2024

Thí sinh xác nhận nhập học tại một trường vẫn có thể xét tuyển trường khác ?

Thí sinh xác nhận nhập học tại một trường vẫn có thể xét tuyển trường khác ?

Bộ GD-ĐT mới công bố dự thảo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non. Theo đó hình thức quy chế được đổi mới hoàn toàn, đồng thời bổ sung một số quy định xét tuyển nhằm thích ứng với điều kiện hiện nay.

 

 

 

Các quy định của dự thảo quy chế mới gồm 27 điều, được khuôn gọn trong 4 chương: quy định chung, tổ chức thi, tổ chức xét tuyển, tổ chức thực hiện. Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT, việc biên soạn một quy chế mới thay vì sửa đổi, bổ sung (như cách làm của những năm trước) nhằm phục vụ lâu dài công tác quản lý tuyển sinh.

Thí sinh xác nhận nhập học tại một trường vẫn có thể xét tuyển trường khác ? - ảnh 1
Thí sinh đã dự tuyển vào trường theo kế hoạch xét tuyển sớm vẫn phải tiếp tục đăng ký nguyện vọng trên hệ thống theo kế hoạch chung của Bộ  ĐÀO NGỌC THẠCH

Với dự thảo quy chế mới, lần đầu tiên Bộ GD-ĐT đưa quy định các nguyên tắc cơ bản trong tuyển sinh thành một điều riêng, với 3 nội dung cốt lõi: công bằng đối với thí sinh (TS), bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo, minh bạch đối với xã hội. Cơ sở đào tạo (gọi chung là trường đại học – ĐH) phải thực hiện các cam kết đối với TS; tư vấn, hỗ trợ và giải quyết khiếu nại, bảo vệ quyền lợi chính đáng của TS trong những trường hợp rủi ro.

Đặc biệt, một quy định mở dự kiến được đưa vào quy chế năm nay là mở cơ hội cho TS đã xác nhận nhập học tại một trường. Về nguyên tắc, các TS không được tham gia xét tuyển ở nơi khác hoặc ở các đợt xét tuyển bổ sung nhưng nếu được trường mà các TS đã xác nhận trúng tuyển cho phép thì vẫn được tham gia xét tuyển nơi khác hoặc ở các đợt xét bổ sung.

 

Tất cả đăng ký nguyện vọng trên hệ thống chung

Với các quy định liên quan tới tổ chức xét tuyển, Bộ đặt ra 3 nội dung chính: xét tuyển thẳng, xét tuyển sớm, xét tuyển chung. Việc xét tuyển thẳng giống như mọi năm, xét trước kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Với xét tuyển sớm, trường được thực hiện quy trình xét tuyển cho những TS đã hoàn thành thủ tục dự tuyển, nhưng không được yêu cầu TS xác nhận nhập học sớm hơn lịch trình theo kế hoạch chung. Trường công bố và đăng tải danh sách TS đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) lên hệ thống để xử lý nguyện vọng (NV) cùng với các phương thức xét tuyển khác theo kế hoạch chung, hoàn thành trước khi diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT. TS đã dự tuyển vào trường theo kế hoạch xét tuyển sớm, sau đó phải tiếp tục đăng ký nguyện vọng trên hệ thống theo kế hoạch chung của Bộ. Với TS đã được trường thông báo đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) một NV nhất định, tự quyết định đặt thứ tự ưu tiên NV khi đăng ký trên hệ thống. Những TS không đủ điều kiện trúng tuyển vào một ngành đào tạo theo NV thì vẫn có thể tiếp tục đăng ký ngành đào tạo đó theo phương thức tuyển sinh khác trên hệ thống.

 

Quy định về đề thi cho các trường tuyển sinh riêng

Bộ GD-ĐT quy định, nếu các trường tự tổ chức thi tuyển sinh thì phải có đề cương đề thi, đề cương phải được công bố cho TS ít nhất 30 ngày trước ngày thi. Cấu trúc đề thi đối với kỳ thi tuyển sinh hoặc kỳ thi độc lập phải chứa thành phần môn toán hoặc ngữ văn cùng với ít nhất 2 môn học bắt buộc khác trong chương trình THPT phù hợp với yêu cầu của lĩnh vực, ngành đào tạo.

Phạm vi đánh giá của đề thi chủ yếu nằm trong chuẩn kiến thức, kỹ năng và năng lực cốt lõi của chương trình THPT; riêng phạm vi đánh giá của kỳ thi bổ trợ dựa trên yêu cầu về tài năng, năng khiếu hoặc phẩm chất đặc biệt của ngành, lĩnh vực đào tạo.

Tiêu chí đánh giá phải dựa trên các cấp độ năng lực nhận thức, tư duy; phân loại được năng lực học tập, mức độ phù hợp của TS đối với các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi tuyển sinh. Đề thi được xây dựng dựa trên trích xuất ngẫu nhiên từ ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa đủ lớn, hoặc được xây dựng hoàn toàn mới theo quy trình bảo mật tuyệt đối.

Với xét tuyển trên hệ thống theo kế hoạch chung, Bộ hỗ trợ tổ chức đăng ký xét tuyển đợt 1 đào tạo chính quy cho tất cả phương thức tuyển sinh của các trường. Thời gian đăng ký bắt đầu sau kỳ thi tốt nghiệp THPT và kết thúc sau khi có kết quả thi và xét tốt nghiệp THPT. TS dự tuyển đợt 1 (bao gồm cả những TS đã dự tuyển theo kế hoạch xét tuyển sớm của cơ sở đào tạo) thực hiện đăng ký xét tuyển trên hệ thống theo kế hoạch chung và hướng dẫn của Bộ. TS được đăng ký NV vào nhiều ngành, nhiều trường khác nhau không hạn chế số lượng, nhưng phải sắp xếp các NV theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp.

 

Thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng cao nhất

Trong trường hợp nhiều NV đủ điều kiện trúng tuyển, TS chỉ được công nhận trúng tuyển và gọi nhập học theo NV cao nhất.

Về kỹ thuật xét tuyển và xử lý nguyện vọng theo kế hoạch chung, Bộ yêu cầu các trường tự chủ tổ chức xét tuyển theo các phương thức và tiêu chí xét tuyển riêng, hoặc tự nguyện phối hợp theo nhóm để tổ chức xét tuyển theo các phương thức và tiêu chí xét tuyển chung. Bộ hướng dẫn lịch trình xét tuyển và hỗ trợ việc xử lý NV trên hệ thống, giúp các trường giảm thiểu lượng TS ảo và thực hiện đúng chỉ tiêu tuyển sinh.

Nguyên tắc xét tuyển các trường thực hiện như mọi năm, điểm trúng tuyển được xác định để số lượng tuyển được theo từng ngành, chương trình đào tạo phù hợp với chỉ tiêu đã công bố, nhưng không thấp hơn ngưỡng đầu vào. Đối với một ngành đào tạo (hoặc một chương trình đào tạo) theo một phương thức và tổ hợp môn, tất cả TS được xét chọn bình đẳng theo điểm xét không phân biệt thứ tự ưu tiên của NV đăng ký, trừ trường hợp nhiều TS có cùng điểm xét đứng cuối danh sách (khi đó, trường có thể sử dụng tiêu chí phụ là thứ tự NV để xét chọn những TS có thứ tự NV cao hơn).

Trường cập nhật danh sách TS trúng tuyển và nhập học lên hệ thống chậm nhất 30 ngày sau khi TS hoàn thành thủ tục nhập học.

 

Chỉ tiêu tổ hợp cũ không được giảm quá 30%

Về phương thức tuyển sinh, trường ĐH chủ động quyết định một hay nhiều phương thức (thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển với xét tuyển), áp dụng chung cho cả trường hoặc áp dụng riêng cho một số chương trình, ngành, lĩnh vực và hình thức đào tạo. Một ngành hoặc một chương trình đào tạo có thể sử dụng đồng thời một số phương thức tuyển sinh.

Đối với phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả học tập, kết quả thi theo từng môn (bao gồm điểm tổng kết các môn học THPT, điểm thi các môn tốt nghiệp THPT và các kết quả đánh giá khác), tổ hợp môn dùng để xét tuyển bao gồm ít nhất 3 môn phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của chương trình đào tạo (có thể tính hệ số cho từng môn), trong đó có môn toán hoặc ngữ văn. Một ngành, một chương trình đào tạo có thể sử dụng đồng thời một số tổ hợp môn, trong đó có thể quy định điểm chênh lệch giữa các tổ hợp khi xác định điều kiện trúng tuyển. Không sử dụng quá 4 tổ hợp xét tuyển cho một ngành, một chương trình đào tạo (trừ trường hợp các tổ hợp môn chỉ khác nhau ở môn ngoại ngữ).

Đối với một ngành, chương trình đào tạo có chỉ tiêu riêng cho từng phương thức xét tuyển hoặc tổ hợp xét tuyển, việc phân bổ chỉ tiêu giữa các phương thức, tổ hợp xét tuyển phải có căn cứ hợp lý, không gây mất công bằng cho các TS chọn phương thức, tổ hợp xét tuyển khác nhau. Việc bổ sung phương thức, tổ hợp xét tuyển mới phải có căn cứ và lộ trình hợp lý, không làm chỉ tiêu của phương thức, tổ hợp sử dụng trong năm trước giảm quá 30% chỉ tiêu của ngành, chương trình đào tạo.

QUÝ HIÊN

TNO