23/12/2024

Sri Lanka vỡ nợ vì đâu?

Sri Lanka vỡ nợ vì đâu?

Ngày 12-4, Ngân hàng Trung ương Sri Lanka tuyên bố “không thể” trả các khoản nợ nước ngoài do phải để dành nguồn ngoại tệ đang suy kiệt “nhập khẩu các hàng hoá thiết yếu”.

 

Sri Lanka vỡ nợ vì đâu? - Ảnh 1.

Người dân Sri Lanka biểu tình đòi tổng thống từ chức – Ảnh: AFP

 

Tuyên bố này đồng nghĩa với việc Colombo không còn khả năng trả các khoản nợ nước ngoài tổng cộng đã lên tới 51 tỉ USD, ở một quốc gia mà GDP năm 2021 chỉ là 81 tỉ USD.

 

Khoản vay IMF thứ 17

Theo Reuters, dự trữ ngoại hối của đảo quốc này đã giảm hơn 2/3 trong hai năm qua, trong khi những khoản cắt giảm thuế và đại dịch COVID-19 tác động mạnh lên nền kinh tế vốn dựa vào du lịch, khiến nhà nước phải dựa quá nhiều vào vay nợ để chi tiêu. Hơn một tháng qua, biểu tình đã nổ ra trên toàn quốc vì thiếu nhiên liệu, mất điện, không đủ lương thực và thuốc men.

“Chúng tôi phải tập trung vào các hàng hóa nhập khẩu thiết yếu và không thể lo trả nợ nước ngoài lúc này”, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Sri Lanka

P.Nandalal Weerasinghe nói trong họp báo. Ông Weerasinghe cũng cho biết Sri Lanka sẽ chưa trả nợ cho tới khi đạt được một thỏa thuận với các chủ nợ và nhận được câu trả lời về một khoản vay cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) – mà nếu được duyệt sẽ là khoản vay IMF thứ 17 của Sri Lanka trong lịch sử đất nước.

Việc thương thuyết về các khoản vay khẩn cấp giữa Colombo và các chủ nợ chính thức bắt đầu vào ngày 11-4. Nghĩa vụ nợ nước ngoài của Sri Lanka trong năm nay là khoảng 7 tỉ USD, bao gồm 1 tỉ USD trái phiếu chính phủ phát hành quốc tế sẽ đáo hạn vào tháng 7. “Đây đã là một vụ vỡ nợ và là không thể tránh khỏi” – ông Murtaza Jafferjee, giám đốc điều hành Hãng môi giới Sri Lanka J.B Securities, nói với Reuters.

Ông Timothy Ash, chiến lược gia cấp cao về các thị trường mới nổi của Hãng tài chính Anh BlueBay Asset Management, cho rằng “điều duy nhất đáng ngạc nhiên ở đây là chính quyền Colombo tới giờ mới chấp nhận thực tế. Việc tuyên bố ngừng trả nợ cho tới khi họ đạt được thỏa thuận với IMF và những chủ nợ là hợp lý”. Trong khi đó, ông Weerasinghe hy vọng mọi việc sẽ được dàn xếp “với thiện chí”, đồng thời nhấn mạnh đất nước 23 triệu dân này chưa từng vỡ nợ.

Sai lầm nối tiếp sai lầm

Thật vậy, đây là lần đầu tiên Sri Lanka không thể trả nợ nước ngoài từ khi độc lập vào năm 1948. Động thái của chính quyền Colombo cũng đã được các thị trường quốc tế lường trước nhiều tháng qua với tình hình khó khăn trong nước. Hàng chục nghìn người biểu tình đầy giận dữ vẫn đang xuống đường đòi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa từ chức.

Gia tộc Rajapaska đã nắm quyền lãnh đạo đất nước gần suốt một thập niên qua – đứng đầu là ông Gotabaya và anh trai ông là Thủ tướng Mahinda Rajapaksa. Hiện họ vẫn khẳng định sẽ không từ chức và dự kiến sẽ đứng ra thương lượng gói cứu trợ với IMF trong cuộc gặp ở Washington vào tuần sau. Trước đó, chính IMF khuyến cáo Sri Lanka thương lượng với các chủ nợ – chủ yếu là Ngân hàng Phát triển châu Á, Nhật Bản, Trung Quốc và các hãng tư nhân như BlackRock – để xin tạm dừng trả nợ cho đến khi đất nước ổn định lại.

Với nền kinh tế chủ yếu dựa vào dịch vụ (59,2% GDP – bao gồm du lịch, khai thác cảng biển, dịch vụ công nghệ thông tin…), mảng sản xuất vật chất khá khiêm tốn(nông nghiệp chỉ chiếm 7,4% và công nghiệp chế tạo 27,4%), Sri Lanka lâm vào khủng hoảng kinh tế khi giá cả nhiều mặt hàng nhập khẩu tăng mạnh và lạm phát vọt lên mức cao nhất lịch sử 17,5% vào tháng 3-2022. Giá gạo, chẳng hạn, đã tăng lên 500 rupee Sri Lanka (1,53 USD) một ký so với bình thường chỉ 80 rupee.

Dù khá phát triển nhưng lĩnh vực nông nghiệp của Sri Lanka chủ yếu tập trung vào các cây trồng xuất khẩu như trà, cà phê, cao su và gia vị. Tháng 4-2021, chính quyền Rajapaksa phạm một sai lầm chết người nữa. Nhằm ngăn nguồn ngoại hối chảy ra nước ngoài, một lệnh cấm trắng nhập khẩu phân bón được ban bố. Sri Lanka tuyên bố họ sẽ trở thành nước canh tác nông nghiệp hữu cơ 100%. Chính sách này thất bại hoàn toàn và bị hủy bỏ vào tháng 11-2021, nhưng hậu quả là sự suy giảm sản lượng nông nghiệp chưa từng thấy, dẫn tới nhu cầu nhập khẩu lại càng lớn hơn.

Một yếu tố quan trọng khác là mối quan hệ kinh tế của Sri Lanka với Trung Quốc. Những khoản nợ không thể trả liên quan tới các khoản vay từ Trung Quốc để xây dựng cơ sở hạ tầng như dự án cảng Hambantota, cảng lớn thứ hai đất nước sau Colombo, được coi là một nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng. Tuy nhiên, cũng cần biết rằng nợ Trung Quốc chỉ chiếm 10% tổng nợ nước ngoài của Sri Lanka năm 2020, vẫn còn kém so với Nhật Bản (11%) và nợ do phát hành trái phiếu chính phủ ra quốc tế (30%).

 

Cho Trung Quốc thuê cảng biển 99 năm

Việc xây dựng cảng Hambantota bắt đầu từ năm 2008 nhờ nguồn tài chính của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc. Khai trương năm 2010, cảng này thua lỗ triền miên, dẫn tới việc chính quyền Sri Lanka quyết định cho Tập đoàn Chiêu thương cục Trung Quốc thuê luôn cảng trong 99 năm với khoản phí 1,12 tỉ USD.

HẢI MINH
TTO