24/01/2025

Lâu quá không bay, hàng không bối rối

Lâu quá không bay, hàng không bối rối

Nhiều sân bay ở Mỹ, Anh và Úc đang chứng kiến nhiều tình huống rắc rối phát sinh khi lượng hành khách tăng trở lại nhưng số nhân viên phục vụ chưa đủ đáp ứng.

 

Lâu quá không bay, hàng không bối rối - Ảnh 1.

Hành khách nội địa xếp hàng dài tại sân bay Sydney (Úc) hôm 9-4 – Ảnh: Sydney Morning herald

 

Ngày 13-4, thêm nhiều chuyến bay tại các sân bay của Anh bị hủy do thiếu nhân viên phục vụ tại sân bay. Tại sân bay Sydney của Úc trong tuần này, hành khách cũng đã phải xếp hàng chờ nhiều giờ liền để làm thủ tục.

 

“Cơn bão kinh hoàng”

Ngành hàng không đã từng phải cho thôi việc hàng trăm ngàn nhân viên để vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch COVID-19. Bởi vậy, khi nhiều nước dỡ bỏ hạn chế đi lại, không ít sân bay và hãng bay “trở tay không kịp” vì chưa có đủ ngay số nhân viên cần thiết để phục vụ nhu cầu tăng mạnh trở lại. Chưa kể lúc này, virus vẫn chưa “buông tha” các tổ bay và nhân viên mặt đất.

Lãnh đạo sân bay Sydney, nơi được coi như cửa ngõ quốc tế của Úc, mô tả việc dồn cùng lúc nhiều yếu tố tác động này là “cơn bão kinh hoàng”. Hãng hàng không quốc gia Úc Qantas đối mặt với việc thiếu khoảng 50% nhân viên, trong khi lực lượng lao động của sân bay Sydney hiện chỉ bằng một nửa so với lúc thường.

“Chúng tôi không có đủ nhân viên. Tình trạng này sẽ kéo dài một thời gian ngắn”, giám đốc điều hành sân bay Sydney, ông Geoff Culbert, nói trên Đài ABC (Úc) hôm 12-4. Đã có một số hỗn loạn tại các sân bay Úc diễn ra ngay trước lễ Phục sinh và ngày lễ Anzac ở nước này.

Ông Culbert cho biết vào một số ngày, sân bay Sydney hoạt động với số nhân viên chỉ bằng 60% mức trước dịch, nhưng phải xử lý số khách bằng 90% ở lúc không dịch.

Sự phục hồi mau chóng lượng hành khách đi lại ở một số thị trường lớn như Mỹ cũng đã khiến các hãng hàng không và sân bay lúng túng. Trả lời Hãng tin Bloomberg hôm 12-4, ông Tony Fernandes, người đồng sáng lập Hãng AirAsia, cho biết các sân bay của Mỹ cũng đang quá tải hành khách.

Các hành khách ở Anh cũng phải xếp hàng dài trong tuần này tại sân bay. Gần 4,2 triệu người đã đi qua sân bay Heathrow của London trong tháng 3 năm nay, tăng hơn 7 lần so với một năm trước.

Hãng hàng không giá rẻ EasyJet và Hãng British Airways của Anh đều đã hủy các chuyến bay hôm 10-4. Cùng ngày, 1/3 số dịch vụ của EasyJet đã bị trì hoãn.

Những hàng dài người chờ đợi, hành lý thất lạc, chuyến bay bị trì hoãn hoặc bay trễ đã ảnh hưởng đến kế hoạch đi lại của hàng ngàn người Anh những ngày qua. Theo báo The Independent, giới chuyên gia cảnh báo tình trạng hỗn loạn tại các sân bay của Anh có thể sẽ kéo dài thêm một năm nữa.

 

Khắc phục khó khăn

Ngoài lượng hành khách tăng và thiếu nhân viên, còn nhiều vấn đề khác khiến ngành hàng không gặp khó lúc này. Việc tuyển dụng nhân sự mới và đào tạo cần phải có thời gian, trong khi đó, sau một thời gian dài không bay, nhiều người quên mất những thủ tục cần làm, các yêu cầu liên quan COVID-19, giá nhiên liệu tăng do xung đột Nga – Ukraine…, tất cả làm phát sinh thêm các yếu tố phức tạp cho ngành hàng không.

Ông Alan Joyce, giám đốc điều hành Hãng hàng không Úc Qantas, cho biết nhân viên an ninh tại sân bay Sydney đã phải kiểm tra lại 30% số hành khách vì họ quên lấy các vật dụng như máy tính xách tay và bình xịt ra khỏi túi xách. Trước dịch COVID-19, tỉ lệ này là 10%.

Để giải quyết tình trạng hỗn loạn tại các sân bay ở Úc, các công ty an ninh đang ráo riết tìm thêm nhân viên, giới chức y tế nới lỏng quy định cách ly để có thêm người làm việc, trong khi các hãng bay đề nghị hành khách đến trước giờ khởi hành 2 tiếng đồng hồ…

Tại xứ sở sương mù, người phát ngôn Bộ Nội vụ Anh nói với báo The Independent: “Những hành khách ra vào nước Anh trong kỳ lễ Phục sinh bận rộn này có thể phải chờ đợi lâu hơn bình thường”. Sân bay Heathrow cũng đang tìm thuê 12.000 nhân viên mới sau khi Anh dỡ bỏ các hạn chế đi lại.

Hôm 10-4, kênh CNBC cho biết Hãng JetBlue Airways (Mỹ) đang có kế hoạch giảm lịch trình mùa hè để tránh gián đoạn chuyến bay do thiếu nhân viên. Hãng bay này sẽ thưởng cho các tiếp viên hàng không 1.000 USD nếu họ làm việc liên tục từ ngày 8-4 đến 31-5.

Hiện nay Thái Lan và Singapore chưa mở cửa lại ở mức độ tương tự các nước phương Tây, nên chưa phát sinh nhiều rắc rối. Ông Tony Fernandes cho rằng phải vài tháng nữa mức độ phục hồi đi lại đường không tương tự mới diễn ra ở châu Á.

 

80.000

Theo báo The Guardian, sân bay Sydney của Úc cảnh báo tình trạng trì hoãn tại đây sẽ còn tiếp tục tồi tệ hơn một thời gian nữa rồi mới cải thiện. Dự kiến 14-4 là ngày bận rộn nhất của sân bay này kể từ đầu đại dịch COVID-19 với ước tính khoảng 80.000 hành khách sẽ tới. Còn sân bay Brisbane dự kiến sẽ đón 50.000 hành khách trong cùng ngày.

BẢO ANH
TTO