24/12/2024

Du học hậu Covid-19, nở rộ xu hướng mới

Du học hậu Covid-19, nở rộ xu hướng mới

Trong bối cảnh vắc xin phổ biến và các nước dần mở cửa biên giới, học sinh lạc quan trước kế hoạch du học hậu Covid-19. Trong khi đó thị trường du học cũng có những xu hướng mới.

 

 

Đã được học trực tiếp

Một năm trước, Nguyễn Xuân Hải Hà (học sinh (HS) lớp 12 Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM) dự định du học khóa dự bị tại Trường quản lý khách sạn quốc tế Blue Mountain (Sydney, Úc). Nhưng vì Covid-19, kế hoạch này phải hoãn lại. Hiện em đang luyện thi IELTS với mục tiêu 7,5 và ứng tuyển chương trình cử nhân.

“Em sẽ nhập học vào cuối tháng 9 năm nay. Chuyên ngành em chọn là quản trị khách sạn vì gia đình đều có liên quan tới lĩnh vực này và Úc là quốc gia phù hợp để phát triển”, Hà nói và chia sẻ thêm nước này đã mở cửa biên giới từ tháng 2.2022 nên em sẽ được học trực tiếp tại trường.

Nguyễn Anh Minh (HS lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM) cho biết cũng sẽ học trực tiếp tại Trường ĐH Washington (Mỹ) vào tháng 9 chuyên ngành đạo diễn hình ảnh.

Du học hậu Covid-19, nở rộ xu hướng mới - ảnh 1
Với nhiều năm kinh nghiệm, Anh Khoa (trái) và Quế Anh đều chọn mở trung tâm ngoại ngữ và tư vấn du học ở tuổi 20  NVCC

“Quá trình ứng tuyển khá gấp rút vì đến tận tháng 8.2021, tức 3 tháng trước hạn nộp hồ sơ, em mới quyết định du học. Ứng tuyển vào thời điểm hậu đại dịch nên điều khác biệt để cạnh tranh là bài luận của em, vì khi em học trực tuyến điểm số không khả quan”, nam sinh nói và cho biết thêm cũng vì dịch nên Minh chọn thi chứng chỉ DET (Duolingo English Test) và đạt được 125 điểm, tương đương 7,5 IELTS.

Lên kế hoạch du học tự túc từ sớm, Lâm Hoàng Nam (HS lớp 11 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM) sẽ đến Đức khoảng tháng 10.2023. Tại đây, em phải học dự bị trong khoảng 1 – 2 năm, trải qua kỳ thi đầu vào khối ngành y dược trước khi trở thành tân sinh viên chuyên ngành tim mạch của ĐH Leipzig.

Nam cho biết chỉ cần tiêm đủ 2 mũi vắc xin là có thể nhập cảnh cho tất cả các mục đích lưu trú dài hạn.

 

Du học bằng học bổng giảm mạnh

Chia sẻ về tình hình du học hậu Covid-19, ông Don Le, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập Trung tâm Everest Education (Q.7, TP.HCM), cho biết do tình hình kinh tế khó khăn nên các trường ĐH giảm các khoản hỗ trợ, làm gia tăng mức độ cạnh tranh học bổng. “Tỷ lệ du học qua học bổng giảm mạnh”, ông khẳng định.

Ông Don Le thông tin: “Trong hai năm dịch Covid-19, số lượng đăng ký du học tại trung tâm có giảm nhưng không đáng kể. Đó là vì phương án của các gia đình trong thời điểm hiện tại là tiếp tục hoàn thiện hồ sơ du học và lựa chọn hình thức học online để đảm bảo an toàn mùa dịch”.

Cũng theo ông Don Le, HS nếu có dự định du học trong thời điểm hiện tại cần thích ứng với hình thức học trực tuyến và linh hoạt với những sự thay đổi bất ngờ tại trường hoặc nơi lưu trú.

 

Nở rộ “du học” trong nước

Bên cạnh du học nước ngoài, các trường ĐH quốc tế tại Việt Nam như VinUni, RMIT, Fulbright… cũng thu hút đông đảo HS trong bối cảnh hậu Covid-19. Theo Trần Anh Khoa (Trường ĐH New York cơ sở Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất), đó là vì những ĐH trên “có triết lý giáo dục cởi mở, sáng tạo, ứng dụng cao cùng những suất học bổng khổng lồ”. “Quy trình tuyển sinh của ĐH quốc tế mô phỏng theo mô hình của Mỹ, Anh nên rất quen thuộc với du HS”, Khoa nói.

Du học hậu Covid-19, nở rộ xu hướng mới - ảnh 2
Hai du học sinh Việt Nam sang Hà Lan du học vào tháng 9.2021 sau một năm học trực tuyến tại Việt Nam  VÂN ANH

Hỗ trợ HS đạt được giấc mơ ĐH quốc tế từ 2019, NCS-TS Lê Đình Hiếu, chuyên gia học bổng Trung tâm MAX Education, nhận xét vì mức đầu tư thấp, HS ngày càng nhận thức được giá trị của các chương trình chuẩn quốc tế từ các trường quốc tế trong nước nên các em rất cởi mở đón nhận và phụ huynh cũng sẵn sàng đầu tư công sức.

Đánh giá về “độ khó” để ứng tuyển học bổng thành công, ông Hiếu khẳng định ĐH quốc tế tại Việt Nam dù không bằng các trường hàng đầu của thế giới nhưng về mức độ cạnh tranh thì ngang ngửa vì những trường tốt có tỷ lệ chấp nhận cũng chỉ vài phần trăm.

 

“Trẻ hóa” trung tâm du học

Tháng 1.2021, ở tuổi 20, Lâm Đào Quế Anh (Trường Kinh doanh Stern của ĐH New York, Mỹ) cùng em gái thành lập trung tâm ngoại ngữ và tư vấn du học SOHO Academics với hai chi nhánh tại TP.HCM. Động lực đằng sau quyết định này, theo cô, là niềm tin “tuổi tác không quyết định năng lực”.

Quế Anh chia sẻ: “Năm lớp 12, vì thất vọng với dịch vụ ngoài nên tôi phải tự thực hiện hồ sơ và giành được học bổng 70.000 USD (1,6 tỉ đồng). Rồi tôi hướng dẫn cho các bạn khác và nhận ra có thể làm tốt công việc này. Điều quan trọng không phải là quy mô, mà là cách làm việc với HS cũng như làm rõ những gì có thể mang đến”.

Thành lập trung tâm khi vẫn đang ngồi trên giảng đường quốc tế, nữ sinh TP.HCM nhận định khó khăn lớn nhất là phải tuân thủ các yêu cầu pháp lý như giấy phép hoạt động hay hợp đồng hai bên. “Chúng ta chịu trách nhiệm cho tương lai người khác nên cần có quy trình đầy đủ, phải tìm hiểu kỹ luật và đảm bảo làm đúng luật”, cô nói.

Nhận định nhiều phụ huynh Việt cho rằng tuổi tác quyết định kinh nghiệm nên khó tin tưởng những dịch vụ do sinh viên cung cấp, Quế Anh chọn thảo luận với HS lộ trình du học cụ thể, rõ ràng để thuyết phục phụ huynh trước khi ký kết hợp đồng. Nhờ sự đầu tư ngay từ khởi đầu cùng kết quả thực tế, từ 6 HS ban đầu, trung tâm hiện đang đồng hành cùng 9 bạn khác.

Cùng trong năm 2021, Trần Anh Khoa khi đó 20 tuổi lần lượt ra mắt hai hệ sinh thái chuyên về du học là VSPACE và MiYork vào tháng 1 và tháng 8, hoạt động hoàn toàn trên môi trường trực tuyến với đầy đủ giấy phép.

Trước khi thành lập công ty, anh từng đạt được học bổng toàn phần cho 4 năm học, ước tính 75.000 – 85.000 USD mỗi năm (1,7 – 1,9 tỉ đồng), sau đó tư vấn du học miễn phí cho nhiều bạn khác.

“Mục tiêu chúng tôi nhắm đến không phải kinh doanh mà là giáo dục. Tôi nhìn nhận việc tư vấn không chỉ dừng lại ở quá trình du học mà còn có thể tạo ra kỹ năng, tư duy giúp HS lập nghiệp hoặc khởi nghiệp thành công”, chàng trai 21 tuổi nói và cho biết thêm anh mở trung tâm vì còn để tìm nhân tài cùng đồng hành về sau.

Để hiện thực hóa mục tiêu giáo dục đã đề ra, Anh Khoa dành nhiều chú ý đến vấn đề chi phí nhằm tạo điều kiện “du học cho tất cả”. Bên cạnh giá rẻ, anh còn chia dịch vụ thành các gói khác nhau tùy vào khả năng thanh toán, trong đó có cả gói săn học bổng du học toàn cầu miễn phí dành cho mọi cấp bậc. “Các dịch vụ cũng cho phép HS trả phí sau khi nhận được học bổng”, anh nói.

Điểm chung giữa hai trung tâm là tuyển dụng đội ngũ trẻ đều dưới 25 tuổi với những yêu cầu riêng về kỹ năng, bằng cấp và thành tích. Theo Quế Anh, đó là vì “những bạn càng trẻ thì càng dễ gần gũi với HS”, còn Anh Khoa tin “điều đó tạo ra sự thân thiết, gắn kết để làm việc lâu dài”.

Quế Anh giải thích: “Chúng tôi muốn đứng cạnh HS như người bạn đồng hành chứ không phải là một tư vấn viên chỉ biết theo dõi và đánh giá. Nhờ đó có thể thấu hiểu, đưa ra lời khuyên và cùng lăn xả với các em trên hành trình dài phía trước”.

 

Du học ở Trung Quốc thì sao ?

Trong bối cảnh nhiều nước đã hoàn toàn mở cửa biên giới, riêng Trung Quốc với chính sách “zero-Covid” vẫn đang bỏ ngỏ cơ hội học trực tiếp tại nước này.

Võ Thị Anh Tú (HS lớp 12 Trường THPT Chu Văn An, Lâm Đồng), du học ĐH Duke Kunshan (Tô Châu, Trung Quốc), cho biết hiện du HS không thể xin visa học tập và khả năng cao em sẽ chưa được học trực tiếp tại trường trong kỳ học mùa thu vào tháng 9.

“Nhưng ngoài học trực tuyến từ xa, em có thể lựa chọn các chương trình on-site (học chương trình của trường nhưng ở các quốc gia khác) hoặc chương trình liên kết ở các quốc gia khác nhau đã được trường kiểm tra về học thuật và dịch vụ”, Tú kể về các phương án học trực tiếp của nhà trường.

NGỌC LONG

TNO