24/01/2025

Sri Lanka lún sâu khủng hoảng kinh tế

Sri Lanka lún sâu khủng hoảng kinh tế

Sri Lanka sắp cạn sạch thuốc men, dụng cụ y tế do cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng đang diễn ra. Các bác sĩ cảnh báo cuộc khủng hoảng y tế có thể giết nhiều người ở nước này còn hơn cả COVID-19.

 

 

Sri Lanka lún sâu khủng hoảng kinh tế - Ảnh 1.

Hàng triệu người dân Sri Lanka đang sống trong cảnh thiếu thốn, khó khăn vì khủng hoảng kinh tế – Ảnh: REUTERS

Cuộc khủng hoảng kinh tế khiến người dân Sri Lanka sống trong cảnh mất điện triền miên, thiếu hụt lương thực, nhiên liệu và thuốc men.

Hiệp hội Y tế Sri Lanka (SLMA) cho biết tất cả các bệnh viện ở nước này đều không thể tiếp cận nguồn thuốc, dụng cụ y tế nhập khẩu. Một số cơ sở đã ngừng các ca phẫu thuật thông thường vì cạn nguồn thuốc mê.

Điều đáng lo ngại là cuộc khủng hoảng này có khả năng sẽ còn kéo dài.

“Chúng tôi phải đưa ra những lựa chọn rất khó khăn. Chúng tôi phải quyết định ai sẽ được điều trị và ai sẽ không”, Hãng tin AFP dẫn lời SLMA nói ngày 10-4. Trước đó, tổ chức này đã gửi thư cho Tổng thống Gotabaya Rajapaksa để cảnh báo về tình hình hiện nay.

“Nếu nguồn cung không được khôi phục trong vòng vài ngày, số người chết sẽ còn tồi tệ hơn nhiều so với đại dịch”, SLMA cảnh báo.

Hơn 85% thuốc tại Sri Lanka là nhập khẩu từ nước ngoài và nhiều loại thuốc đã không còn từ tháng 3-2022.

“Có những loại thuốc quan trọng như thuốc tim, thuốc điều trị huyết áp, đột quỵ, tất cả đều đã hết. Tôi nghe nói nhiều loại thuốc điều trị ung thư cũng không còn nữa nên đó là tình trạng rất đáng lo ngại”, báo Guardian dẫn lời ông Gotabhaya Ranasinghe, một bác sĩ tim mạch tại Bệnh viện Quốc gia Sri Lanka ở Colombo, cho biết.

“Mọi người có thể thấy rõ tác động của cuộc khủng hoảng lương thực và khủng hoảng nhiên liệu nhưng cuộc khủng hoảng y tế chỉ mới bắt đầu. Là một bác sĩ, tôi cảm thấy thật tồi tệ khi biết rằng mình không thể kê đơn và vì vậy mà tính mạng của bệnh nhân bị đe dọa. Tôi không nghĩ rằng các chính trị gia hoàn toàn hiểu được tác động của nó”, ông Ranasinghe nói thêm.

Quốc đảo Ấn Độ Dương này đang trải qua cơn suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ khi độc lập vào năm 1948. Các mặt hàng thiết yếu bị thiếu hụt trầm trọng, giá cả leo thang, cắt điện triền miên, dự trữ ngoại hối teo tóp. Nhưng nước này lại không còn đủ tiền… để mua gì từ bên ngoài.

Tổng thống Gotabaya Rajapaksa áp đặt lệnh giới nghiêm và tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào đầu tháng 4-2022 để đối phó với bất ổn lan rộng và nguy cơ biểu tình tiếp diễn từ tuần trước, trong đó gồm vụ ném gạch và đốt xe buýt trước nhà riêng của tổng thống tại thủ đô Colombo.

TRẦN PHƯƠNG
TTO