Học tự chọn ở lớp 10: Còn quá nhiều băn khoăn trước giờ G
Học tự chọn ở lớp 10: Còn quá nhiều băn khoăn trước giờ G
Năm học 2022-2023, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ‘gõ cửa’ lớp 10. Nhiều cơ sở giáo dục đến nay hết sức lúng túng, chưa biết làm thế nào để ‘biến hóa’ trước hơn 100 tổ hợp.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Bộ GD-ĐT Nguyễn Xuân Thành cho biết: “Các trường cần xây dựng phương án trước, trong đó công bố bao nhiêu lớp 10, có bao nhiêu tổ hợp, mỗi tổ hợp có mấy lớp, tiêu chí đăng ký lựa chọn vào các lớp, theo nguyện vọng 1, 2… Căn cứ vào đó, các trường xếp học sinh vào các lớp. Nếu không được vào lớp này thì sẽ vào lớp kia”.
Học sinh từ lớp 10 năm học tới sẽ chính thức học chương trình giáo dục phổ thông mới với nhiều tổ hợp môn tự chọn ĐÀO NGỌC THẠCH |
Là nhà giáo, từng là cán bộ quản lý trường THPT, đủ cung bậc với những lần thay sách giáo khoa, cải cách, thí điểm phân ban, tôi có những băn khoăn sau.
Lớp 10 sẽ thi chồng thi?
Đã từng dạy ở trường phân ban, tôi biết xu thế lựa chọn của học sinh (HS), phụ huynh HS thường tập trung vào một số tổ hợp, nhất là tổ hợp mà thầy cô có uy tín, kinh nghiệm giảng dạy. Cuộc “đua” này căng thẳng, có khi còn phải có “quan hệ”, “chọn – gửi”, can thiệp từ “trên”… Hơn thế, sau khi thi (hoặc xét tuyển) vào lớp 10, HS lại “thi” vào lớp có tổ hợp môn học theo nguyện vọng, khác nào thi chồng thi?
Ngoài ra, nếu “rớt” các nguyện vọng vào lớp có tổ hợp môn yêu thích tại trường THPT A, HS có được phép xin học tại trường THPT B (vào lớp có tổ hợp môn yêu thích) không? Bộ GD-ĐT có cho phép thực hiện điều này không?
Ngược lại, nếu trong quá trình học, HS muốn thay đổi tổ hợp môn học đã chọn thì có được không? Chẳng hạn một HS lớp 10 chọn tổ hợp X, sau khi lên lớp 11 có nguyện vọng chuyển sang học các môn trong tổ hợp Y. Điều này có thực hiện được không và việc học bổ sung các môn trong tổ hợp Y ở lớp 10 do HS tự học hay được thầy cô hướng dẫn?…
Xa hơn là việc tuyển sinh vào ĐH,CĐ. Những năm học tới, nếu tuyển sinh vào ĐH, CĐ nhân rộng hình thức kiểm tra đánh giá năng lực, HS nếu chọn tổ hợp môn “cứng”, và “đóng” liệu có thiệt thòi?
Có một cách thêm giáo viên cho môn học mới, tăng cơ sở vật chất
Trong hoạt động ngoài giảng dạy chính khóa, tôi từng cho HS học đàn guitar, cắm hoa… Thực tế cho thấy, người đứng lớp các môn âm nhạc, mỹ thuật vẫn có nhưng họ không có nghiệp vụ sư phạm. Trong trường hợp này việc cần làm lúc này là Bộ GD-ĐT cho phép chiêu sinh, mời gọi tình nguyện viên, mở các lớp cấp tốc (trực tiếp, trực tuyến) bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ này để bổ sung cho giáo viên các môn còn thiếu trong giai đoạn tạm thời.
Để thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học giữ vai trò quan trọng. Thực trạng hiện nay cho thấy không phải trường THPT nào cũng đảm bảo, ngay ở mức tối thiểu. Liệu các trường có thể liên kết với nhà văn hóa (phường/xã, quận/huyện) hoặc phối hợp, hỗ trợ giữa các trường trung học trên cùng địa bàn được không?
Khi việc sắp xếp các lớp theo tổ hợp môn chưa thể đáp ứng đầy đủ nguyện vọng của HS, phụ huynh HS sẽ có khả năng trường chọn ít tổ hợp môn, trường chọn nhiều tổ hợp môn nhưng vượt quá điều kiện thực tế. Việc này ảnh hưởng đến lợi ích học tập của HS. Vậy Bộ GD-ĐT có xây dựng bộ tiêu chí làm căn cứ tổ chức lớp học theo tổ hợp môn hay không?
Nếu không giải quyết rốt ráo những băn khoăn từ thực tế thì việc triển khai tự chọn ở lớp 10 sẽ đi vào vết xe đổ của mô hình phân ban trước kia.
TS Nguyễn Hoàng Chương
TTO