19/11/2024

Để thịnh vượng, Việt Nam cần tăng hiệu suất

Để thịnh vượng, Việt Nam cần tăng hiệu suất

Bà Manuela V. Ferro, phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, thăm Việt Nam vào tháng 3-2022 và gặp gỡ lãnh cấp cao Việt Nam. Bà chia sẻ thêm về tiềm năng của Việt Nam trong bài viết gửi riêng Tuổi Trẻ.

 

Để thịnh vượng, Việt Nam cần tăng hiệu suất - Ảnh 1.

Bà Manuela V. Ferro – Nguồn ảnh: worldbank.org

Câu hỏi mà Việt Nam phải đối mặt hiện nay là làm thế nào để trở thành nền kinh tế có thu nhập cao thông qua tăng năng suất, đồng thời bảo vệ tài nguyên của Việt Nam và thế giới?

 

Bài học từ Hàn Quốc

Lãnh đạo Việt Nam đã đặt ra những mục tiêu tham vọng, bao gồm đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2035, thu nhập cao vào năm 2045, và mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050.

Trong thế giới đang trỗi dậy từ đại dịch toàn cầu và hiện đang bị xáo trộn bởi cuộc chiến tại Ukraine, các ưu tiên hàng đầu trong ngắn hạn đối với người dân Việt Nam có thể sẽ tiếp tục là nâng cao thu nhập, tìm kiếm việc làm tốt hơn, tiếp cận với dịch vụ y tế chất lượng cao hơn và giáo dục đại học tốt hơn, đồng thời với cải thiện môi trường đô thị.

Nghị trình phát triển đầy tham vọng của Việt Nam cũng đòi hỏi phải tăng trưởng thích ứng với khí hậu, giảm thiểu phát thải carbon từ quá trình sản xuất và cơ cấu năng lượng.

Một số khía cạnh trong kinh nghiệm của Hàn Quốc, quốc gia đã chuyển đổi từ nghèo sang thịnh vượng trong vòng ba thập niên, có thể chỉ ra một số hướng đi cho Việt Nam.

Không giống như Hàn Quốc, tài nguyên thiên nhiên phong phú đã hỗ trợ cho con đường đi lên vững chắc của Việt Nam và quản lý nguồn vốn tự nhiên sẽ là một phần quan trọng trong định hướng phát triển của mình.

Đối với Việt Nam, việc chuyển trọng tâm đến môi trường và biến đổi khí hậu là một yếu tố quan trọng để duy trì tăng trưởng mạnh mẽ và tạo việc làm. Nâng cao khả năng thích ứng ở những vùng dễ bị tổn thương như ĐBSCL và TP.HCM sẽ góp phần đảm bảo các mục tiêu phát triển dài hạn đi đúng hướng.

Tuy nhiên, kinh nghiệm quốc tế cho thấy trong khi con đường từ thu nhập thấp lên trung bình chủ yếu diễn ra thông qua tích lũy vốn vật chất và vốn con người, cùng với sử dụng tài nguyên thiên nhiên, thì quá trình chuyển đổi từ thu nhập trung bình lên thu nhập cao được thúc đẩy bởi sử dụng tài sản và nguồn lực sẵn có hoặc mới một cách hiệu quả, bao gồm cả nguồn nhân lực.

Để đạt được bước nhảy vọt từ mức thu nhập trung bình, một bài học với Việt Nam từ Hàn Quốc là sự phát triển nhanh của nước này đến từ sự kết hợp gia tăng đầu tư vào nguồn lực vật chất và con người, và hơn cả là ngày càng chú trọng đến hiệu suất.

Do đó, để Việt Nam đạt được kết quả chuyển đổi như mong muốn, việc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch sang tăng trưởng dựa vào năng suất có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

 

Tốc độ phát triển rất đặc biệt

Tốc độ phát triển của Việt Nam tới nay rất đặc biệt, dù áp dụng tiêu chuẩn nào. GDP của Việt Nam đã tăng từ 21 tỉ USD năm 1994 lên 363 tỉ USD vào năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ cũng tăng từ 55 tỉ USD năm 2007 lên 340 tỉ USD vào năm 2021.

Việt Nam hiện là nước sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới, sau Brazil, cả về sản lượng và giá trị, đồng thời là nước xuất khẩu cá và hải sản lớn thứ ba thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc và Na Uy.

Giá trị đầu tư trực tiếp nước ngoài cao đã thúc đẩy tăng trưởng trong các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ thâm dụng lao động. Khu vực doanh nghiệp của Việt Nam luôn nhộn nhịp với các doanh nghiệp trẻ, năng động và đa dạng.

Tăng trưởng kinh tế, động lực chính để giảm nghèo, đã cải thiện phúc lợi của người dân Việt Nam. GDP bình quân đầu người từ mức 281 USD vào năm 1994 đã tăng lên 3.694 USD vào năm 2021. Nghèo cùng cực đã được xóa bỏ hoàn toàn và hơn 18% dân số đã gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu. Năm 1993, chỉ có 14% hộ gia đình được sử dụng điện, nay đã mở rộng ra gần như toàn bộ dân số. Đây là những thành tựu đáng kể.

Ấn phẩm Báo cáo Việt Nam 2035 được công bố gần đây đã mang đến nhiều ý tưởng chính sách mới giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu của mình và hình thành tầm nhìn dài hạn.

Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới với nhiệm vụ hỗ trợ khu vực tư nhân, đến nay đã đóng vai trò xúc tác huy động hơn 5 tỉ USD vốn đầu tư dài hạn để giúp khu vực tư nhân của Việt Nam phát huy tiềm năng và trở thành động lực tăng trưởng kinh tế, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, chế biến chế tạo, kinh doanh nông nghiệp, năng lượng tái tạo và các lĩnh vực tài chính.

Việt Nam đã trải qua một quá trình chuyển đổi kinh tế quan trọng trong 1/4 thế kỷ qua. Để duy trì và xây dựng thành công trong 25 năm tới, Việt Nam đã nêu rõ nhu cầu và khát vọng của mình, và WB sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đạt được khát vọng đó.

 

Các lĩnh vực Việt Nam cần WB ưu tiên

Tiếp Phó chủ tịch WB Manuela Ferro tại Hà Nội vào chiều 21-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều thay đổi với những xu hướng mới, đặc biệt là trong giai đoạn hậu COVID-19, Việt Nam đề nghị WB quan tâm ưu tiên cho Việt Nam được tiếp tục tiếp cận các khoản viện trợ không hoàn lại, làm “mềm hóa” các khoản vay; đẩy mạnh tư vấn, hỗ trợ kinh nghiệm quốc tế, góp phần giúp Việt Nam điều chỉnh kịp thời chính sách phù hợp tình hình và tận dụng tốt các động lực tăng trưởng mới, bền vững.

Thủ tướng cũng đề nghị WB hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ nguồn lực để xây dựng Báo cáo Việt Nam 2045 bảo đảm tầm chiến lược, phù hợp với mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển đến năm 2045 của Việt Nam.

MANUELA FERRO (phó chủ tịch WB)
TTO