24/01/2025

Cần thước đo lành mạnh

Cần thước đo lành mạnh

Kỳ thi học sinh giỏi vẫn cần thiết nhưng nhất thiết phải thay đổi, điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh đất nước, xã hội và là thước đo chính xác của nền giáo dục.

 

 

 

Cần thước đo lành mạnh - Ảnh 1.

Nhất định phải thay đổi kỳ thi học sinh giỏi để phù hợp với bối cảnh hiện tại và tương lai. Trong ảnh: thí sinh tham dự kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 cấp TP.HCM năm 2022 làm thủ tục vào phòng thi tại điểm thi Trường THPT Võ Thị Sáu, quận Bình Thạnh, TP.HCM sáng 7-4 – Ảnh: NHƯ HÙNG

Cần trả cuộc thi này về đúng với bản chất của nó – một cuộc chơi của các bạn trẻ.

Đó là thông điệp chính mà bạn đọc, các chuyên gia, thầy cô, học sinh gửi tới diễn đàn “Thi học sinh giỏi để làm gì?”. Trong gần hai tuần diễn ra diễn đàn, cũng có không ít tiếng nói quyết liệt “đòi” dẹp kỳ thi này.

 

Vẫn cần thước đo

Xã hội càng hiện đại, chuyên nghiệp càng cần nhiều thước đo. Lấy ví dụ những chiếc xe hơi đầu tiên trên thế giới có rất ít đồng hồ, khác với các đời xe hiện đại, nhất là siêu xe, đồng hồ chi chít.

Người ta kể câu chuyện hài hước rằng ở thời kỳ đầu tiên, tài xế muốn biết xe đi nhanh hay chậm thì phải… thò tay ra cửa sổ xem gió đập vào bàn tay mạnh hay yếu. Khi ngành công nghiệp xe hơi phát triển, đồng hồ đo tốc độ ra đời. Tiếp đó là đồng hồ đo nhiệt độ trong xe, nhiệt độ máy; đo lượng khí thải; đo áp suất lốp; thậm chí đo tình trạng sức khỏe của người lái xe, người ngồi trong xe…

Khi trình độ quản trị, quản lý tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao, nhiều thước đo xuất hiện: đo sự chuyên cần bằng vân tay, camera; đo hiệu suất, năng suất lao động bằng KPI; đo hiệu quả hoạt động kinh doanh bằng doanh thu, doanh số, lợi nhuận, giá cổ phiếu…

Tương tự như vậy, giáo dục cũng cần nhiều thước đo, là các hình thức đánh giá thường xuyên, định kỳ; các kỳ thi, trong đó có kỳ thi học sinh giỏi – kỳ thi hướng tới mục tiêu phát hiện, tìm kiếm nhân tài, từ đó bồi dưỡng, phát triển những hạt giống; mở ra phong trào thi đua dạy và học.

 

Khi thước đo “bị bệnh”

Kỳ thi học sinh giỏi đã có lịch sử hàng chục năm và có thể nói nó đã có những đóng góp nhất định cho nền giáo dục và xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, đáng tiếc là khi triết lý giáo dục đã thay đổi, mục tiêu giáo dục đã thay đổi, cách thức tổ chức các hoạt động đã thay đổi thì kỳ thi này vẫn… đứng yên.

Điều đáng nói nhất về những thay đổi trong giáo dục đó là sự chuyển đổi từ một nền giáo dục truyền thụ kiến thức sang phát triển kỹ năng. Như vậy, nếu vẫn được duy trì, kỳ thi học sinh giỏi cần phải được thay đổi, điều chỉnh để phù hợp với sự thay đổi căn bản này.

Thêm nữa, theo nhiều bạn đọc, kỳ thi học sinh giỏi đã bị biến tướng, biến phong trào thi đua vốn dĩ phải lành mạnh trở nên méo mó, nhiều khi bất chấp để có được cái gọi là thành tích cho nhà trường, cho địa phương; biến cơ hội vàng của học sinh có thể khám phá năng lực bản thân thành cuộc đua đầy áp lực, đầy lo âu và không ít mệt mỏi; biến không ít thầy cô vốn đầy tài năng, tâm huyết thành những thợ dạy, canh cánh với chỉ tiêu học sinh giỏi do sở, trường ấn xuống…

Theo nhiều tác giả, một kỳ thi “bệnh” như vậy sẽ khiến “người chơi” bị bệnh luôn. Do vậy, cần một cuộc “đại phẫu” để trả kỳ thi này trở lại đúng với bản chất và mục tiêu ban đầu của nó.

 

Cuộc chơi của người trẻ

Các chuyên gia, bạn đọc hiến kế “trị bệnh” cho kỳ thi học sinh giỏi. Có thể kể đến một số lối ra như:

1. Coi kỳ thi học sinh giỏi như một cuộc chơi của các học sinh, ai thấy mình đủ khả năng và ý chí thì tự đăng ký dự thi, khi đi thi thì không đặt quá nặng sự ganh đua, hơn thua mà nên coi đó là cơ hội để giao lưu, học hỏi và vượt lên chính mình;

2. Bộ Giáo dục và đào tạo trao quyền tổ chức kỳ thi này cho các tổ chức độc lập, các hội, hiệp hội;

3. Không lấy số lượng học sinh giỏi làm thước đo thành tích cho địa phương, nhà trường, thầy cô…

Cũng cần phải nói thêm về sự vinh danh người giỏi. Có một hiện tượng phổ biến là “bảng vàng” ở các trường hiện nay thường nổi bật ở số lượng giải thưởng học sinh giỏi của trường đạt được. Trong khi học sinh giỏi chỉ là phần nổi, là số ít. Giáo dục hướng tới học sinh giỏi là giáo dục hướng tới số ít và rõ ràng không thể chấp nhận. Vì còn tảng băng chìm là đông đảo học sinh còn lại. Đó là những học sinh bình thường, họ mới chính là đối tượng của giáo dục.

Đào tạo, phát triển được một số học sinh giỏi là đáng hoan nghênh nhưng thay đổi phát triển được đông đảo học sinh bình thường, thậm chí trong đó có những học sinh chậm tiến, học sinh cá biệt cũng xứng đáng được hoan nghênh. Các thầy cô âm thầm, miệt mài giúp học sinh bình thường, học sinh cá biệt phát triển cũng xứng đáng được tôn vinh, được khen thưởng.

 

Sự im lặng của cơ quan quản lý

Trong gần 2 tuần diễn ra diễn đàn, Tuổi Trẻ đã nhận được hơn 50 bài viết của bạn đọc trong và ngoài nước, trong đó có người viết tới 2 bài. Vì khuôn khổ của diễn đàn và vì nhiều bài viết có chung nội dung, kiến nghị, chúng tôi không thể đăng tải hết các bài viết này của bạn đọc.

Ngoài ra, các bài xuất bản trên tuoitre.vn cũng nhận được hàng trăm lượt bình luận của bạn đọc. Phần thăm dò của tuoitre.vn về việc có nên duy trì kỳ thi này cũng nhận được hàng nghìn phản hồi.

Trái ngược với sự quan tâm của dư luận về câu chuyện nóng hổi này, Bộ Giáo dục và đào tạo – cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục, đào tạo, cũng là cơ quan đứng ra tổ chức kỳ thi học sinh giỏi quốc gia – đến nay vẫn im lặng. Phóng viên Tuổi Trẻ đã cố gắng liên hệ để ghi nhận ý kiến, quan điểm của bộ này nhưng đã không nhận được câu trả lời.

 

Cần thay đổi “bảng vàng”

Theo nhiều bạn đọc, giỏi toán, giỏi văn, giỏi lý, giỏi hóa, giỏi sử, giỏi địa… đáng khen nhưng giỏi giáo dục công dân, giỏi đàn, giỏi hát, giỏi võ, giỏi bơi, giỏi thể dục, giỏi công tác xã hội, giỏi giúp đỡ, chia sẻ với người khác, với cộng đồng cũng đáng khen và đáng khích lệ.

Do đó, trên “bảng vàng” của các trường có lẽ bên cạnh số liệu về học sinh giỏi, một chỉ số khác cũng quan trọng, nếu không muốn nói là danh giá hơn, đó là những học sinh thành đạt, có nhiều đóng góp cho cộng đồng, xã hội.

NHẬT HUY
TTO