18/11/2024

Lo thiếu nguồn cung vũ khí Nga, Ấn Độ tìm lối thoát

Lo thiếu nguồn cung vũ khí Nga, Ấn Độ tìm lối thoát

Bộ Quốc phòng Ấn Độ thông báo sẽ gia tăng sản xuất vũ khí trong nước nhằm giảm nhập khẩu và đề phòng việc thiếu hụt từ nhà cung cấp chính là Nga.

 

 

 

Theo AP, gần 60% lượng trang thiết bị quân sự Ấn Độ nhập khẩu là từ Nga. Phát biểu hôm 7.4, Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh cho biết muốn biến Ấn Độ thành trung tâm sản xuất quốc phòng và công bố danh sách vũ khí sẽ được sản xuất trong nước, gồm trực thăng, động cơ xe tăng, tên lửa cho đến các hệ thống cảnh báo sớm trên không.

Lo thiếu nguồn cung vũ khí Nga, Ấn Độ tìm lối thoát - ảnh 1
Một triển lãm quốc phòng ở Ấn Độ năm 2020  REUTERS

Trong vòng 5 năm tới, quân đội Ấn Độ có thể sẽ đặt mua số vũ khí trị giá 2.100 tỉ rupee (28 tỉ USD) từ các nhà sản xuất quốc doanh và tư nhân trong nước. Trong ngân sách năm 2022 – 2023, 68% hợp đồng mua sắm quốc phòng của Ấn Độ là do các nhà sản xuất nội địa cung cấp.

Theo giới chức Ấn Độ, lục quân, không quân và hải quân Ấn Độ hiện lớn lần lượt thứ hai, thứ tư và thứ bảy thế giới, không thể được duy trì bằng cách nhập khẩu vũ khí. Không quân Ấn Độ có hơn 410 chiến đấu cơ do Liên Xô hoặc Nga sản xuất và toàn bộ cần phụ tùng của Nga. Ấn Độ cũng có các tàu ngầm, xe tăng, trực thăng, tàu hộ tống, tên lửa do Nga sản xuất.

Tướng lục quân về hưu D.S.Hooda cho biết quá trình dịch chuyển chuỗi sản xuất phụ tùng sang Ấn Độ đã bắt đầu nhưng chưa rõ có đủ bù đắp trong trường hợp nguồn cung bị thiếu hụt. “Nếu thực sự muốn thấy tiến triển đáng kể, sẽ phải mất ít nhất 5 năm”, ông Hooda nói.

Để đáp ứng nhu cầu ngắn hạn, các quan chức Ấn Độ cho biết có thể cân nhắc mua phụ tùng, vũ khí từ các nước từng thuộc Liên Xô hoặc khối hiệp ước Warsaw như Bulgaria, Ba Lan, Georgia, Kazakhstan vì những nước này còn sử dụng các hệ thống tương tự Ấn Độ.

Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Anh Liz Truss hồi tuần trước, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar cũng thảo luận việc tăng cường hợp tác quốc phòng song phương, được cho là nhằm giảm sự phụ thuộc vào Nga.

VI TRÂN

TNO