Xe Grabcar, Becar, Gocar… sẽ bị quản lý như taxi?
Xe Grabcar, Becar, Gocar… sẽ bị quản lý như taxi?
Theo dự thảo Luật đường bộ được Chính phủ trình Quốc hội, loại hình ôtô chở khách dưới 9 chỗ sử dụng ứng dụng công nghệ đặt chỗ như Grabcar, Becar, Gocar… sẽ được xem là loại hình taxi thay vì xe hợp đồng điện tử như hiện nay.
Cụ thể, dự thảo Luật đường bộ quy định ôtô con là ôtô thiết kế chở dưới 10 người kể cả tài xế. Còn ôtô chở người 10 chỗ trở lên là xe khách.
Dự thảo quy định chở khách bằng ôtô gồm các loại hình: tuyến cố định, xe buýt, taxi, hợp đồng và loại hình kinh doanh vận tải hành khách mới. Như vậy, không còn loại hình xe du lịch như Luật giao thông đường bộ hiện nay.
Với taxi, dự thảo Luật đường bộ quy định đây là loại hình kinh doanh vận tải hành khách sử dụng ôtô con (dưới 10 chỗ) để chở khách, tính tiền cước chuyến đi do hành khách lựa chọn theo một trong các phương thức: tiền cước được tính qua đồng hồ tính tiền; qua phần mềm tính tiền có kết nối trực tiếp với hành khách thông qua phương tiện điện tử; theo quãng đường và thời gian vận chuyển.
Còn kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng là loại hình kinh doanh vận tải hành khách sử dụng xe ôtô khách (10 chỗ trở lên) để thực hiện theo hợp đồng vận chuyển hành khách (bằng văn bản giấy hoặc điện tử) giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm cả thuê người lái xe).
Như vậy, nếu Luật đường bộ được thông qua, các loại hình xe hợp đồng điện tử (thường gọi là taxi công nghệ) dưới 10 chỗ như Grabcar, Becar, Gocar… sẽ được xem là taxi.
Dự thảo Luật đường bộ giao Chính phủ quy định cụ thể về loại hình kinh doanh vận tải; quy định về điều kiện kinh doanh, trình tự, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng ôtô.
Ngày 8-4, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Đỗ Công Thủy – phó vụ trưởng Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam – cho biết việc phân loại vận tải khách đường bộ có 5 loại hình: tuyến cố định, taxi, xe buýt, xe hợp đồng và du lịch của Luật giao thông đường bộ năm 2008 đã bộc lộ bất cập.
Các bất cập này càng rõ hơn khi xuất hiện các ứng dụng gọi xe vào năm 2014 đã tạo ra sự cạnh tranh sôi động chưa từng có trong vận tải khách bằng xe dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử và taxi.
Hiện nay, taxi phải chịu các quy định về quản lý giá cước, nhận diện, điều kiện gia nhập thị trường… Nhưng xe hợp đồng điện tử lại không phải chịu các quy định này. Trong khi đó, cả taxi và xe hợp đồng điện tử đều là xe dưới 9 chỗ, cùng chở khách, cùng tính cước theo kilômet xe chạy, có phạm vi hoạt động, đối tượng phục vụ giống nhau.
Hiện nay taxi cũng đã ứng dụng công nghệ để kết nối với hành khách tương tự như xe hợp đồng nhưng lại có hai điều kiện quản lý khác nhau, áp dụng chính sách thuế khác nhau là không hợp lý, không công bằng.
Để giải quyết thực trạng nêu trên, trong dự thảo Luật đường bộ trình Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất phân loại kinh doanh vận tải hành khách bao gồm: tuyến cố định, xe buýt, taxi, xe hợp đồng và loại hình kinh doanh vận tải khách mới (nếu có).
Theo đó, loại hình xe hợp đồng là loại hình sử dụng ôtô khách (loại xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên bao gồm cả người lái) để chở khách. Còn lại toàn bộ xe dưới 10 chỗ được gọi chung là loại hình xe taxi.
Việc này sẽ khắc phục được tình trạng có 2 quy định riêng đối với 2 loại hình dịch vụ có cùng bản chất là taxi và xe dưới 9 chỗ kinh doanh theo hợp đồng.
Đồng thời sẽ khắc phục được các bất cập trong quản lý về giá cước, điều kiện gia nhập thị trường, chính sách thuế, công tác quản lý an toàn giao thông…
Quy định này cũng đảm bảo sự công bằng, minh bạch trong kinh doanh, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ nhu cầu đi lại của người dân một cách an toàn, văn minh, quyền lợi khách hàng được đảm bảo.