24/01/2025

Thi học sinh giỏi để làm gì?: Hãy cạnh tranh với chính mình

Thi học sinh giỏi để làm gì?: Hãy cạnh tranh với chính mình

Ở những nền giáo dục tiên tiến, các cuộc thi như thi học sinh giỏi ở Việt Nam khá hiếm hoi bởi mục tiêu giáo dục thường là giúp học sinh trở thành ‘phiên bản’ tốt hơn so với chính mình ngày hôm qua thay vì phải ganh đua với bạn học.

 

 

 

Thi học sinh giỏi để làm gì?: Hãy cạnh tranh với chính mình - Ảnh 1.

Cuộc thi đánh vần (Spelling Bee) cho học sinh nổi tiếng của Mỹ – Ảnh: GETTY IMAGES

Trao đổi với Tuổi Trẻ, giáo sư vật lý Nguyễn Đông Hải, công tác tại Đại học Tennessee Wesleyan (Mỹ), cho biết ở Mỹ cũng có những cuộc thi để học sinh tranh tài học thuật với nhau nhưng tương đối ít.

Ví dụ ở cấp I và cấp II có cuộc thi đánh vần “Spelling Bee”, cấp III có một số cuộc thi Olympic toán cấp trường, thành phố… Ngoài ra, gần như không có thêm những hoạt động thi đua nào về mặt học thuật đáng kể.

 

Không so sánh, không áp lực

Theo giáo sư Nguyễn Đông Hải, các cuộc thi diễn ra khá nhẹ nhàng, chủ yếu để các bạn giao lưu học hỏi là chính hơn là hướng tới các giải thưởng.

Vì cốt lõi ở Mỹ không có việc so sánh học sinh với nhau, nên thậm chí sẽ không có cả những hoạt động tuyên dương, khen thưởng cho học sinh giỏi. Mỗi năm học được chia làm 4 phần, mỗi phần 9 tuần, sau mỗi phần có một tờ phiếu điểm gửi về cho phụ huynh là xong.

“Không xếp hạng, không danh hiệu, không giấy khen phần thưởng gì hết. Người ta thường chỉ chú ý đến các học sinh có điểm trung bình tuyệt đối (4.0/4.0) khi các em ấy xét tuyển và trúng tuyển vào các đại học danh giá, chứ bình thường mười mấy năm học chẳng ai biết điểm của các em bao nhiêu” – giáo sư Hải nói.

Ông Hải nói thêm điểm của từng học sinh chỉ bạn ấy và gia đình biết, nên không có sự tranh đua giữa học sinh với nhau. Các phụ huynh cũng không có tâm lý “con nhà người ta”, so sánh con mình với con người khác để tạo áp lực cho trẻ.

“Đối thủ” lớn nhất của từng em giờ đây là bản thân các em, nói cách khác các em sẽ phải thi đấu với chính mình. Làm sao để học kỳ sau các em đạt điểm tốt hơn học kỳ trước của chính em, chứ không phải để vượt qua bất kỳ một bạn nào trong lớp.

Ganh đua trong học tập, thi cử nhìn chung hại nhiều hơn lợi bởi có khá nhiều tiêu cực phát sinh, đặc biệt có thể nhìn thấy những phản ánh trong các cuộc thi học sinh giỏi mà báo chí đã đề cập.

Theo ông Hải, nếu loại bỏ được sự ganh đua này sẽ cho đứa trẻ biết rằng “đối thủ” cần phải “qua mặt” – trong học tập nói riêng và cuộc sống nói chung – trước hết chính là bản thân các em.

Giáo dục là làm cho đứa trẻ tốt hơn phiên bản của mình ngày hôm qua. Giáo dục không phải là làm cho một đứa trẻ tốt hơn một đứa trẻ khác. Theo tôi, đó mới là giáo dục! Nếu có được góc nhìn như vậy, giáo dục ở Việt Nam sẽ khác rất nhiều. Tôi nghĩ cần người lãnh đạo giáo dục đủ tầm và đủ uy tín để thay đổi việc này.

Giáo sư Nguyễn Đông Hải

 

Không thi, làm sao bồi dưỡng tài năng?

Theo ông Hải, ở Mỹ, nếu nhận thấy trong lớp mình có học sinh vượt trội hơn các bạn đồng lứa về một môn hay lĩnh vực nào đó, giáo viên sẽ bàn với một hội đồng chuyên về “học sinh đặc biệt” của trường.

Hội đồng này bao gồm nhà tâm lý, chuyên gia giáo dục, hiệu trưởng và các giáo viên phụ trách. Hội đồng sẽ viết thư cho phụ huynh xin phép tiến hành một số bài kiểm tra đặc biệt với học sinh này.

Điều này nhằm đánh giá xem em có đạt chuẩn về “học sinh đặc biệt” theo quy định của từng bang hay không.

Sau khi đã hoàn thành tất cả những bài kiểm tra, trường sẽ mời phụ huynh lên gặp gỡ và trao đổi với hội đồng về kết quả. Trong trường hợp học sinh đạt tiêu chuẩn, một hội đồng của nhà trường sẽ thảo luận với phụ huynh về kế hoạch bồi dưỡng riêng cho học sinh đó.

Nếu được phụ huynh chấp thuận, mỗi ngày đến trường, học sinh sẽ có 1 – 2 tiết tách ra khỏi lớp bình thường để học lớp bồi dưỡng.

Chẳng hạn, nếu học sinh lớp 6 được phát hiện đặc biệt về toán, họ sẽ bố trí giáo viên dạy trước chương trình toán lớp 7 cho học sinh ấy. Cứ thế tiến lên đến mức kế tiếp phù hợp với mức độ nhận thức của học sinh này.

Các em có thể “học vượt” tích lũy cả tín chỉ đại học. Ví dụ, nếu học sinh lớp 10 đã học hết chương trình toán lớp 12, thì khi sang lớp 11, các em ấy có thể học luôn các học phần toán ở bậc đại học.

Các em có thể vào trường đại học để học môn có năng khiếu đặc biệt, những môn còn lại sẽ vẫn được học ở trường phổ thông. Học sinh được tích lũy các tín chỉ đại học từ trước, nhờ đó khi chính thức vào đại học, các em sẽ rút ngắn con đường tốt nghiệp sau này.

 

Mở rộng đối tượng tham dự

Một giảng viên gốc Việt tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS) cho rằng ở Singapore cũng có những hoạt động để học sinh tranh tài về mặt học thuật với nhau nhưng thường được tổ chức một cách nhẹ nhàng.

Đặc biệt, đối tượng dự thi không phải chỉ gói gọn trong một nhóm học sinh nhất định đã qua nhiều vòng thi tuyển rồi được ôn luyện kỹ lưỡng như “luyện gà”.

Thay vào đó, bất cứ học sinh nào có nguyện vọng đều có thể tham dự và đều được trực tiếp giải quyết các đề bài, các câu hỏi… Đôi khi các em không hẳn xem đó là những cuộc thi mà đơn giản chỉ là một sân chơi, một dịp để thử thách bản thân.

“Theo tôi, các cuộc thi học sinh giỏi ở Việt Nam cũng nên mở rộng đối tượng dự thi như thế. Tôi từng biết một số phụ huynh, đặc biệt ở cấp I và cấp II, tìm đến các giáo viên họ thân thiết để “nói nhỏ” chọn con họ đi thi học sinh giỏi.

Nếu số lượng dự thi không giới hạn, em nào có nguyện vọng thử sức đều được tham gia, tôi nghĩ có thể giảm bớt phần nào những tiêu cực như thế” – vị này nêu ý kiến.

TRỌNG NHÂN
TTO