Gập ghềnh ‘giấc mơ’ metro
Gập ghềnh ‘giấc mơ’ metro
Tuyến metro số 1 gần về đích thì gặp sự cố, tuyến số 2 chưa khởi công đã đối mặt với nhiều thử thách. Nếu không điều chỉnh cơ chế, chính sách thì TP.HCM khó có thể nhanh chóng hoàn thành “giấc mơ” metro.
Nhùng nhằng các hợp đồng tư vấn
Câu chuyện Tư vấn IC tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) vừa chính thức thông báo chấm dứt hợp đồng nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Dù phía chủ đầu tư là Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) cho biết từ năm 2019 đã chuẩn bị phương án thay thế Tư vấn IC, nhưng việc gói thầu quan trọng của đại dự án nhùng nhằng suốt nhiều năm đặt dấu hỏi lớn về công tác quản lý.
Tuyến metro số 1 liên tục lùi thời điểm đi vào hoạt động NGỌC DƯƠNG |
Cụ thể, tháng 1.2012, MAUR ký hợp đồng Tư vấn IC với giá trị 43,98 triệu euro. Trong đó, giai đoạn A theo hình thức trọn gói trị giá 12,73 triệu euro để thiết kế và hỗ trợ cho việc đấu thầu các gói thầu chính, giai đoạn B trị giá 31,25 triệu euro để giám sát thực hiện xây dựng dự án. Dù hợp đồng được ký kết là trọn gói, nhưng rồi phát sinh 12 phụ lục hợp đồng. Trong đó, 6 phụ lục phát sinh khối lượng công việc ngoài hợp đồng với giá trị hơn 8,9 triệu euro. Theo hợp đồng ban đầu, thời gian thực hiện tư vấn chỉ trong 18 tháng, nhưng đã kéo dài 99 tháng (tính đến thời điểm MAUR báo cáo UBND TP vào năm 2020).
Đáng chú ý, trong hợp đồng đã ký kết có điều khoản cho phép Tư vấn IC thực hiện điều chỉnh giá hợp đồng, nên tư vấn đã áp dụng điều khoản này để tính chi phí phát sinh hợp đồng khoảng 3,7 triệu euro. Như vậy, tổng phát sinh các phụ lục hợp đồng Tư vấn IC khoảng 12,6 triệu euro, tăng 99% giá trị hợp đồng giai đoạn A.
Từ tháng 10.2018, tư vấn đã tạm dừng huy động nhân sự hỗ trợ dự án. Sau đó, liên tục nhiều tháng, hai bên tiến hành các cuộc đàm phán để thương thảo phụ lục hợp đồng số 13, nhưng chưa đạt được các thỏa thuận chung. Tháng 5.2021, TP.HCM thống nhất chủ trương kết thúc đàm phán phụ lục hợp đồng số 13 và thực hiện các thủ tục kết thúc hợp đồng với Tư vấn IC thì đơn vị này lại đề nghị mở đàm phán lại để có thể hoàn thành giai đoạn A. Sau “cái gật đầu” của lãnh đạo UBND TP, Tư vấn IC lại bất ngờ thông báo chính thức chấm dứt hợp đồng.
Không chỉ tăng tới 99% giá trị hợp đồng, các động thái tiêu cực của Tư vấn IC đã ảnh hưởng đến việc chuẩn bị hồ sơ mời thầu, tổ chức đấu thầu, chấm thầu, trao thầu… của các gói thầu chính. Việc đơn vị này ngừng hợp đồng cũng tiếp tục kéo theo nguy cơ lùi đích của tuyến metro số 2.
Trước đó, tuyến metro số 1 cũng “dính chưởng” hợp đồng tư vấn. Tháng 7.2021, Liên danh NJPT (tư vấn chung dự án metro số 1) bất ngờ gửi văn bản tới chủ đầu tư và UBND TP, thông báo tạm từng nhiều dịch vụ tư vấn do phụ lục hợp đồng số 19 vẫn chưa được ký điều chỉnh. Đây là thủ tục rất quan trọng bởi liên quan trực tiếp đến công tác đào tạo lái tàu, lắp đặt hệ thống công nghệ thông tin thuộc gói thầu CP4… Cũng vì chờ ký phụ lục hợp đồng số 19, cuối năm 2020, Liên danh NJPT đã ngưng đào tạo 58 học viên lái tàu của tuyến metro số 1. MAUR ký hợp đồng với Liên danh NJPT trị giá hơn 9 tỉ yen Nhật (gần 1.300 tỉ đồng thời điểm đó) năm 2007. Thời gian thực hiện hợp đồng này là 132 tháng, dựa trên tiến độ dự kiến ban đầu của công trình với thời gian hoàn thành năm 2015.
Dự án sau đó gặp nhiều vướng mắc, phải điều chỉnh thời gian hoàn thành đến cuối năm 2021. Điều này dẫn đến hợp đồng tư vấn chung phát sinh nhiều công việc khiến dự án phải bổ sung thêm 19 phụ lục hợp đồng. Tổng giá trị dự kiến của bản hợp đồng này cũng đã tăng lên mức gần 1.700 tỉ đồng. Giai đoạn năm 2017 – 2018 và từ năm 2019 đến nay, quá trình đàm phán với Liên danh NJPT đã trải qua 31 đợt và hiện vẫn chờ UBND TP.HCM sớm xem xét, phê duyệt dự toán chi phí phát sinh tư vấn chung tuyến metro số 1.
18 tháng chưa tìm ra nguyên nhân sự cố
Không chỉ chậm vốn giải ngân, chậm thanh toán công nợ với các nhà thầu, sự cố lệch dầm cầu cạn tại hơn 1 vị trí, đường ray bị hư hỏng thuộc Gói thầu CP2 (tuyến metro số 1) khiến người dân càng thêm lo lắng cho tiến độ dự án.
Vấn đề lớn nhất trong việc xây dựng hệ thống metro tại TP.HCM không phải kỹ thuật mà là quản lý và thủ tục hành chính. UBND TP.HCM cần nghiêm túc đánh giá, quyết đoán, điều chỉnh cơ chế, chính sách thì mới có thể nhanh chóng hình thành mạng lưới metro, phát triển giao thông công cộng.
Ông Hà Ngọc Trường
Kể từ khi được phát hiện vào tháng 10.2020 đến nay, sự việc này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm mặc dù Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng và UBND TP đã có nhiều văn bản ý kiến, chỉ đạo. Trong khi MAUR cùng các đơn vị liên quan vẫn chưa có kết luận cuối cùng và khẳng định trách nhiệm thuộc về phía nhà thầu (Liên danh SCC) thì Sở GTVT TP.HCM lại đánh giá chủ đầu tư đang phụ thuộc vào công tác xác định, các số liệu quan trắc, thí nghiệm của Liên danh SCC cùng các báo cáo đánh giá của tư vấn độc lập bên thứ ba. Điều này gây tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ thi công, chất lượng công trình và phát sinh khiếu kiện, khiếu nại của các nhà thầu liên quan.
Khi xảy ra sự cố, các chuyên gia, MAUR luôn khẳng định sẽ làm hết sức để không ảnh hưởng tới tiến độ dự án nhưng thực tế thì “lời hứa” đưa tuyến metro số 1 vào vận hành thương mại cuối năm 2021 đã không thể thực hiện. Theo kế hoạch mới nhất, tàu metro số 1 có thể chạy thử nghiệm vào khoảng nửa cuối 2023 và phải 1 năm sau, tức cuối năm 2024 mới đưa vào khai thác thương mại.
“Đừng biến giấc mơ metro thành cơn ác mộng”, PGS-TS Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM, đặt vấn đề như vậy khi trả lời Thanh Niên. Theo ông, tình trạng chậm trễ của các tuyến metro ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống giao thông TP.HCM. Bên cạnh đó, việc không đảm bảo tiến độ như đã cam kết với các đối tác còn ảnh hưởng đến uy tín của VN, cản trở các cơ hội vay vốn hoặc thu hút vốn tư nhân vào các dự án giao thông quy mô lớn trong tương lai.
HÀ MAI
TNO