24/01/2025

Rủi ro trái phiếu doanh nghiệp

Rủi ro trái phiếu doanh nghiệp

Vụ hủy 9 lô trái phiếu phát hành không công bố thông tin của nhóm Tân Hoàng Minh cho thấy rủi ro tiềm ẩn của nhiều loại trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường hiện nay.

 

 

Rủi ro “mất cả chì lẫn chài”

Ủy ban chứng khoán nhà nước vừa ban hành quyết định hủy 9 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trị giá 10.030 tỉ đồng của Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt (Công ty Ngôi Sao Việt), Công ty CP Cung điện Mùa đông (Công ty Cung điện Mùa đông), Công ty CP đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil (Công ty Soleil) thuộc Công ty TNHH thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh).

Rủi ro trái phiếu doanh nghiệp - ảnh 1
Nhà đầu tư thận trọng với những trái phiếu doanh nghiệp “3 không”   NGỌC THẮNG

Như vậy, các trái chủ mua trái phiếu doanh nghiệp của 3 công ty này đang đứng trước nguy cơ khó thu hồi được vốn. Ví dụ, đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trị giá 800 tỉ đồng của Công ty Ngôi Sao Việt trong năm 2021 với kỳ hạn từ 48 – 60 tháng, lãi suất từ 11,5 – 12%/năm mục đích mua 51% vốn Công ty CP đầu tư phát triển và thương mại Việt Tiến (800 tỉ đồng) có tài sản đảm bảo là 6 triệu cổ phần chính Công ty CP đầu tư phát triển và thương mại Việt Tiến do 3 cá nhân gồm ông Đỗ Anh Dũng, Đỗ Hoàng Minh và Đỗ Hoàng Việt (trong đó, ông Đỗ Anh Dũng và Đỗ Hoàng Việt vừa bị bắt) nắm giữ.

Đã đến lúc cần có sự quan tâm đúng mức để mô hình huy động tài chính cho doanh nghiệp từ trái phiếu không chỉ phát triển nhanh, bền vững, mà phải đảm bảo quyền lợi và an toàn cho nhà đầu tư. Nếu không siết chặt việc quản lý, nó sẽ gây ảnh hưởng đến phương thức huy động vốn cần thiết và quan trọng trong nền kinh tế.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính)

Theo chứng thư thẩm định giá do công ty kiểm toán thực hiện tháng 6.2021, cổ phần Việt Tiến được định giá lên tới 273.000 đồng/cổ phần, nên 6 triệu cổ phiếu này có giá trị lên tới 1.638 tỉ đồng, gấp đôi giá trị lô trái phiếu phát hành 800 tỉ đồng. Nhưng cổ phiếu của Công ty CP đầu tư phát triển và thương mại Việt Tiến hiện chưa được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán nên việc xác định giá trị cổ phần tính là rất khó chính xác. Chưa kể tình hình tài chính của Công ty Ngôi Sao Việt những năm gần đây không mấy khả quan. Theo bảng công bố thông tin đợt phát hành trái phiếu trong năm 2021, năm 2018 công ty này lỗ hơn 10 tỉ đồng, qua năm 2019 lãi lên 219 tỉ đồng, năm 2020 lãi 10,9 tỉ đồng. Với các con số này, để trả lại tiền cho các trái chủ, không phải chuyện đơn giản.

Trên thực tế, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển khá nhanh trong những năm gần đây do mức lãi gấp đôi tiết kiệm tiền đồng, lên 11 – 12%/năm khiến nhiều nhà đầu tư tham gia mà “bất chấp” rủi ro. Theo Hiệp hội Trái phiếu VN (VBMA), tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp năm 2021 tăng 42% so với năm trước đó, đạt 658.000 tỉ đồng, đặc biệt là sự xuất hiện của 243 doanh nghiệp phát hành lần đầu với khối lượng phát hành chiếm 40%. Trên 60% trong số đó là doanh nghiệp bất động sản và xây dựng, tăng mạnh so với năm 2020.

Thế nhưng, một điểm khá rủi ro ở nhóm trái phiếu doanh nghiệp bất động sản là có đến 29% khối lượng trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm, hoặc chỉ bảo đảm bằng cổ phiếu – tỷ lệ này đã tăng khoảng 4 – 5% trong nửa cuối năm 2021 khi diễn biến giá cổ phiếu bất động sản tương đối thuận lợi cho việc thế chấp.

3/4 trái phiếu lưu hành trên thị trường là của doanh nghiệp không niêm yết, với chỉ số tài chính không được công bố rộng rãi, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư, khi tỷ lệ đòn bẩy của toàn ngành bất động sản có xu hướng tăng trong nửa cuối năm 2021.

Còn thống kê từ SSI Research, các doanh nghiệp bất động sản huy động tổng cộng 318.200 tỉ đồng trong năm 2021, tăng 66,3% so với năm 2020. Trong đó, trái phiếu không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo (một phần/toàn bộ) bằng cổ phiếu là 172.500 tỉ đồng, chiếm 54,2% lượng phát hành.

 

Tăng cường giám sát phát hành trái phiếu

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), chuyên gia tài chính, nhận xét các văn bản quy định về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường khá nhiều nhưng chưa đủ, vẫn còn lỏng lẻo, hở sườn. Tạo kẽ hở cho những doanh nghiệp chưa niêm yết, chưa lên sàn phát hành trái phiếu “3 không”: không tài sản đảm bảo, không xếp hạng tín nhiệm và không bảo lãnh thanh toán, rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư.

Chính vì vậy, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh đề nghị cần phạt thật nặng, truy cứu trách nhiệm hình sự nếu doanh nghiệp phát hành trái phiếu không theo đúng quy định của pháp luật. Doanh nghiệp cần công khai minh bạch về tài chính, bắt buộc phải có các tài sản làm bảo đảm khi phát hành. Pháp luật rõ ràng, minh bạch và thông tin về doanh nghiệp công khai thì nhà đầu tư biết để lựa chọn.

“Không phải từ sau vụ Tân Hoàng Minh bị hủy 9 đợt phát hành trái phiếu, chúng ta mới nói đến vấn đề rủi ro rất lớn trong đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Trong thực tế, việc quản lý lỏng lẻo đã khiến thị trường này có sự rủi ro lớn trong thời gian qua. Đã đến lúc cần có sự quan tâm đúng mức để mô hình huy động tài chính cho doanh nghiệp từ trái phiếu không chỉ phát triển nhanh, bền vững, mà phải đảm bảo quyền lợi và an toàn cho nhà đầu tư. Nếu không siết chặt việc quản lý, nó sẽ gây ảnh hưởng đến phương thức huy động vốn cần thiết và quan trọng trong nền kinh tế”, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho biết.

PGS-TS Nguyễn Văn Hiệu, Phó trưởng khoa Tài chính ngân hàng, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội), cũng cho rằng khung pháp lý liên quan phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang có quá nhiều yếu tố “hở” cần phải khắc phục. Cụ thể, cần có tổ chức đánh giá xếp hạng tín nhiệm trái phiếu phát hành. Việc không phân hạng tín nhiệm trái phiếu là điểm thiếu nhất của thị trường hiện nay. Rủi ro thứ 2 là hơn một nửa trái phiếu phát hành trên thị trường là doanh nghiệp bất động sản trong khi thị trường này phát triển chưa cân đối so với nền kinh tế, tiềm ẩn những rủi ro rất lớn. Một rủi ro khác là nhiều nhà đầu tư không phân biệt được bảo lãnh phát hành và bảo lãnh thanh toán. Ngân hàng chỉ bảo lãnh phát hành, không bảo lãnh thanh toán nên khi rủi ro do có sự cố xảy ra, ngân hàng sẽ không chịu trách nhiệm thanh toán.

Theo PGS-TS Nguyễn Văn Hiệu, phải tiếp tục sửa đổi, bổ sung Nghị định phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tổ chức phân hạng tín nhiệm trái phiếu doanh nghiệp, cáo bạch thông tin khi phát hành với sự giám sát của Ủy ban chứng khoán, quy trách nhiệm cho công ty kiểm toán độc lập trong việc công bố thông tin của doanh nghiệp…

Nhận định việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cũng bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia, nên từ năm 2021 đến nay, Bộ Tài chính đã liên tục phát đi các thông tin cảnh báo về những rủi ro đối với nhà đầu tư khi tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Nhà đầu tư cá nhân không nên mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nếu không có khả năng và nguồn lực để đánh giá đầy đủ rủi ro của trái phiếu, theo sát tiến độ giải ngân, mục đích sử dụng vốn, tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành sau khi đầu tư mua trái phiếu… Nhà đầu tư cần hết sức lưu ý nguyên tắc đầu tư cơ bản là lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao, do đó phải hết sức thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu; không nên mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu.

THANH XUÂN – NGUYÊN NGA

TNO